THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:54

Người tạo nên những “giọt trời xanh”

 

Bao năm qua, có một người Chăm thiết tha, xót xa khi những “giọt trời xanh” cứ xa dần vào quên lãng. Để rồi anh quyết tâm tạo những “giọt trời xanh” cho quê hương bản xứ. Đó là nghệ nhân Đàng Năng Tự, ở thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận).

Làng nghệ nhân chính hiệu

          Chúng tôi gặp Tự trong ngôi làng nổi tiếng với nghề truyền thống là gốm Bàu Trúc. Tự là một trong những nghệ nhân gốm nổi tiếng của làng từng dự thi, triển lãm và thu về được nhiều thành công rực rỡ. Làng Bàu Trúc hầu hết là người Chăm nên từ lối tư duy đến sự khéo léo trong những sản phẩm gốm cũng rất tinh tế, tỉ mỉ và khác lạ.

          Từ đầu đến cuối ngôi làng, đâu đâu cũng thấy những tác phẩm nghệ thuật gốm. Những tượng nữ thần, những chiếc bình to nhỏ và cả những chum vại đủ loại xếp chồng chất khắp đường đi lối lại. Từ người già đến trẻ em của làng đều thành thào cung cách làm gốm. Người lạ vào làng cứ ngỡ đây là nơi cổ xưa lắm, bởi ngay từ những nếp nhà, cách ăn mặc đều có gì khang khác, lạ lẫm.

          Anh Tự bảo: “Đây là làng nghệ nhân chính hiệu đấy. Từ xưa, nghề làm gốm đã là nghề cha truyền con nối của làng này. Ai cũng biết làm gốm, thậm chí như bây giờ thì gần nửa làng là nghệ nhân giỏi, số còn lại là thợ lành nghề”.

Đền Poklongarai – nơi anh Tự tham gia trùng tu.

Trước đây, làng có tên Chăm là Paley Hamu Trok, người Việt gọi là Ma Tró, có địa danh hành chính là làng Vĩnh Thuận từ thời nhà Nguyễn. Sau trận lụt lớn năm 1964, làng dời về nơi cao ráo hơn - nơi có nhiều  cây trúc trồng cạnh một cái ao khá lớn nên gọi là làng Bàu Trúc (trong tiếng Chăm bàu có nghĩa là ao - hồ). Ông tổ của làng nghề là Pô klong Chan. Hàng năm, người dân địa phương vẫn tổ chức cúng lễ tưởng nhớ vị tổ sư của mình.

“Chân truyền” của tháp Chăm

Anh Tự cho hay, năm 15 tuổi anh đã cùng các nghệ nhân của làng Bàu Trúc đến nhiều nơi có tháp Chăm để tham gia trùng tu di tích. Những thế hệ trước đó ở làng Bàu Trúc đều là những nghệ nhân am hiểu về đền tháp nên truyền thụ lại cho anh rất nhiều kiến thức quý báu.

Sau hàng chục năm bươn chải khắp nơi, kể cả Campuchia cho đến lúc Đàng Năng Tự được xem như “chân truyền” của một thứ tôn giáo tháp Chăm. Những chủ nhân của nó đã mất hút vào hư vô mà chẳng để lại một chút bảo bối nào trong việc xây tháp cho con cháu. Với anh, bảo bối hay kinh nghiệm là những lần theo cha anh đi trùng tu các tháp nổi tiếng như Mỹ Sơn, Ponagar...

Một số tượng Chăm mà anh Tự đang làm.

Theo anh Tự, tháp Chăm luôn bí ẩn, nó vừa thách thức nhưng cũng luôn khích lệ đức kiên nhẫn của người chiêm ngắm. Nhìn bề ngoài, tháp Chăm có vẻ giản dị chứ không tráng lệ như những công trình cổ đại châu Âu, nhưng khi tiếp cận với từng chi tiết, nó như có ma lực khiến chúng ta không dứt ra được.

Hàng chục năm lăn lộn với các tháp cổ, Tự dần hiểu ra những bí quyết từ cách chọn nguyên liệu đến cách xây dựng. Nhưng khó hiểu nhất vẫn là những hoa văn, hoạ tiết và cả những con số tầng tháp mà người xưa đã đúc rút trong suốt nhiều thiên niên kỷ.

Anh Tự tâm sự: “Với người Chăm, con số 13 là cao nhất. Vì thế, các đền tháp cổ đều có 13 tầng hoặc 13 trụ ở xung quanh. Một nghệ nhân giỏi phải hiểu được ý nghĩa thông điệp mà người xưa đã gửi gắm. Thứ đến, khi bắt tay vào trùng tu sửa chữa tháp cổ phải đúng quy cách, từ nguyên liệu đến hoa văn phải làm sao cho cổ kính, rêu phong. Không biến một di tích cổ thành một công trình mới tinh, hiện đại”.

“Giọt trời xanh mini”

          Sau nhiều năm hoàn tất trùng tu các công trình đền tháp cổ, Đàng Năng Tự quyết định “xây” các bảo tháp “mini” vừa để bán cho du khách, vừa là cách giữ gìn, phát huy bản sắc Chăm đang bị mai một.

          Vốn khéo tay từ hồi tóc còn để chỏm, Tự lại kế tục cha mình bằng việc ra sông Quao khai thác đất sét để phụ giúp mẹ là bà Đàng Thị Phan - một nghệ nhân nổi tiếng làm đồ gốm ở Bàu Trúc nên Tự có đủ tự tin để chọn nguyên liệu đất sét vốn có ở ven sông Quao. Mỗi ngày, sau khi ra sông lấy đất, Tự phải gánh gồng các lu, thạp, ché... đem về ngâm ủ, nhào nặn. Tự cho biết: “Nếu để ý, anh sẽ thấy ngọn tháp tôi làm sau bao giờ cũng quyến rũ hơn ngọn tháp làm trước đó. Cũng giống như tháp Dương Long ở Bình Định quyến rũ hơn tháp Chiên Đàn ở Quảng Nam vậy. Sau mỗi ngọn tháp, tôi lại có thêm chút kinh nghiệm”.

Anh Tự và 3 tháp mini.

Dù là tự mình làm các loại đồ gia dụng để có thể nuôi thân nhưng với chàng trai trẻ Đàng Năng Tự, ngọn tháp Chăm Poklongarai cách làng một tầm nhìn vẫn luôn ám ảnh anh. Sự nhiệm màu của tháp đã ám ảnh suốt tuổi thơ anh. Và bây giờ là lúc Tự giải mã sự nhiệm màu ấy. Anh bắt tay vào việc “xây” tháp.

Tháp mà Tự làm ra đều là mô hình thu nhỏ, có khi tới vài nghìn lần. Nhưng trông tháp nào cũng y như thật. Từ kiến trúc, hoa văn đến cách bài bố khung tượng đều rất đầy đủ. “Cái khó là khắc các họa tiết trên tháp mini này y như tháp lớn. Thứ hai là màu sắc phải sao cho thật tươi. Cái này đòi hỏi sự điêu luyện trong lúc nung tháp trong lò lửa”, Tự bật mí.

          Mỗi đền tháp mini Tự phải mất đến cả tháng trời để hoàn thiện. Từ khâu chọn đất, đến chế biến nhào nặn, rồi đắp hình, gọt rũa đều rất cầu kỳ. Thậm chí, Tự phải thức trắng nhiều đêm liền để trực lò nung sao cho tháp không bị quá non, cũng không bị quá già dẫn đến đen tháp.

          Đến nay, số lượng đền tháp Chăm mini mà Tự làm ra lên tới vài ngàn. Anh cũng là người duy nhất của dân tộc Chăm còn giữ được thứ nghề cổ xưa này. Tuy thu nhập mà Tự có được không nhiều, nhưng cái quý là anh yêu mến nét văn hoá cổ xưa đã dần bị lãng quên trong thời hiện đại.

Nghệ nhân Đàng Năng Tự tâm sự: “Những câu thơ ngắn ngủi của nhạc sĩ Văn Cao đã thôi thúc tôi rất nhiều trong quá trình làm các tháp mini, tôi cũng tự gọi đó là những “giọt trời xanh mini” để luôn quý trọng những giá trị kiến trúc của cha ông. Khi ta biết trân quý các giá trị xưa cũ cũng là lúc phải quảng bá cho thế giới biết về vùng đất cổ kính này”.

Nam Trần/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh