Người thứ 3: Con người phải nỗ lực hết mình trong hành trình đi tìm hạnh phúc
- Chia sẻ
- 09:48 - 04/02/2022
Chị T (50 tuổi) hiện đang sống ở TP.HCM. Chị buôn bán ở một sạp vải nhỏ. Sau khi kết hôn, chị và chồng dành dụm tiền mua nhà riêng. Những ngày tháng mới kết hôn, cả hai có cuộc sống đầy hạnh phúc. Dần dần, chị T tập trung buôn bán, chồng chị thường đi giao tiếp bạn bè khiến cuộc hôn nhân của hai người dần lạnh nhạt.
Sau 5 năm hôn nhân, chị T nghe một người bạn gọi điện rủ rê chồng chị đi nhậu và có một cô gái khác tham gia. Chị nghe hai người nói với nhau về một cô gái ấy. Từ đó, chị N để ý những số điện thoại lạ gọi đến cho anh.
“Một lần, tôi bắt máy thì nghe một giọng nữ. Tôi không lên tiếng và nghe cô ấy hẹn anh đến khách sạn. Cô ấy đọc địa chỉ, thời gian, lẫn số phòng. Tôi đứng hình nhưng vẫn giữ im lặng và cúp máy”, chị kể. Sau đó, anh phát hiện việc vợ lén nghe điện thoại, cả hai to tiếng cãi vã. Kể từ đó, hai vợ chồng “nước sông không phạm nước giếng”, cuộc hôn nhân trở nên ngột ngạt, chị âm thầm theo dõi chồng và nhân tình.
Trong suốt hai năm, chị T không tiết lộ với ai việc chồng ngoại tình. Chị chịu đựng, nhường nhịn, đợi ngày anh thay đổi. Chị thương con, không muốn gia đình ly tán. Mọi thứ chị đều chia sẻ nhưng anh nóng nảy, thường động tay động chân với vợ, lẫn đập phá đồ đạc. Sau hai năm theo dõi, chị phát hiện chồng và tình nhân thường xuyên đi ăn, đi khách sạn. Không chỉ mỗi cô gái đó, trước đó anh còn qua lại với nhiều người phụ nữ khác. Anh đổ thừa rằng vợ lạnh nhạt chuyện chăn gối là nguyên nhân anh ngoại tình, bởi từ lâu cả hai người không ngủ chung.
Biết rằng hạnh phúc gia đình sẽ tan vỡ nhưng chị T không muốn níu kéo. “Anh cố chấp, mỗi khi gây nhau anh to tiếng, đập phá đồ đạc. Nhiều trận cãi vã, anh dữ dằn đáng sợ. Một lần, anh chở tôi về nhà, điện thoại anh reo liên tục suốt chặng đường. Tôi biết là nhân tình gọi cho anh. Về đến nhà, anh lấy nón bảo hiểm đập mạnh vào đầu tôi làm nón vỡ đôi. Tôi xây xẩm, choáng váng”.
Chị T kể mọi chuyện với mẹ. Mẹ khuyên chị nên có hành động dứt khoát. Chị quyết ly dị nhưng anh không đồng ý. Anh đòi vợ phải chia tài sản cho anh. “Tất cả tiền anh làm ra, anh mang hết cho cô gái đó. Còn tất cả tài sản còn lại, từ căn nhà, chiếc xe mọi thứ đều do tôi làm ra, do tôi đứng tên”, chị nói.
Thoát khỏi cuộc hôn nhân đau khổ, chị T nhìn lại: “Tôi cũng muốn một gia đình hạnh phúc trọn vẹn nhưng thật sự ngày tháng đã qua không có niềm vui. Tôi không chịu đựng được nữa. Khi ly hôn, tôi thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn, tinh thần ổn định, bớt lo lắng, tôi thấy vui, thấy tự do. Tôi vẫn có niềm tin trong tình yêu nhưng thực sự tôi đã ngán ngẩm và không muốn bước thêm bước nữa. Đến với chương trình, tôi mong muốn những hoàn cảnh tương tự như tôi tìm được sự đồng cảm, chia sẻ, để tìm được hướng đi cho cuộc đời. Chúc ai có gia đình luôn giữ được hạnh phúc đầm ấm bên người thân, gia đình”. Sau buổi tâm sự, chị N từ chối bật đèn camera, vì sợ gia đình nhà chồng sẽ xem được và có những rắc rối phát sinh sau này.
Lắng nghe toàn bộ câu chuyện, tiến sĩ Tô Nhi A nhận xét: “Đằng nào câu chuyện cũng đã qua và việc chị T đang tiến về phía trước. Chúng ta đều có quyền mưu cầu cuộc sống bình an. Cái duyên cái phận khiến chúng ta vận vào nhau nhưng con người phải nỗ lực hết mình trong hành trình đi tìm hạnh phúc. Chúng ta có quyền dừng lại và đi tiếp nhưng nếu lựa chọn đồng hành cùng nhau thì phải nỗ lực để tìm cách gắn kết giữa hai bên. Hoặc đã từng cố gắng kết nối nhưng nỗi đau đến buộc ta phải dừng lại. Đứa trẻ lớn lên không chỉ cần một người cha, người mẹ mà cần có sự gắn kết lành mạnh giữa cha mẹ thì điều đó mới là giá trị đích thực của mỗi gia đình”.