Người trọn đời gắn bó với ca Huế
- Văn hóa - Giải trí
- 13:16 - 17/07/2017
Từ gánh hát dạo làng quê
Nghệ sĩ Mộng Điệp sinh ra ở làng Trường Hà, xã Vinh Phú, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế trong một gia đình có truyền thống hát tuồng. Trường Hà là một làng quê nghèo, giàu truyền thống cách mạng và cách thành phố Huế hơn mười cây số. Anh Thông, một người cháu của nghệ sĩ Mộng Điệp kể: “Làng này sống bằng nghề nông nghiệp. Riêng gia đình của bà có nghề hát tuồng. Ông cụ có gánh hát nhỏ chỉ mấy người diễn thôi. Từ lúc còn bé, bà Mộng Điệp đã theo cha đi diễn các vở tuồng truyền thống ở các làng quê và trên thành phố Huế. Mỗi lần cha con đi tới đâu thì thôn xóm rộn ràng, mọi người lại quây quần xem và hát theo”.
Theo nghệ sĩ Mộng Điệp lúc sinh thời kể lại thì từ nhỏ bé Mộng Điệp đã được nhiều người khen hát hay, múa giỏi, nên từ lúc tóc còn buộc đuôi gà đã được cho vào diễn tuồng cho bà Từ Cung Hoàng Thái Hậu xem. Bà Từ Cung cũng là người quê ở vùng Phú Lộc, gia đình rất yêu thích tuồng Huế. Nhiều người nói nghệ sĩ Mộng Điệp được bà nhận làm con nuôi, nhưng nghệ sĩ cho biết bà Từ Cung yêu quý mà coi như con cháu thế thôi.
Năm 21 tuổi, Mộng Điệp chính thức bước vào con đường nghệ sĩ chuyên nghiệp khi tham gia vào đoàn hát Kim Sanh, là đoàn hát nổi tiếng nhất đất thần kinh lúc bấy giờ với sự bảo trợ của rất nhiều người trong hoàng tộc, những người yêu nghệ thuật và trí thức Huế. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An thì một trong những người sáng lập Kim Sanh là ông Hoàng Trọng Đồng sinh năm 1899 tại làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Ông là em ruột của Bà Từ Cung (Đoan Huy Hoàng Thái Hậu).
Ông Trần Văn Hồng nguyên là giáo viên văn trường Quốc Học Huế (nhà ở đường Hàn Thuyên) vốn có nhiều bà con tham gia đoàn Kim Sanh kể lại: “Lúc ấy, ở Hà Nội, Sài Gòn, phong trào văn nghệ mới rất mạnh, nhất là việc ra đời nghệ thuật cải lương. Giới trí thức Huế không muốn thua kém nên phong trào chấn hưng phát triển văn hóa cũng trỗi dậy. Đoàn Kim Sanh là đoàn nhạc kịch phát triển dựa trên tuồng Huế, dân ca kịch Huế, âm nhạc cung đình…”.
Nghệ sĩ Mộng Điệp kể: “Lúc ấy bác là diễn viên nữ chính của đoàn, diễn viên nam thì có Châu Kỳ (nhạc sĩ nổi tiếng sau này) rất được mến mộ. Đi đâu, quảng cáo tên Mộng Điệp – Châu Kỳ thì người ta mua vé rất nhiều”.
Tránh sự đàn áp của giặc Pháp, đoàn nhiều lần đổi tên, thành phần nghệ sĩ cũng ít nhiều biến động, phải chia ra nhiều đoàn nhỏ khác nhau để che mắt mật thám. Một lần đoàn diễn ở Lào, Pháp đã bắt giam nghệ sĩ Mộng Điệp và nghệ sĩ Châu Kỳ. Bác Mộng Điệp kể: “Chúng nghi ngờ đoàn hoạt động cách mạng, nhưng không có đủ bằng chứng phải nên thả hai người ra”.
Hát bên bờ Bắc
Năm 1945, cách mạng thành công, anh em ca kịch Huế tập hợp lại trong đoàn hát Việt Hưng. Trong bài viết: “Vọng thời gian” trên Tạp chí Sông Hương số báo kỷ niệm 50 năm Đoàn Ca Kịch Huế (1957-2007) tác giả Nguyễn Thanh Tú cho biết: “Cách đây hơn 50 năm về trước, cùng mấy chục kép đào của gánh hát tuồng Việt Hưng từ Huế ra miền Bắc biểu diễn, đôi bạn gái Kim Oanh - Mộng Điệp đang ở độ xuân thì nhan sắc, nhưng Mộng Điệp lúc đó đã có hai con nên phải gửi lại quê nhà. Mùa đông năm 1946, cuộc chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta nổ ra ác liệt tại Hà Nội, gánh hát Việt Hưng chia thành hai nhóm nghệ xung kích phục vụ bộ đội Việt Minh. Sau 2 năm trời sát cánh cùng chiến hào với các chiến sĩ Vệ Quốc quân, gánh hát Việt Hưng mới chính thức giải tán. Từ bấy đến nay, bà Mộng Điệp chưa một lần biết tin tức gì về hai đứa con yêu quý của mình!”.
Anh em gánh hát Việt Hưng vào vùng tự do Thanh Nghệ, mỗi người làm một việc. Thời gian này, nghệ sĩ Mộng Điệp chia tay với mối tình bất hạnh để lập gia đình với nghệ sĩ Ngọc Oanh, người đạo diễn trong gánh hát vốn đã làm việc cùng nhau từ trước 1945. Hai người theo gia đình chồng rời thành phố Vinh tiêu thổ kháng chiến để lên miền Tây xứ Nghệ phục vụ cuộc kháng chiến lâu dài. Bấy giờ, gia đình bên chồng mở quán cơm Huế ở ngã ba Tuần, sau này mở quán nước quân nhân phục vụ bộ đội đi B.
Năm 1957, chính quyền đã có chủ trương thành lập Đoàn ca kịch Bình Trị Thiên và anh em nghệ sĩ đã lên ngã ba Tuần đón vợ chồng Ngọc Oanh- Mộng Điệp xuống thành phố Vinh khẩn trương dựng vở tập luyện. Những năm tháng sau đó, Đoàn Ca kịch Bình Trị Thiên phục vụ đồng bào miền Bắc, miền Trung. Trong một lần đoàn diễn ở ngay bên bờ Bắc của sông Gianh, diễn xong, nghệ sĩ Mộng Điệp thấy một chiến sĩ trẻ măng, nói tiếng Huế, chạy đến hỏi thăm: “Dạ, có phải là O Điệp, người làng Trường Hà không?”. Người lính đó chính là anh Thông, cháu ruột của nghệ sĩ vừa ra Bắc tập kết. Hai O cháu ôm nhau mà khóc.
Trở lại quê hương
Năm 1975, đất nước hòa bình thống nhất, Đoàn ca Kịch Bình Trị Thiên từ ngoài Bắc trở về quê hương của mình, trở về thành phố Huế thân yêu sau một chặng đường dài lịch sử. Nghệ sĩ Mộng Điệp là đoàn phó (chồng bà, nghệ sĩ Ngọc Oanh là đoàn trưởng) cùng các anh em văn nghệ sĩ nhiều thế hệ, trong một đất nước thống nhất, ôn dựng lại những vở kịch lịch sử đã đi cùng họ từ những năm đầu thế kỷ.
Cuộc sống của Đoàn có những năm tháng rất khó khăn, khu tập thể chật chội và tiếng là trưởng đoàn nhưng vợ chồng nghệ sĩ Ngọc Oanh - Mộng Điệp sống trong căn phòng ngăn đôi bằng vách cót, bên kia là gia đình của vợ chồng nghệ sĩ Đăng Ninh - bố của ca sĩ Vân Khánh.
Năm 1984, nghệ sĩ Mộng Điệp được nhà nước phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú và bà là nghệ sĩ đầu tiên và duy nhất của thành phố Huế được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú trong đợt I. Người viết bài này đã gặp nghệ sĩ Mộng Điệp trong những ngày tháng ấy. Nghệ sĩ cho biết: “Khi được phong nghệ sĩ ưu tú, cả thành phố lại có mỗi mình được phong, tỉnh và thành phố muốn chuyển vợ chồng đến sống ở một biệt thự hoặc ngôi nhà trang trọng hơn. Nhưng vợ chồng bác đã từ chối, với lý do, anh em trong đoàn đã đồng cam cộng khổ từ trước cách mạng, nên đi đâu thì cùng có nhau không bao giờ rời xa”.
Tâm sự với người viết, nghệ sĩ ưu tú Mộng Điệp nói rằng: “Đất nước thống nhất mấy chục năm mà bác vẫn chưa tìm được hai đứa con nhỏ của mình”. Cuộc hôn nhân đầu tiên, trước khi ra Bắc, nghệ sĩ có hai người con nhưng hoàn toàn mất dấu tích trong cảnh loạn ly và cũng một phần bởi những chuyến lưu diễn khắp đất nước trong thời Pháp thuộc.
Các tạp chí và báo ở Huế đều đã viết bài về hai đứa con thất lạc của nghệ sĩ Mộng Điệp, nhưng đến lúc nhắm mắt rời cõi trần vào năm 2014, người nghệ sĩ được hàng ngàn học trò coi như người mẹ ấy lại vẫn chưa tìm được 2 đứa con ruột của mình. Trọn cuộc đời mình, bà đã đem lại niềm vui cho biết bao thế hệ khán giả bằng những vai diễn trên sân khấu, dấu đi trong lòng nỗi mong nhớ hai đứa con dại năm xưa. Đôi khi bà cũng hình dung rằng đâu đó trong những khán giả đang ngồi dưới kia, lại có những đứa con, đứa cháu của mình lưu lạc đó đây.
Nghệ sĩ ưu tú Mộng Điệp và người bạn đời sau này là đạo diễn Ngọc Oanh không có con mà chỉ có người con nuôi tên Hồng, được bà dạy nghề ca Huế. Với bác Mộng Điệp, tất cả các học trò của mình đều là những đứa con ngoan và chưa bao giờ bà trách cứ học trò của mình.
Những năm cuối đời, nghệ sĩ Mộng Điệp về lại làng Trường Hà, nơi bà đã an táng người chồng là đạo diễn Ngọc Oanh trong vườn, đồng thời để dành cho mình một chỗ gần cạnh đó, như mối tình sắt son suốt cuộc đời nghệ sĩ không bao giờ lìa xa nhau. Niềm an ủi lớn nhất, đó là các nghệ sĩ của Nhà hát ca kịch Huế và giáo viên học viên của các trường nghệ thuật ở Huế vẫn thường về thăm bà mỗi tháng, diễn cho bà nghe những tác phẩm mà bà đã từng diễn năm xưa. Bác Mộng Điệp thường nói rằng: “Bác rất tin vào các thế hệ nghệ sĩ sau này do bác đào tạo và do các trường, các thầy cô khác đào tạo. Bởi vì bác vẫn nhìn thấy ở các em các cháu một tình yêu với âm nhạc Huế, một tình yêu với âm nhạc dân tộc, từ đó, các cháu sẽ trưởng thành và giữ gìn, phát triển âm nhạc của quê hương, dân tộc của mình”.
“Trong những năm chiến tranh, nghệ sĩ ưu tú Mộng Điệp đã vinh dự ba lần biểu diễn cho Bác Hồ xem những vở diễn điển hình của ca kịch Huế. Sau ngày đất nước thống nhất, nghệ sĩ Mộng Điệp tiếp tục biểu diễn và tham gia giảng dạy bộ môn sân khấu ca kịch và làm phó đoàn ca kịch Huế. Năm 1984, bà là nghệ sĩ đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Sau ngày nghỉ hưu, bà vẫn tham gia đóng góp cho Đoàn Ca kịch Huế, đào tạo nhiều lớp diễn viên trẻ. Nghệ sĩ Mộng Điệp là người thầy đã đào tạo nên các thế hệ nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Ngọc Bình, NSƯT Kiều Oanh, NSƯT Đình Dũng, NSƯT Thu Hằng, NS Ngọc Linh, đạo diễn Kim Liên, nghệ sĩ Minh Tâm và nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác. Cuộc đời gần 80 năm hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, bà là hạt ngọc của âm nhạc truyền thống Huế và đã toả sáng cho đến lúc ra đi”.