Người Sài Gòn có một tấm lòng...
- Văn hóa - Giải trí
- 15:22 - 28/04/2017
Xin kể hai câu chuyện, một nay một xưa.
Tôi nghe câu chuyện từ hai bạn sinh viên...
Khoảng 8 giờ tối. Hai bạn trẻ một nam một nữ, dừng xe bên lề đường Phạm Ngũ Lão - nơi có anh thanh niên chạy xe ôm mặc áo khoác màu xanh có in chữ Grab đang ngồi chờ khách: “Anh ơi, anh chỉ giúp bọn em đường Nguyễn Thái Bình...?”. Vừa nghe xong câu hỏi, anh xe ôm liền đi đến bên hai bạn trẻ, rồi tận tình chỉ dẫn. Đứng cách đó không xa, một người đàn ông tình cờ nghe được câu chuyện, liền bước đến tiếp lời, với những dặn dò chi tiết hơn, kèm với đôi tay chỉ về hướng đi phía trước...
Chàng trai trong câu chuyện, quê Quảng Nam nói với tôi: “Em nghe nhiều người nói người Sài Gòn tốt lắm, nghe thì biết vậy thôi, cho đến tối hôm đó em mới tai nghe mắt thấy...”. Chàng sinh viên còn kể rằng, để đến được đường Nguyễn Thái Bình, còn hỏi thêm hai lần nữa và lần nào cũng nhận được sự “tận tâm, tận tình” như thế. Chàng trai nhớ lại, hôm ấy, cô bạn ngồi phía sau cứ xuýt xoa: “Ôi người Sài Gòn sao mà tốt bụng quá!”. Còn chàng trai thì cảm động đến rưng rưng, mãi nghĩ về những tấm lòng “thi ân bất cầu báo” mà mình vừa được nhận...
Người dân hòa cùng du khách trên đường hoa Nguyễn Huệ. (Ảnh minh họa trong bài HT: Nguồn Internet)
* * *
Đó là chuyện nay. Giờ, tôi xin kể lại câu chuyện xưa, cách đây hơn 40 năm.Mẹ mất sớm. Tôi theo cha vào Sài Gòn. 5 năm sau cha tôi cũng qua đời. Một mình sống trên đất Sài Gòn. Kể từ đó, tôi một mình bươn chải, ngày đi làm, đêm đi học. Khi cha tôi qua đời, “gia tài” duy nhất ông để lại là chiếc xe đạp. Hàng ngày tôi phải đạp xe từ Thị Nghè (ở trọ nhà người quen) lên tận Phú Thọ Hòa (quận 11) làm công ăn lương trong một viện bào chế thuốc tây. Mỗi ngày tiền lương 500 đồng, nhưng dĩa cơm trưa (bình dân) ở bên ngoài cổng nhà máy đã “tiêu” mất 200 đồng - số tiền còn lại tôi phải tự gói ghém để làm sao đủ no cho buổi tối, lót dạ buổi sáng; rồi áo quần, sách vở, học phí và bao thứ chi phí khác... Thế nên, lắm lúc tan học về, tôi phải ghé vào phông - tên nước bên đường uống cho căng bụng, nhằm quên cơn đói đang giày vò.
Một buổi sáng năm 1974, khi đạp xe đến ngã ba Lê Văn Duyệt - Tô Hiến Thành (nay là Cách Mạng Tháng Tám - Tô Hiến Thành) tôi giật mình khi nghe một tiếng nổ lớn, tay lái loạng choạng - cái lốp sau của chiếc xe đạp cà tàng bị nổ.
Trước mặt tôi một ông già khoảng 60 tuổi, đang lui cui bày ra lề đường những phụ tùng sửa xe, chắc là nghe tiếng nổ của lốp xe, ông liền dợm bước đến gần tôi và nói: “Xe con nổ vỏ à, đem vô đây bác sửa cho”. Lúc ấy, tôi chẳng biết làm gì mà cũng chẳng biết phải nói gì, ngoan ngoãn nghe theo lời ông . Sau khi xem sơ “thương tích” của cặp vỏ ruột xe, ông nói: “Cái vỏ này mòn quá rồi, lại nổ banh như thế thì chỉ có nước thay vỏ ruột khác thôi. Con có tiền thay vỏ ruột mới không?”. Tôi lí nhí: “Dạ... con không...”. Ông lão nhìn thấy cái mặt tái mét của tôi, nên trấn an: “Thôi được, để bác thay cho cặp vỏ ruột cũ. Cũ nhưng còn xài tốt”.
Cho chim ăn trong khuôn viên nhà thờ Đức Bà.
Sau những phút giây lo sợ vì không có tiền, đầu óc tôi bỗng trở nên “sáng” ra - một kế hoạch vừa mới hình thành. Nghĩ là làm, tôi lặng lẽ cỡi chiếc áo sơ mi trắng đang mặc, rồi mở chiếc giỏ xách (đựng sách vở cùng bộ đồ lao động đã sờn rách) lấy ra bộ đồ, tôi nép sát bên trong lề đường để thay.Khi ông lão hoàn tất công việc. Tôi bước đến, hai tay cầm bộ đồ học sinh đứng trước ông, lấy hết can đảm thều thào: “Dạ thưa bác, con xin gửi bác bộ đồ của con, chiều nay đi làm về con sẽ xin gửi trả tiền cho bác”. Ông nhìn tôi cười rồi nhẹ nhàng: “Con cố gắng học cho thiệt giỏi để sau này đỡ cực tấm thân. Còn tiền sửa xe thì bác cho con đó. Mai mốt xe có hư gì, cứ ghé đây bác sửa cho. Cất bộ đồ vô giỏ để tối còn đi học”. Thấy tôi đứng như trời trồng, ông nhìn tôi và bảo: “Mau đi làm kẻo trễ giờ. Trễ quá rồi đó con!”. Sau lần đó, cứ mỗi lần đi ngang qua chỗ ông, tôi đều dừng xe đến chào ông. Và lần nào cũng vậy, ông đều nhắc đến chuyện tôi phải cố mà học. Sau năm 1975, nhiều lần tôi đi ngang qua chỗ ấy, nhưng chẳng thấy ông đâu. Hỏi thăm nhưng chẳng ai biết ông đi đâu, còn hay mất, nhà ở đâu ...
Ông là ân nhân của cuộc đời tôi, làm sao tôi có thể quên giọng nói ấm áp, ánh mắt hiền từ và bàn tay nhẹ nhàng ông đưa lên vuốt đầu của tôi hồi ấy...Đó là gì, nếu không phải là tấm lòng thơm thảo mà con người dành cho nhau!
* * *
Tôi bước vào làng báo và gắn bó với nghề cho đến nay. Trong mấy chục năm qua, những cơn bão, những trận lũ lụt ập xuống cả ba miền không biết bao nhiều lần. Và mỗi lần như thế, tôi lại chứng kiến sự thể hiện “tấm lòng của người Sài Gòn” dành cho đồng bào của mình.
Cứ mỗi lần báo chí kêu gọi “lá lành đùm lá rách”, thì tôi lại gặp bao “tấm lòng của người Sài Gòn” dành cho đồng bào vùng thiên tai - ông lão đạp xích lô, bà cụ mua ve chai, anh chạy xe ôm, chị công nhân vệ sinh... họ đến tòa soạn và đề nghị “được góp chút ít” nhằm phần nào xoa dịu nỗi khổ của đồng bào. Rất nhiều những cái tên chung chung được tòa soạn ghi vào sổ “Chú Hai xe ba bánh”, “Cô Năm quét rác”, “Anh Tám bốc vác”... hoặc thậm chí rất nhiều khoản tiền mà tòa soạn nhận được với cái tên “Một độc giả giấu tên” được ghi vào sổ - bởi điều đơn giản: Những người đến góp tiền chẳng muốn lưu lại tên tuổi của mình.
Người Sài Gòn là vậy!
Nghĩa cử của người Sài Gòn.
* * *
Nhà báo Thanh Thủy, quê Thanh Hóa, sinh sống và làm việc tại vùng đất này gần 20 năm bộc bạch: “Mình yêu Sài Gòn biết chừng nào! Mình luôn coi đây là quê hương thứ hai. Mỗi lần đi xa trở về, cái cảm giác “được về nhà” hạnh phúc làm sao. Có lẽ nhớ nhất vẫn là con - người - Sài - Gòn. Lạ lắm kia! Nếu là người tỉnh khác mới đến, chắc hẳn bạn sẽ giật mình khi tự nhiên có một ai đó từ phía sau chạy xe vọt lên rồi quay sang nhắc: “Anh ơi tắt đèn xi-nhan!”, hoặc: “Chị ơi, đá chân chống xe lên...”. Chỉ vài ngày đi xa, mình đã muốn về lại Sài Gòn, về để lại được hòa mình vào dòng người tấp nập, để được hưởng cái “nắng mưa bất chợt” rất đặc trưng làm nên một Sài Gòn rất riêng”.
Anh Lê Minh Mẫn, quê Bến Tre, lên Sài Gòn học đại học rồi ở lại lập nghiệp hơn 20 năm nay, tâm sự: “Tôi thấy người Sài Gòn và người miền Tây có khá nhiều điểm giống nhau, chỉ hơi khác là người Sài Gòn phần lớn có điều kiện tiếp xúc với đời sống hiện đại, được học hành cao, nên việc họ thể hiện ra bên ngoài khá tinh tế, mực thước; còn người miền quê thì chân chất, thật thà “ruột để ngoài da”. Tuy nhiên, điều cơ bản họ giống nhau, đó là tấm lòng dành cho người khác - người miền Tây và người Sài Gòn đều tốt bụng. Họ ít khi tính toán thiệt hơn với bạn bè, người thân; gặp người cần giúp đỡ là họ sẵn sàng dốc túi...”.
Facebook của chị Phạm Thiên Ý (nhà thơ Nồng Nàn Phố) - Nghệ An đã viết trên trang cá nhân của mình: “Sáng nay, dẫu mệt vẫn dậy sớm như nếp quen. Pha ly mật ong ấm nhâm nhi nhìn Sài Gòn qua cửa sổ, vẫn là những con người xa lạ ngoài phố thôi mà sao như thân quen từ kiếp nào. Thì ra, không cần phải quen biết tất cả mọi người mới thấy thân thuộc đâu... Chỉ cần mình yêu nơi mình đặt chân đến đã là thân quen lắm rồi!”.
* * *
Khi thực hiện bài viết này, tôi chợt nhớ về một Sài Gòn xưa, khoảng thập niên 1960 - 1970 thế kỷ XX, khi đi ngoài đường nhìn vào những căn nhà mặt tiền, ở vách tường đối diện bao giờ cũng thấy chủ nhà treo một cái đồng hồ to, người đi đường nhìn thấy rõ giờ. Có đến trên 90% các căn nhà mặt tiền ở Sài Gòn lúc bấy giờ làm chuyện.
Tôi đem câu chuyện hỏi những người bạn đã từng sống ở Sài Gòn thời đó: “Vì sao hồi đó người ta làm vậy?”. Rất nhiều lý do đưa ra, song cuối cùng mọi người đều thống nhất một lý do đó là “tấm lòng của người Sài Gòn”. Hồi ấy, đồng hồ đeo tay là cả một tài sản có giá trị (bởi toàn là đồng hồ nhập từ Thụy Sĩ, Nhật Bản...), nên chỉ doanh nhân, viên chức... mới sắm được, còn lại đều xem giờ thông qua những chiếc đồng hồ từ những căn nhà mặt tiền dọc trên các con đường, hoặc biết giờ thông qua Đài Phát thanh Sài Gòn - cứ mỗi đầu giờ đài lại thông báo.
Người Sài Gòn làm cho mảnh đất này ngày càng đượm nghĩa tình!
Trong ca khúc “Để gió cuốn đi” nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...”. Có lẽ vậy, khi có - một - tấm - lòng thì người ta sống thiện lắm, hiền lắm, nghĩa tình đủ đầy dành cho nhau...
Đất Sài Gòn sản sinh ra tính cách người Sài Gòn!
Người Sài Gòn làm cho mảnh đất này ngày càng đượm nghĩa tình!