THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:15

Người treo cờ đỏ sao vàng lên đỉnh Phu Văn Lâu

 

Từ Hà Nội vào ông mang theo 3 thùng sách nặng để tặng bạn bè. Ông bảo được UBND Thừa Thiên-Huế mời dự lễ khai mạc Festival Huế  2014, mừng lắm vì có mời mới được bao vé, bao ăn ở. Chứ ông  rút hết cái sổ tiết kiệm của mình không đủ một chuyến vào Huế. Được vào Huế dự Festival ông coi như “về nhà”. Ông bảo: “Ngồi xem lễ khai mạc mình sẽ ngắm lại cột cờ Phu Văn Lâu, nơi mình đã ra lệnh cho lính triều đình treo là cờ đỏ sao vàng lên 69 năm trước”.

Lên 3 tuổi ông đã theo gia đình ở Huế. Lớn lên học trường Quốc học Huế. Đậu tú tài, ra Hà Nội học y khoa Đông Dương. Đang học năm thứ 3, thì  Nhật đảo chính Pháp, trường đóng cửa, lại vô Huế theo Việt Minh đi kháng chiến…Gia đình ông là danh gia vọng tộc. Ông nội là Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy (khoa Giáp Thìn - 1904), từng làm Tế tửu  Quốc tử Giám. Bà nội là bà Cao Thị Bích, con gái của Đông các Đại học sĩ  Cao Xuân Dục. Cha ông là Phó bảng  Đặng Văn Hướng  (khoa Kỷ Mùi 1919), Tham tri Bộ Hình  triều đình  Nguyễn, Tổng đốc Nghệ An thuộc chính phủ Trần Trọng Kim. Từ năm 1947, theo lời mời của Cụ Hồ, ông Hướng làm Quốc vụ khanh  đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh- Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh.

Cột cờ Phu Văn Lâu(Huế)

Về sự kiện treo cờ lên đỉnh Phu Văn Lâu, trong hồi ký của mình, Đặng Văn Việt kể, lúc đó ông là học viên của Trường Thanh niên tiền tuyến Huế. Ngôi trường được các ông Tạ Quang Bửu và Phan Anh trong chính phủ Trần Trọng Kim (thân Nhật) lập ra để bí mật đào tạo sĩ quan cho Cách mạng ở Huế.  Hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu là người tổ chức,  hướng học sinh theo Cách mạng, sau trở thành hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước ta. Trong số các học viên, có 8 người mang quân hàm cấp tướng, 10 người mang hàm đại tá và các học hàm khác, giảng dạy trong các trường quân sự của nước ta như: Trung tướng Cao Văn Khánh - Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm (Nguyễn Kèn), Tư lệnh Bộ đội Tăng - thiết giáp; thiếu tướng Cao Pha - Phó Tư lệnh bộ đội Đặc công; các thiếu tướng Mai Xuân Tần, đại đoàn trưởng Đại đoàn Quân Tiên phong, Võ Quang Hồ, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến( Bộ Tổng Tham mưu-QĐND Việt Nam); Đoàn Huyên, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Phan Hàm( Cục Tác chiến), Đào Hữu Liêu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng). Cùng nhiều đại tá nổi tiếng như: Phan Tử Lăng, Cục trưởng Cục Quân chính, Đặng Văn Việt, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 được mệnh danh là “Con hùm xám đường số 4”.

Ông Việt khoác vai tôi, cười sang sảng. Chuyện treo cờ vui lắm, mạo hiểm lắm. Sáng 20/8/1945, ông được bí mật mời đến gặp đồng chí Trần Hữu Dực, lúc ấy là phụ trách Việt Minh ở Huế. Đồng chí Trần Hữu Dực giao cho ông một lá cờ đỏ sao vàng to bằng cả gian nhà và lệnh: “Nội trong ngày mai (21/8/1945), đồng chí có nhiệm vụ phải treo lên cột cờ Phu Văn Lâu”. Chà, lá cờ to thế này, một mình mình, lại trong tình trang đang bí mật, làm sao mà treo. Ngày 20/8/1945, lúc ấy Cách mạng tháng Tám chưa nổ ra ở Huế, chính quyền vẫn đang còn trong tay quân Nhật, chính phủ Trần Trọng Kim và triều đình nhà Nguyễn. Cho nên, việc treo cờ Việt Minh lên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu là một việc hết sức nguy hiểm. Nhận nhiện vụ, Đặng VănViệt suy nghĩ, tính toán suốt đêm.

Người lính già Đặng Văn Việt

       Chở lá cờ về giấu ở trường gần cột cờ Phu Văn Lâu, ông báo cáo nhiệm vụ với tổ trưởng Việt Minh là Lâm Kèn. Sau khi trao đổi, tổ huy động thêm Nguyễn Thế Lương, Cao Pha cùng hỗ trợ. Sáng 21/8/1945, hai ngày trước khi Cách mạng tháng Tám nổ ra ở Huế, ông và Nguyễn Thế Lương, Cao Pha dậy sớm, ăn mặc chững chạc, gọn gàng. Đồng phục ka-ki vàng mới toanh, chân đi ghệt, đầu đội mũ ca-lô, hông đeo xệ khẩu Barillet và 6 viên đạn….Việc treo cờ đỏ lá cờ sao vàng của Việt Minh lên cột cờ Phu Văn Lâu được tiến hành rất mưu trí, công khai. Hai ngưởi cuốn lá cờ to bằng gian nhà trên hai chiếc xe đạp hiên ngang đẩy ra cột cờ Phu Văn Lâu. Gặp chỉ huy đội lính gác cột cờ của triều đình (lúc đó bảo vệ kỳ đài luôn có 1 tiểu đội 12 lính trang bị súng mút-cờ-tông chỉ huy bởi một thầy đội ). Đặng Văn Việt hô lớn: “Theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa Cách mạng, chúng tôi có nhiệm vụ treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ. Các anh cho hạ ngay cờ quẻ ly xuống…”.  Chỉ huy đội bảo vệ cột cờ không phản ứng, cho lính xuống giúp đẩy cờ lên. Cờ quẻ ly của nhà Nguyễn được hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được mắc vào dây, kéo lên. Tất cả đã sẵn sàng. Đặng Văn Việt hô: “Chào cờ, chào!”. Đội lính gác đứng nghiêm bồng súng, ông đưa tay chào cờ theo kiểu nhà binh. Lá cờ đỏ Sao vàng từ từ được kéo lên làm đỉnh Phu Văn Lâu xong, Đặng Văn Việt nghiêm giọng ra lệnh cho đội lính: “Không được tự tiện hạ cờ nếu không có lệnh”, rồi  ba người đạp xe thật nhanh về.

Lúc đó ông không hề hay biết là 120 lính khố vàng đã nằm dọc thành cửa Ngọ Môn, chĩa súng vào 2 người, sẵn sàng nổ súng. May mà ông lãnh binh đội cận vệ triều đình xin ý kiến của Hoàng đế Bảo Đại. Nghe vậy, Bảo Đại thét lên: “ Chớ, chớ ! Việt Minh đấy. Các người mà nổ súng thì trẫm là người chết trước đó !”. Ông là anh lính giải phóng quân “số 1” ở Huế. Số 1 vì lúc đó ( 8/1945) chỉ có một trung đội, do ông là trung đội trưởng..    

      Cuộc đời chinh chiến của ông ở Huế, đường 9, đường 7 ở Lào, đường số 4 , đặc biệt là trận phục kích trên đèo Bông Lau năm 1947, tiêu diệt hơn 100 xe giới quân sự Pháp. Năm 1950, ông chỉ huy trung đoàn 174, phối hợp với trung đoàn 209, đánh chiếm cứ điểm Đông Khê, mở đầu chiến dịch Biên giới Thu đông 1950 , sau đó bao vây cô lập Cao Bằng .v.v..

Cuộc đời binh nghiệp của ông đã từng chỉ huy bộ đội đánh 116 trận,  thắng 100 trận. Ông là trung đoàn trưởng của 1 trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Việt Minh. Khi trung đoàn 174 chủ lực được thành lập ngày tháng 8/1949, ông được cử làm trung đoàn trưởng đầu tiên và Chu Huy Mân làm chính ủy với những trận đánh khét tiếng dọc đường 4 Cao-Bắc- Lạng. Nhân dân vùng Cao-Bắc-Lạng xưng tụng ông là "Đệ tứ lộ đại vương", “Anh hùng đường 4”. Còn các binh sĩ Pháp gọi ông với nhiều biệt danh khác nhau như "Hùm xám đường số 4" "tiểu tướng Napoléon”, “Đặng Siêu Việt”…

           Riêng tư của ông cũng rất lạ. Năm 1946, đang dạy Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, ông yêu một cô gái nữ sinh Đồng Khánh tên là Lan Huệ. Hai gia đình các cụ tổ chức đám cưới cho hai người. Vừa mới cưới thì có điện gọi anh ra Hà Nội gấp, vậy là chú rể trở lại đơn vị mà không kịp có đêm tân hôn với nàng dâu xinh đẹp tuổi mới 20.  Mấy ngày sau, Lan Huệ  xin phép bố mẹ chồng về thăm bố mẹ đẻ ở Huế và không trở lại nữa. Có lẽ vì cô gái ấy sợ lấy chồng lính sẽ xa chồng, cô đơn suốt đời. Ngay một đêm tân hôn cũng không có.

          Có lần ông nghĩ, không biết đến bao giờ mình mới thoát khỏi cái cõi trần tục này để lên thiên đường. Nhưng rồi ông lại nghĩ: “Phải rồi, thiên đường là đây, nơi tôi đang sống và làm việc quên tuổi tác, quên bệnh tật, quên những thèm khát phù phiếm, sống vui, sống có ích trong tình bạn, tình người…”. Vâng, cuộc sống đẹp luôn là thiên đường người lính già Đặng Văn Việt ạ.

N.M

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh