THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:32

Độc đáo, hấp dẫn những bức tranh làm bằng cánh hoa khô

Duyên phận với hoa, lá, cành

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo Quảng Trị, nơi còn nhiều dấu vết chiến tranh để lại, tuổi thơ của cô giáo Võ Thị Quỳnh gắn liền với những cồn cát chạy dài và những cơn gió nóng đến bỏng dâ rát thịt. Nơi cô sống chỉ thấp thoáng những bụi cây, ngọn cỏ, những cánh hoa lẻ loi, gồng mình vươn tìm sự sống trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên.

Cha là một lang y có tiếng, thường hay bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người,vì thế, khi còn nhỏ cô đã theo cha đi hái thuốc và có lẽ tình yêu với hoa, lá, cỏ cây nảy sinh trong cô từ đây. Tình yêu thiên nhiên đã khiến cô luôn đau đáu khi chứng kiến thời gian sống của những cánh hoa xinh đẹp quá ngắn ngủi. Những trang vở học trò của cô bé Quỳnh đầy ắp những cánh hoa khi cô tìm cách “kéo dài đời hoa: bằng cách ép khô chúng. Rồi thời gian cứ trôi theo tuổi thơ cô lặng lẽ, êm đềm với những cánh hoa ép luôn bên cạnh chia sẽ nỗi niềm.

Cô bé Quỳnh muốn hơn nữa những cánh hoa, chiếc lá ép có thể tô đẹp cho đời như khi chúng vừa đua nở. Ý nghĩ ấy cứ theo cô và dẫn cô đến với con đường ghép tranh bằng chất liệu là từ chính những cánh hoa, chiếc lá ép trong cuốn vở học trò. Cô đã thử vẽ tranh, rồi ghép hoa,lá khô theo đó để làm quà tặng thầy cô, bè bạn. Nghiệp làm tranh hoa lá ép cũng theo cô từ đó.

Cô Võ Thị Quỳnh giới thiệu về những bức tranh được làm từ chất liệu hoa ép 

Con đường đến với nghệ thuật

Là giáo viên dạy văn của Trường chuyên Quốc học Huế cùng niềm đam mê đã đưa cô Võ Thị Quỳnh đến với nghệ thuật như một định mệnh.“Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa!”, câu nói tưởng đùa đã trở thành động lực để cô Quỳnh làm ra những tác phẩm tranh ghép bằng hoa, lá ép khô. “Ép hoa, lá vào trang vở học trò là thú chơi hồn nhiên nhưng đầy thú vị của rất nhiều bạn trẻ ,trong đó có tôi. Riêng với tôi, trò chơi ngây thơ này luôn có một lực hấp dẫn không cưỡng nổi, luôn là niềm vui thầm lặng nhưng vĩnh viễn” cô Quỳnh chia sẻ.

Sau những giờ lên lớp, cô lại một mình thầm lặng góp nhặt những cánh hoa , chiếc lá bỏ vào trang vở rồi ép. Cô thổi hồn mình vào đó để tạo nên một bức tranh sinh động, sáng tạo độc đáo, một ý tưởng mới mẻ, một tác phẩm nghệ thuật mang rất nhiều ý nghĩa. Có lẽ nghệ thuật đến với cô như một cái duyên, sau 4 cuộc triển lãm cá nhân. Cuộc triễn lãm đầu tiên diễn ra tại Đà Nẵng (1993). Trong cuộc triễn lãm này, cô Quỳnh bán bức tranh “Những con đường thời thơ ấu”. Đây là bức tranh được lấy ý tưởng từ những ngày cô theo cha đi tìm thuốc. Việc bán bức tranh hoa ép cũng hết sức thú vị khi mà người mua được phép trả theo hình thức trả góp, bởi giá của mỗi bức tranh lúc ấy tương đối cao, bức tranh cao nhất bán khoảng 400 đô, bức bình thường thì 100 đô, vì người mua cũng chỉ là một cô bé đam mê hoa ép.

Một góc phòng tranh tại nhà riêng của cô Quỳnh

Các cuộc triễn lãm cá nhân tiếp theo của cô Quỳnh  được diễn ra tại Huế (1994), TP Hồ Chí Minh (1998), Hà Nội (2001). Cô Võ Thị Quỳnh cũng đã  lập một phòng trưng bày tranh ngay tại tư gia. “Phòng tranh hoa lá của cô rất đẹp và sống động, khi xem tranh em cứ ngỡ như mình đang lạc vào một thế giới đầy màu sắc”, bạn Phan Thu Thảo một học trò cũ của cô tâm sự. Khi xem những bức tranh của cô Quỳnh, cựu sinh viên Đại học Khoa học Huế là Nguyễn Thanh Đức (Văn 1973-1977) đã thốt lên rằng: “Đằng sau những hoa lá trong tranh Võ Thị Quỳnh là ý tưởng. Những  ý tưởng mà người xem không thể nhận ra. Quỳnh đã biết cách làm cho hoa lá khô biết suy nghĩ”. Một nhà thơ xứ Huế thì gọi tranh cô Quỳnh là: “Nghệ thuật nối dài đời hoa lá”. Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì trầm trồ: “Một cuộc triển lãm đông người, nhiều hoa và độc đáo mang đậm chất Huế”.

Cô Võ Thị Quỳnh đã cho ra đời nhiều tác phẩm được nhiều người khen ngợi như các bức tranh mang tên “Con gà”, “Giọt thu”, “Những con đường thời thơ ấu”, “ Huyền ảo",... Từ năm 1992 cho đến nay cô Võ Thị Quỳnh đã bán được khoảng 200 bức tranh. Tranh của cô còn được thương nhân các nước như: Đức, Canada, Anh,..đặt mua. Đặc biệt có một Việt kiều Mỹ và một thương nhân người Nhật đã liên hệ trực tiếp với cô, họ mong muốn hợp tác để cho ra đời những tác phẩm tranh hoa lá ép hàng loạt trên thị trường thế giới mang thương hiệu Võ Thị Quỳnh.

Cô Quỳnh tâm sự: “Làm nghệ thuật là điều vô cùng khó khăn, đặc biệt là nghề tranh hoa lá ép, nó đòi hỏi người làm cần có một sự kiên nhẫn vô cùng lớn. Cảm hứng sáng tác có thể ùa về bất chợt, tại mọi thời điểm, mọi không gian và thời gian. Nhưng để ra đời một tác phẩm hoàn chỉnh không phải là chuyện đơn giản. Mỗi lần như thế tôi phải phác lên trang giấy, rồi đi tìm những chiếc lá, cánh hoa có hình dáng, sắc màu phù hợp với mỗi bức tranh. Tùy từng ý tưởng có những bức tranh có thể làm xong trong hai đến ba ngày nhưng có những bức phải làm cả mấy tháng trời mới xong” .

Để có một tác phẩm tranh từ hoa ép cần có sự khéo léo, tỉ mỉ từ người làm

 Hơn 30 năm miệt mài bên giáo án, sau mỗi giờ lên lớp dạy các học sinh thân yêu, cô  lại quay về với niềm say mê sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, lòng trắc ẩn của một tâm hồn nghệ sĩ với cuộc sống, với xã hội cô Quỳnh cũng thường xuyên dành thời gian để tham gia các hoạt động từ thiện, đến thăm các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, lang thang, cơ nhở, thăm, tặng quà cho những người không may.

Song song với đó, người giáo già đa tài còn dành thời gian cho công việc viết sách. Hiện nay cô đã cho xuất bản các cuốn sách như: Dàn bài văn lớp 6 (NXB TP Hồ Chí Minh, 1995),  Đề giỏi văn 12 (NXB TP Hồ Chí Minh, 1996 ). Cô cũng đang là người tổ chức bản thảo bộ sách 10 tập mang tên: “Trường Nguyễn Hoàng -  Chân dung và kỷ niệm” (Quảng Trị), ngôi trường mà cô từng theo học. Bộ sách đã ra được 9 tập, mỗi tập dày 750 trang. 

Không chỉ say mê nghệ thuật mà cô giáo Quỳnh còn tham gia viết, biên soạn sách, giáo án 

Với sự trầm lặng, nhảy cảm, khéo léo cộng với sự tài hoa, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh  ngày đêm miệt mài làm trọn thiên chức nhà giáo đã tự tìm một lối  sống rất riêng ở vùng đất miền Trung đầy nắng,đầy gió, nhiều hoa lá này. Trên 200 bức tranh sáng tạo từ hoa, lá, cỏ… đã chứng minh cho điều đó. Người nghệ sĩ đã 60 mùa xuân chưa qua một trường lớp đào tạo nào. Với cô mỗi bức tranh là cả một linh hồn , bởi mỗi linh hồn ấy là một tác phẩm duy nhất không thể lặp lại. Với những đóng góp của mình cho nghệ thuật, cô đã được Hội Mỹ thuật Thừa Thiên- Huế vinh danh: “Võ Thị Quỳnh: người khai sáng dòng tranh hoa lá ép đầu tiên ở Việt Nam”

Chia tay cô Quỳnh, trong lòng tôi dâng trào cảm xúc và chúc cho  ước mơ của cô trở thành hiện thực . Đó là ước mơ có một nhà xưởng nhỏ để truyền dạy cho các bạn trẻ nghệ thuật tranh hoa lá. Cô quả là một người phụ nữ đặc biệt, tâm huyết nghề nghiệp, giàu nhiệt huyết và đam mê nghệ thuật.




Thảo Vi - Mạnh Cường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh