Người phụ nữ khiếm thị đã tìm thấy “ánh sáng” bằng tri thức
- Dược liệu
- 01:56 - 09/03/2018
Chị Đỗ Thúy Hà trong buổi dạy tiếng Việt cho người Nhật.
Không đầu hàng số phận
Gần 30 năm trước, khi mới 6 tuổi, chị Hà vẫn đến trường như các bạn cùng trang lứa nhưng rồi đôi mắt cứ bị mờ dần đi, nhìn mọi thứ như ảo ảnh. Bố mẹ đưa đi khám, bác sĩ kết luận chị bị thoái hóa võng mạc mắt, trường hợp này rất khó chữa trị. Ít lâu sau, chị phải nghỉ học ở trường vì không còn nhìn thấy gì nữa. Bố mẹ không cầm được nước mắt mỗi lần chứng kiến đứa con nhỏ luôn bị ngã khi đang chơi đùa. Biết cháu mình ham học, thích học, ông nội đã dùng bút dạ viết những chữ thật to lên giấy để chị có thể sờ vào các nét chữ nổi rồi đánh vần. Năm lên 9 tuổi, biết là bệnh của con mình không còn cách chữa trị, bố mẹ mới quyết định đưa chị vào lớp học chữ nổi dành cho người khiếm thị (NKT) tại Trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).
Đỗ Thúy Hà tâm sự: “Trường Nguyễn Đình Chiểu là ngôi nhà lý tưởng cho những đứa trẻ đặc biệt. Ngày ấy, chúng tôi không chỉ được học chữ, mà còn được học hầu hết thứ gì mình muốn, được truyền cảm hứng sống lạc quan, tích cực. Tôi được định hướng, động viên từ thầy, cô giáo và cha mẹ nên bản thân luôn nỗ lực học tập, phấn đấu hết mình để đạt được thành tích tốt nhất”.
Vốn là người thông minh lại được học tập trong môi trường là những bạn cùng cảnh ngộ, chị Hà luôn đứng đầu mọi mặt. “Mình nhớ nhất là được kết nạp Đoàn ngay từ lớp 6. Nhà trường bảo học giỏi sẽ được kết nạp Đoàn sớm. Lúc đó tôi thấy hạnh phúc và vui sướng lắm”, chị Hà nhớ lại. Suốt quá trình học tập từ THCS đến PTTH tại Trường Nguyễn Đình Chiểu, điểm tổng kết của chị gần như tuyệt đối, đặc biệt là môn tiếng Anh.
Năm 2000, chị Hà tham gia cuộc thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc do UNESCO tổ chức. Trong số 500 thí sinh tham dự chỉ có chị là NKT. Ban tổ chức không khỏi bối rối vì không có đề riêng dành cho trường hợp đặc biệt này. Ban tổ chức quyết định đọc đề cho chị chép, sau khi làm xong chị lại đọc cho ban giám khảo chép vào giấy thi đã rọc phách. Chị Hà xúc động kể lại: “Lúc ấy Ban tổ chức còn đặt cả ghi âm để đảm bảo không ai nhắc bài cho mình. Nghĩ lại cũng thấy vui vui”. Kết quả cuối cùng của cuộc thi ấy, chị Hà đoạt giải Ba cuộc thi, một năm sau đó chị lại tiếp tục thở thành gương mặt “Nữ sinh Việt Nam”.
Năm 2004 được coi là bước ngoặt cuộc đời của cô nữ sinh khiếm thị. Thúy Hà trúng tuyển vào khoa tiếng Anh của Đại học Mở Hà Nội. Năm 2005, trong một lần lên mạng tìm hiểu, chị có biết có một lớp du học miễn phí của Nhật Bản về kỹ năng lãnh đạo dành cho người khuyết tật của châu Á – Thái Bình Dương. Tự tin với khả năng của mình, chị đã làm hồ sơ tham dự. Sau rất nhiều lần tuyển chọn, chị vượt qua 350 đổi thủ trên khắp thế giới, để lọt vào top 30 ứng viên, sau đó ban tổ chức tiếp tục chọn 7 thí sinh đại diện cho 7 nước và Đỗ Thúy Hà đã là đại diện của Việt Nam trúng tuyển.
Biết rằng đây là cơ hội tốt để thay đổi cuộc sống, chị Hà quyết tâm đi học tiếng Nhật để theo đuổi ước mơ. Những ngày đầu ở nước ngoài là thử thách không hề nhỏ với một NKT như chị. Mọi sinh hoạt, học tập mỗi người đều phải tự lập. Trong số những người tham gia khóa học chỉ có một vài NKT, còn lại là những dị tật khác. Khi ấy chị được đề xuất đưa đón bằng ô tô, nhưng chị đã từ chối. Vượt qua hết những khó khăn, chị hoàn thành tốt báo cáo tốt nghiệp. Do thành tích học tập xuất sắc, năm 2008, 2009, chị còn được mời trở lại Nhật Bản để tham gia hàng loạt các hội thảo dành cho người khuyết tật. Năm 2016 một lần nữa chị trở lại Nhật học kỹ năng lãnh đạo, quản lý dự án theo học bổng của Nhật.
Vợ chồng chị Đỗ Thúy Hà - Đỗ Ngọc Anh trong chương trình giao lưu “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật” tổ chức năm 2017.
Sau gần 2 năm học tập tại đất nước mặt trời mọc, Đỗ Thúy Hà trở về Việt Nam và hoàn thành nốt chương trình học bảo lưu tại Đại học Mở Hà Nội. Chị tham gia nhiều hoạt động giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ cùng phát triển như tham gia dạy tiếng Nhật tình nguyện cho người khuyết tật; lập dự án hỗ trợ học sinh khiếm thị đang theo học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu; vận động ủng hộ mười máy tính cũ cho các sinh viên khiếm thị...
Những trăn trở
Năm 2012, chị được bầu làm Chủ tịch HNM quận Đống Đa. Với những kỹ năng, kinh nghiệm có được từ những ngày học tập tại Nhật Bản, chị đã thiết kế nhiều bài giảng, tổ chức các hoạt động học tập, sinh hoạt giúp ích cho cộng đồng NKT trong quận hội. Chị tổ chức nhiều lớp dạy chữ nổi Braille, dạy vi tính, dạy nghề và tổ chức nhiều buổi sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu cho các hội viên. Với các hội viên ở những độ tuổi khác nhau, chị lại có những cách tiếp cận và khuyến khích riêng. Hiện tại chị Hà còn là giáo viên dạy học tiếng Anh trên mạng, học sinh của chị trải đều các tỉnh, thành như: Hà Nội, Sài Gòn, Đồng Nai, Khánh Hòa… Ngoài ra chị còn dạy chữ nổi tiếng Việt cho các bạn Nhật và tham gia nhóm tình nguyện của người Nhật đi hỗ trợ những NKT ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Chị Đỗ Thúy Hà bên gia đình nhỏ.
Đặc biệt, từ tháng 6/2017 Hội có 3 lớp học dạy tiếng Anh và kỹ năng mềm miễn phí cho 30 NKT, chủ yếu người học thuộc quận Đống Đa và một số ở các quận khác của Hà Nội do chị tổ chức và quản lý. Giáo viên dạy đến từ các nước: Ấn Độ, Canada, Đức, Thụy Sĩ. Theo chị Hà, những NKT rất hào hứng tham gia vì lớp học miễn phí và được học những kỹ năng rất thiết thực cho cuộc sống không những cho người khuyết tật mà ngay cả với người bình thường cũng rất cần thiết.
Với vai trò là Chủ tịch Hội NKT, chị Hà mong muốn, mọi đối tượng NKT đều được hưởng trợ cấp của nhà nước, trường hợp NKT không có việc làm hoặc bị khuyết tật nặng có mức trợ cấp cao hơn để họ phần nào bớt đi khó khăn trong cuộc sống. Những NKT là phụ nữ có con đang đi học hoặc đang nuôi con, mong được hưởng các mức trợ cấp khác. Trường hợp con của NKT nếu đi học thì được giảm hoặc miễn học phí. Đặc biệt, NKT là những người mẹ đơn thân mà có con thì được hỗ trợ tiền nuôi con đến năm bao nhiêu tuổi. Ngoài ra, đối với những NKT thi vào đại học nên có chính sách ưu tiên và được cộng điểm, đồng thời được các trường cho nhập học như các sinh viên khác. Điều mà chị Hà luôn mong muốn, đó là tại các trường đại học, các khoa xã hội tạo điều kiện cho NKT được học chương trình sau đại học để nâng cao trình độ, sau khi học xong họ có thể đi giảng dạy cho những NKT khác.
Với sự nỗ lực không ngừng của bản thân và những đóng góp đầy ý nghĩa cho xã hội, năm 2001, chị Đỗ Thúy Hà được lựa chọn là gương mặt “Nữ sinh Việt Nam tiêu biểu”; tháng 3/2013, được Hội LHPN Việt Nam tôn vinh “Tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”; tháng 10/2013, chị là một trong 10 phụ nữ được Hội LHPN Hà Nội tặng danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu”; tháng 4/2014 được tặng thưởng “Tấm gương nghị lực”. Năm 2016, chị là 1 trong 9 cá nhân được đề xuất xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú 2016” trong lĩnh vực hoạt động xã hội - từ thiện. Năm 2017 chị là 1 trong 10 gương mặt phụ nữ Việt Nam tiêu biểu và được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen. |