THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 10:31

Người thầy dạy binh pháp giỏi hiếm có

Chọn và luyện tướng

Hưng Đạo Vương là vị tướng tài năng nhất của của đời Trần. Ông tên thật là Trần Quốc Tuấn, là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu vua Trần Thái Tông. Ông quê làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Năm sinh của ông không rõ ràng. Ông mất vào ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý (1300). Triều đình sau đó gia phong cho ông tước Hưng Đạo Đại Vương. Người dân thì kính trọng ông nên phong Thánh, tức là Đức Thánh Trần.

Hưng Đạo Vương trong cả ba lần quân Nguyên – Mông tấn công Đại Việt đều được vua Trần cử làm tướng. Đặc biệt ở kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ hai và thứ ba, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Tiết chế các đạo quân thủy bộ. Dưới tài lãnh đạo của Hưng Đạo Vương, quân dân Đại Việt chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi giặc Nguyên – Mông ra khỏi Đại Việt.

Hưng Đạo Vương biết dùng người hiền tài, trong đó có nhiều người là tướng giỏi sau này như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng... Trước sự bành trường của nhà Nguyên, nhà Trần đã đề phòng, chuẩn bị kháng chiến. Hưng Đạo Vương đã mở trường dạy võ, dạy con em hoàng tộc và những người tài giỏi trong nước. Ông thường đi khắp các lộ, kiểm soát các giảng võ đường địa phương, thu dụng nhiều người tài giỏi trong nước. Tại Đền thờ các vua Trần ở xã Tức Mặc, thành phố Nam Định có ghi tám điểm xem người khi chọn tướng của Hưng Đạo Vương, trích trong “Binh thư yếu lược”, với nội dung như sau:

1. Hỏi bằng lời nói xem trả lời có rõ ràng không.

2. Gạn cùng bằng lời lẽ xem có biến hóa không.

3. Cho gián điệp thử xem có trung thành không.

4. Hỏi rõ ràng tường tận xem đức hạnh thế nào.

5. Lấy của mà thử xem có thanh liêm không.

6. Lấy sắc đẹp mà thử xem có đứng đắn không.

7. Lấy việc khó khăn mà thử xem có dũng cảm không.

8. Cho uống rượu say để xem có giữ đúng thái độ không.

Có một câu chuyện về lòng trung thành của Yết Kiêu, là thuộc tướng của Hưng Đạo Vương để nói lên cách dùng tướng của Hưng Đạo Vương. Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (1242-1301) sinh ra trong gia đình ngư dân nghèo ở vùng nước châu thổ sông Hồng nay là thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, Hải Dương. Năm 1258, nước Đại Việt bị giặc Mông Cổ phía Bắc lăm le xâm lược, nghe tiếng loa truyền tìm người ra giúp nước, Phạm Hữu Thế quyết định lên đường tòng quân. Ông được tuyển vào thủy quân của nhà Trần. Cũng trong năm ấy, triều đình mở nhiều hội thi để chọn người tài, trong đó đấu vật được xem là cuộc thi quan trọng nhất để chọn người tài theo cạnh Hưng Đạo Vương và Phạm Hữu Thế đã thắng cuộc. Cùng với Dã Tượng là tướng tài lục quân, Yết Kiêu là tướng sông nước. Hai ông được Hưng Đạo Vương coi là thuộc tướng. Khi quân Nguyên kéo tới, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân (trên sông Lục Nam) còn Dã Tượng đi theo Hưng Đạo Vương. Khi quân Đại Việt thua chạy, thủy quân bị tan cả, Hưng Đạo Vương định rút theo lối chân núi. Dã Tượng nói: - Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không dời thuyền. Hưng Đạo Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó, vui mừng nói: - Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi. Nói xong chèo thuyền đi, kỵ binh Nguyên đuổi theo không kịp. Bên cạnh đó, Yết Kiêu cũng đã tự mình đục thủng nhiều thuyền chiến của giặc, khiến quân Mông – Nguyên khiếp vía.

Tượng đài Hưng Đạo Vương trên đảo Song Tử Tây. Ảnh http://www.mof.gov.vn/ (Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính).

 

Tiếp đó là câu chuyện Hưng Đạo Vương chọn Phạm Ngũ Lão làm tướng. Phạm Ngũ Lão (1255–1320) người làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Theo sách Tông phả kỷ yếu tân biên của Phạm Côn Sơn dẫn gia phả họ Phạm, ông là cháu tám đời của tướng Phạm Hạp thời nhà Đinh. Chuyện kể rằng, Hưng Đạo Vương cùng tuỳ tùng đi ngang qua Đường Hào thấy Phạm Ngũ Lão ngồi bên vệ đường đang đan sọt. Quân lính kéo đến, dẹp lối đi. Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi thản nhiên, như không để ý đến ai cả. Quân lính cầm giáo đâm vào đùi chảy máu mà ông vẫn không nhúc nhích, thấy vậy Hưng Đạo Vương dừng lại hỏi, bấy giờ Phạm Ngũ Lão mới trả lời rằng đang nghĩ một câu trong binh thư nên không để ý. Biết người có tài, Trần Hưng Đạo cho ông ngồi cùng kiệu đưa về kinh sư. Từ đó Phạm Ngũ Lão trở thành môn khách của Hưng Đạo Vương. Ông cũng được Hưng Đạo Vương gả con gái nuôi là quận chúa Anh Nguyên và dạy cho binh pháp. Trong hai cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên (1285-1288) Phạm Ngũ Lão lập được nhiều chiến công. Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai ông cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc và diệt quân Nguyên chiếm đóng Thăng Long. Sau đó, Phạm Ngũ Lão được lệnh mang 3 vạn quân phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường địch rút chạy lên biên giới phía bắc và diệt được hai phó tướng địch là Lý Quán và Lý Hằng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng, trong trận này quân nhà Trần bắt sống các tướng nhà Nguyên là Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi. Phạm Ngũ Lão cũng tiếp tục truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ, đuổi chúng đến tận biên giới. Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho ông cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu. Phạm Ngũ Lão cũng đã ba lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao vào các năm 1294, 1297 và 1301; hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành vào năm 1312, buộc vua Chiêm Thành là Chế Chí phải xin hàng và 1318 vua Chế Năng phải bỏ chạy sang Java. Nếu Hưng Đạo Vương không nhận ra tài của Phạm Ngũ Lão và rèn luyện cho ông, Đại Việt xem như mất đi một tướng tài.

Bên cạnh việc đánh giặc cứu nước, người làm tướng cũng phải giúp dân, lo nghĩ cho cuộc sống của dân trong thời hòa bình. Vì sau khi sạch bóng quân thù, đất nước sẽ trở lại thái bình nhưng cũng đầy rẫy đau thương, mất mát. Tư tưởng của Hưng Đạo Vương cũng là “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Trong bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư”, Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải với chức Thượng tướng Thái sư cũng đã khuyên vua Trần nên bắt tay ngay vào việc xây dựng lại đất nước: “Đoạt sáo Chương Dương độ/Cầm hồ Hàm Tử Quan/Thái bình tu trí lực/Vạn cổ thử giang san” (“Bến Chương Dương cướp giáo/Cửa Hàm Tử bắt thù/Thái bình nên gắng sức/Non nước cũ muôn thu”).

Dạy binh pháp

Với vai trò là Tiết chế các đạo quân thủy bộ trong kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ hai và thứ ba, Hưng Đạo Vương đã viết ra “Binh thư yếu lược”, “Vạn kiếp tông bí truyền thư” và “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” để răn dạy thuộc tướng của mình về đạo làm tướng. Những lời răn dạy đó đã tiếp thêm sức mạnh cho binh tướng nhà Trần, giúp cho Đại Việt quét sạch lũ quân giặc Mông – Nguyên hung bạo nhất thế giới lúc bấy giờ.

Vì sao Hưng Đạo Vương phải viết ra “Binh thư yếu lược”? Bởi Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn thấy được thực trạng có những người làm tướng lấy việc vui thú cá nhân có thể làm trễ nải việc quân cơ đại sự, trong khi âm mưu xâm lược của quân Nguyên – Mông đã lộ rõ. Ông viết trong “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” rằng: “Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm.

Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai”.

Bên cạnh đó, người làm tướng theo Hưng Đạo Vương phải nên lấy việc “đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ” làm nguy; nên lấy điều “kiềng canh nóng mà thổi rau nguội” làm sợ. Đó chính là người làm tướng phải luôn đề cao cảnh giác đối với âm mưu từ các thế lực muốn xâm lược, chống phá đất nước. Do đó, người làm tướng phải thường xuyên huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến “cho ai nấy đều giỏi như Bàng Mông, mọi người đều tài như Hậu Nghệ, có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhại Như”. Thực tế đã chứng minh là quân Mông – Nguyên không những xâm lược ta một lần mà đến ba lần. Cho nên sự răn dạy của Hưng Đạo Vương đối với các thuộc tướng của mình như trên là rất chính xác và kịp thời.

Hưng Đạo Vương cũng soạn ra “Vạn kiếp tông bí truyền thư” làm nền tảng cấu trúc quân đội thời Trần để tập tướng luyện quân. Trần Khánh Dư trong đề tựa “Vạn kiếp tông bí truyền thư” cũng đã viết về tài của người làm tướng, rằng: “Phàm giỏi dùng binh thì không cần bày trận, giỏi bày trận thì không cần đánh, giỏi đánh thì không để thua, giỏi thua thì không chịu mất”. Trung Quốc tự hào với Binh pháp Tôn Tử (thời Xuân Thu), Binh pháp Tôn Tẫn (thời Chiến Quốc), Binh pháp Gia Cát Lượng (thời Tam Quốc), Binh pháp Nhạc Phi (thời Nam Tống). Nhưng đến khi vó ngựa quân Mông Cổ xâm phạm đến thì người Hán nước mất nhà tan. Nguyên nhân được Trần Khánh Dư chỉ ra là do các binh pháp nói trên “người đương thời ít ai hiểu được, thấy muôn đầu ngàn mối, cho là rối rắm, chưa từng biến đổi” còn “những người đời sau cũng không hiểu ý nghĩa”.  Bởi vậy, Trần Khánh Dư tỏ ra khâm phục Hưng Đạo Vương khi ông đã “hiệu đính”, “biên tập đồ pháp của các nhà” và soạn thành một sách. Đó chính là “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” như đã nêu ở trên.

Ngoài ra, Hưng Đạo Vương cho rằng người làm tướng cũng phải luôn học tập binh pháp. Trong “Dụ chư tỳ tướng hịch văn”, Hưng Đạo Vương đã răn dạy các thuộc tướng rằng: “Nay ta chọn lọc binh pháp các nhà hợp thành một tuyển, gọi là Binh thư yếu lược. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là nghịch thù. Vì sao vậy? Giặc Mông Thát với ta là kẻ thù không đội trời chung, mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc”.

Điều đáng tiếc là “Binh thư yếu lược” và ra “Vạn kiếp tông bí truyền thư” đến nay đã bị thất lạc. Nguyên nhân có thể là do đây là sách quân sự bí mật, chỉ thuộc về con cháu hoàng tộc dòng họ Trần. Như Trần Khánh Dư đã viết: “Sách ấy dùng đã ba đời trăm đánh trăm thắng, cho nên đương thời có thể làm rúng động quân Hung nô ở phía bắc, làm cho nước Lâm Ấp ở phía tây phải khiếp uy, nên sách này được biên chép làm của gia truyền không được phép tiết lộ ra ngoài”.

Nhưng sau đó, vì nhiều nguyên nhân, nhà Trần dần suy kiệt. Một bộ phận người làm tướng đã mất đi khí chất. Trần Khánh Dư, viên tướng già từng đi bán than, có công lao đánh giặc giữ nước cũng đã nói về mối quan hệ quan – dân trước vua Trần Anh Tông rằng: “Tướng là chim ưng, quân dân là vịt, lấy vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”. Tướng như thế nên không thể luyện quân tinh nhuệ. Bởi thế, sau đó quân Chiêm Thành đã từng tấn công Đại Việt rất nhiều lần, có lần còn ra tận kinh đô Thăng Long.

NGUYỄN VĂN TOÀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh