THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:55

“Người trở về”: Phim chiến tranh không còn khô cứng

 

 “Người trở về” kể câu chuyện về Mây –cô gái từ chiến trường trở về sau khi đã dâng hiến cả quãng đời thanh xuân tươi đẹp nhất cho cuộc chiến. Khoác ba lô trở về bến sông Châu với niềm vui đoàn tụ gia đình và gặp lại San – mối tình thề hẹn trước ngày ra trận.Trớ trêu thay, ngày Mây về lại là ngày cưới của San, đồng thời gia đình cô cũng đang chuẩn bị làm đám giỗ khi nhận được giấy báo tử của cô tròn một năm trước…Không muốn làm một người phụ nữ khác phải đau khổ, Mây từ chối ý định cùng nhau làm lại từ đầu của San và bỏ ra bến đò sống cô độc, với mong muốn quên đi chuyện tình yêu lỡ dở và quá khứ chiến tranh đầy ám ảnh.

 

 

Rồi một ngày, Quang - người lính trinh sát miền Nam nặng lòng với cơ duyên nơi chiến trận, đã rong ruổi khắp nơi tìm cô y tá ngày nào. Quang nguyện ở lại để được yêu thương chăm sóc cô suốt đời. Những tưởng tình yêu của Quang sẽ giúp Mây hàn gắn được những vết thương cũ, nhưng ngày Mây quyết định lấy Quang cũng là ngày cô biết được sự thật: vết thương thời chiến đã lấy mất của cô khả năng làm mẹ…Xung đột được đẩy lên tới cực điểm, khi không ai khác, chính Mây, người lính trở về đau khổ nhất trong chuyện tình, phải tự chiến thắng bản năng, tình cảm bình thường của con người, bất chấp tất cả dư luận, điều tiếng để giữa đêm mưa gió, đến đỡ đẻ cho Thanh, vợ của San mẹ tròn con vuông…

Người trở về mở là đám cưới với bao tâm trạng trên sông Châu, kết vẫn sông Châu lặng buồn, trôi một con đò cô đơn trong sương khói. Nhưng Mây không còn trở về đơn độc. Nếu như khán giả lặng đi khi tiếng gọi đò của Mây ở mở phim, thì khán giả lại bàng hoàng, ứa nước mắt, lúc tiếng gọi Mây rẽ sương khói vang lên trong kết phim. Tình yêu của cô, sự cống hiến không tiếc xương máu thời chiến cuộc, sự đấu tranh cuối cùng, gay go khó khăn vô cùng để vượt qua thói thường, giành giật sự sống cho hai sinh linh, đã làm người xem lau đi nước mắt và cầu nguyện cho cô sẽ hạnh phúc.

Bộ phim “Người trở về” dựa theo ý tưởng từ tác phẩm văn học “Người về bến sông Châu” của nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh. Tuy nhiên, kịch bản phim đã có nhiều sự thay đổi so với văn bản văn học. Vài  nhân vật mới, nhiều chi tiết mới được thêm thắt, nhấn nhá để tạo nên một câu chuyện xung đột nhiều chiều. Ngoài cốt truyện mạnh, Người trở về cũng gây ấn tượng ở dàn diễn viên diễn xuất tròn vai và tương tác với nhau khá ăn ý. Dù đôi chỗ chỗ còn diễn hơi non nhưng vai chính - nhân vật Mây – được Lã Thanh Huyền thể hiện khá thành công và gây được nhiều cảm xúc. Các diễn viên khác như Quốc Thái, Tiến Lộc cũng vào vai khá ngọt.

Tuy nhiên, nhắc đến thành công của bộ phim không thể không kể đến vai trò của đạo diễn Đặng Thái Huyền.Từng dành được nhiều giải thưởng ở cả phim truyền hình và phim tài liệu, như: 6 giải Bông sen vàng cho bộ phim “13 bến nước”, Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2010 với “Tấm bản đồ số phận”; Giải Ban giám khảo Liên hoan Cánh diều 2015 với bộ phim “Đất Lành”, Đặng Thái Huyền là nữ đạo diễn thuộc thế hệ 8X đầy triển vọng của điện ảnh Quân đội. Với lối kể chuyện hợp lí, giàu ngôn ngữ  và nhuần nhuyễn, cách xử lí khéo léo của đạo diễn Đặng Thái Huyền khiến bộ phim không khiên cưỡng, mạch phim rất tự nhiên lại có tính ước lệ khái quát những vấn đề của một thời kì lịch sử đã qua.

10 buổi công chiếu Người trở về ở Hà Nội đều chật kín khán giả. Hiện bộ phim đang được đưa vào TP Hồ Chí Minh phục vụ khán giả phía Nam. Đây thật sự là tín hiệu đang mừng cho dòng phim chiến tranh nói chung và điện ảnh Quân đội nói riêng. Trước đây, hầu hết các bộ phim lịch sử sản xuất theo đơn đặt hàng đều chỉ chiếu một đôi lần rồi lần lượt xếp kho, "đắp chiếu". Tuy nhiên, Người trở về đã vượt qua được những hạn chế thường thấy của điện ảnh Việt Nam khi làm về đề tài chiến tranh, phim thực sự xúc động và cuốn hút, để lại nhiều cảm xúc cho khán giả về phận người trong chiến tranh và những vấn đề hậu chiến.

Thái An/ Lao động xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh