Người tiêu dùng không nên tẩy chay các sản phẩm thịt lợn an toàn
- Huyệt vị
- 01:34 - 27/02/2019
Trước việc dịch tả châu Phi xuất hiện có chiều hướng lan rộng một số địa phương, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa ban hành công văn tăng cường các biện pháp phòng, chống buôn lậu và vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc. Văn bản cũng khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người nên người tiêu dùng không nên tẩy chay các sản phẩm thịt lợn an toàn.
Tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả châu Phi.
Dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người
Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng và có nguy cơ lan rộng. Để phòng chống và ngăn chặn sự lây lan dịch tả lợn châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường vừa ban hành công văn số 325/TCQLTT-CNV đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp phòng, chống buôn lậu và vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, thực hiện tốt công văn số 16/BCĐ389-VPTT ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và số 1147/TCQLTT-CNV ngày 27 tháng 11 năm 2018 của Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.
Tổng cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu các Cục Quản lý thị trường địa phương phối hợp với cơ quan liên quan trên địa bàn thuộc ngành nông nghiệp và y tế tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh lợn, thịt lợn và sản phẩm từ lợn.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên và Thái Bình và các tỉnh lân cận cần chủ động phối hợp với cơ quan thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn châu Phi trong tỉnh và lây lan sang các tỉnh khác.
Diễn biến phức tạp dịch tả châu Phí trên lợn khiến người tiêu dùng lo lắng nhất là khi mua sản phẩm thịt lợn ở các chợ truyền thống. Người tiêu dùng lo lắng ếu ăn phải thịt lợn mắc dịch tả Châu Phi nguy hiểm ra sao?
Cục Y tế Dự phòng vừa phát đi thông báo bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh.
Thông báo cũng khẳng định dịch bệnh này không gây bệnh trên người, do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
Người tiêu dùng không nên tẩy chay thịt lợn an toàn.
Cách phân biệt thịt lợn nhiễm bệnh
Theo PGS Nguyễn Bá Hiên, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tả lợn không gây bệnh trên người nhưng lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.
"Khi lợn mắc bệnh tai xanh, liên cầu khuẩn tồn tại trong miệng và mũi con vật sẽ bùng lên. Người bị trầy xước hoặc có vết thương, tiếp xúc với lợn bệnh sẽ bị vi khuẩn xâm nhập. Người bệnh thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc tiêu hóa, nặng hơn là viêm màng não", PGS Nguyễn Bá Hiên nhận định.
Giá lợn hơi miền Bắc giảm sâu sau khi công bố phát hiện dịch tả lợn châu Phi. Có nơi đã giảm xuống 5.000 đồng/kg, bình quân chỉ còn từ 45.000 - 46.000 đồng/kg. Về phía cơ quan quản lý, để tránh nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi lây lan diện rộng, Cục Thú Y yêu cầu người dân không bán chạy lợn bệnh, nghi bệnh. Người kinh doanh không giết mổ vận chuyển lợn bệnh, nghi bệnh. Khi xuất hiện bệnh, cần báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y cơ sở để kịp thời tổ chức xử lý ổ dịch.
Những bà nội trợ có kinh nghiệm cho biết, khi mua thịt lợn nhất là ở chợ truyền thống bằng quan sắt bằng cảm quan bên ngoài. Cụ thể khi chọn thịt lợn cần tránh loại mà lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo, dày chưa đến 1cm (trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5 - 2cm). Thịt lợn khỏe mạnh thường có màu đỏ tươi tự nhiên, phần mỡ trắng phau hoặc trắng sáng, phần da không có các đốm, vết khác thường.
Thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường, tuy nhiên lại dễ bị biến thành màu đỏ sậm ngả sang đen, khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt.
Miếng thịt lợn tươi ngon khi cầm thử lên có cảm giác mềm dẻo, ấn tay vào thấy có độ đàn hồi tự nhiên, sờ không bị dính tay, không bị rỉ ướt, thớ thịt chắc, đó là phần thịt của những con lợn khỏe mạnh.
Nếu miếng thịt lợn không còn tươi hay thịt lợn bệnh sẽ có mùi lạ, mùi khó chịu khác thường. Thịt kém tươi và ôi sẽ hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí còn bị đen, không bóng. Màng ngoài nhớt nhiều hay bắt đầu nhớt. Mỡ màu tối, độ rắn giảm sút, mùi vị ôi. Mặt khớp có nhiều nhớt. Dịch hoạt đục.
Ngoài ra, kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ cho biết, lợn bị thương hàn bề mặt da có những nốt bầm hoặc lấm tấm xuất huyết, thịt nhão, tai lợn bị tím. Lợn bị tả có nốt xuất huyết nằm dưới da hoặc trên vành tai, lấm tấm như nốt muỗi đốt.
Thịt lợn bị tụ huyết trùng có những mảng bầm, tụ máu. Lợn bị viêm gan thịt có màu vàng. Lợn đóng dấu bề mặt da có những nốt tròn đỏ, tía hoặc son, có khi màu tím bầm, kích thước khác nhau, như hình đóng dấu.
Thịt lợn ngon khi luộc có nước trong, váng mỡ to, có mùi thơm của thịt và đặc biệt không có mùi lạ (mùi của lợn nọc, lợn nái hoặc mùi kháng sinh).