CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:15

“Người phụ nữ ấn tượng Châu Á” trở lại thương trường

 

Chịu cảnh lao lý, tụng đình nhiều năm trời rồi sau đó đình chỉ điều tra vụ án và bị can, tưởng chừng người phụ nữ nhỏ bé ấy không thể gượng dậy nổi sau những biến cố khắc nghiệt nhất đời người. Nhưng rồi với tố chất của một người “Anh hùng”, một “Phụ nữ ấn tượng Châu Á – Thái Bình Dương”, ở tuổi 67 chị đã đứng lên lao động, nỗ lực quay trở lại thương trường với những người “lính” cũ. Đó là hình ảnh của chị Ba Sương – nguyên giám đốc Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ).

Anh hùng lao động, Người phụ nữ ấn tượng Chấu Á - Thái Bình Dương Trần Ngọc Sương

Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, những người em thân quen từ cách nay hàng chục năm, chị Ba Sương – tức Anh hùng lao động Trần Ngọc Sương – cho biết mình vẫn còn đau đáu về những dự án cũ đã ấp ủ gần 10 năm qua. Sức khỏe sa sút nhiều so với trước nhưng trong ánh mắt, nụ cười, cử chỉ, lời nói hùng hồn khiến chúng tôi thấy trong chị vẫn toát lên ý chí mãnh liệt của một người hết lòng vì người nông dân ấm no, phồn thịnh.

Dự án cũ đã hình thành

Cách đây gần 10 năm, vì muốn bảo vệ một mô hình Nông trường kiểu mẫu XHCN, không bị “xé lẻ” bởi những qui hoạch khác, chị Ba Sương đã mạnh dạn phản ứng, quyết bảo vệ lý lẽ của mình. Thế là không lâu sau đó, Nông trường Sông Hậu mà chị đang làm giám đốc bị thanh tra, điều tra, khởi tố, bắt tạm giam để làm rõ hành vi “lập quĩ trái phép”.

Trước thời điểm này, thấy được mặt hàng rau củ quả của vùng ĐBSCL toàn xuất khẩu tươi, hoặc có qua chế biến thì chất lượng cũng không cao, thị trường không ổn định, chịu rủi ro cao, giá thấp, chưa tạo ra giá trị gia tăng, mà đặc biệt là chưa đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nên chị Ba luôn trăn trở. Chính vì thế mà “Người phụ nữ ấn tượng Châu Á” này đã nghiên cứu và tìm ra cách giúp bà con nông dân thay đổi tư duy sản xuất nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại, có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, vào năm 2007, nhà đầu tư Gary T Place đến từ Mỹ, đã tìm gặp chị để thỏa thuận, cam kết đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến, đóng hộp rau củ quả cho vùng ĐBSCL.

Bà Ba Sương trở lại công việc kinh doanh

Rồi tai họa ập đến, người phụ nữ anh hùng ấy buộc phải bỏ dỡ hết mọi toan tính, gác lại những ấp ủ sắp trở thành hiện thực, nhà đầu tư người Mỹ cũng ngỡ ngàng nhưng vẫn tin tưởng chị có cái tâm trong sáng vì nông nghiệp, nông thôn và nông dân vùng ĐBSCL. Thế rồi, cách đây vài năm, vụ án “lập quĩ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu bị đình chỉ điều tra, người ta phải trả lại tự do cho chị, phục hồi mọi quyền lợi công dân, nhưng tất cả cơ hội kinh doanh đều trôi qua chóng vánh.

Cách đây tầm nửa tháng, Nhà máy đóng hộp rau củ quả Sông Hậu, thuộc Công ty CP Nông Trường Sông Hậu động thổ khởi công tại huyện Bình Minh, Vĩnh Long, trong sự kiện này có sự tham gia của chị Ba Sương khiến nhiều người tưởng nhầm là nhà máy của chị đầu tư, có số vốn lên đến trên 700 tỉ đồng. Chị Ba Sương bộc bạch: “Đó là dự án của người cháu rễ đầu tư bằng nguồn vốn của người bạn cũ Gary T Place đến từ Mỹ. Tôi chỉ là người hỗ trợ, tư vấn bằng kinh nghiệm của mình. Dự án này phát triển trên nền tảng mà tôi đã ấp ủ gần 10 năm qua.

Với công suất đóng hàng trăm triệu lon, hộp trái cây, rau củ và nước ép hàng năm và xuất ra nước ngoài, tôi thấy nỗi trăn trở ngày nào của mình sắp trở thành hiện thực, góp phần đưa nông sản của bà con nông dân đi được xa hơn, giá trị cao hơn”.

Quay trở lại thương trường

Từ giám đốc một nông trường hai lần được nhà nước trao tăng danh hiệu Anh hùng lao động và bản thân chị cũng được trao tặng phần thưởng cao quý ấy, từ chỗ nông trường đang ăn nên làm ra, hàng ngàn công nhân và nông trường viên, nhưng sau khi gặp nạn chị ra đi với hai bàn tay trắng. Không chồng, con, không tiền bạc, nhà cửa, lính tráng, xe cộ... người phụ nữ gầy còm, nhỏ thó với độ tuổi gần “xưa nay hiếm” ấy chỉ còn giữ lại được cái danh “Anh hùng” cho mình. “Nhưng tôi không muốn nhắc đến cái danh “anh hùng” ấy hoặc mang theo kè kè khi quay lại thương trường, tôi muốn tiếp tục lao động, kinh doanh với nghị lực, bản lĩnh, kinh nghiệm của một người anh hùng là nguy khốn nhưng không sờn, phải quyết chí vượt qua”, chị Ba Sương tâm sự.

Điều chị Ba Sương nói đến khi trở lại thương trường đó là việc chị đang mở một công ty nhỏ để kinh doanh, chế biến hàng nông sản xuất khẩu. Quay trở lại thương trường ở cái tuổi 67 của chị khiến nhiều người lo lắng xen lẫn cảm phục. Lo vì chị chẳng còn nguồn lực, không còn lính tráng, ngựa xe; cảm phục vì nghị lực phi thường của một người phụ nữ mỏng manh, từng bị điều tiếng tụng đình.

Lúc đương thời giám đốc, chị đầu tư nhiều nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu, nhưng khi chị vướng vào vòng lao lý, tụng đình thì những công ty, nhà máy này cũng phá sản vì không có người điều hành hiệu quả. Một công ty ở thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) với 4 nhà xưởng cũng bị phá sản trong số này, thấy khối tài sản trước đây mà mình đầu tư giờ bị bỏ hoang, chị Ba xót xa đi tìm bạn bè làm đối tác giúp đỡ mua lại. Và Công ty TNHH Ba Sương Long Mỹ đã hình thành từ cuối năm 2014 do chính chị đích thân làm giám đốc.

Không có lính nên chị tìm lại những đứa em, thằng cháu gắn bó một thời, giờ tứ tán khắp nơi trở về giúp sức. Không có tiền đầu tư chị cũng chạy vạy khắp nơi nhờ bạn bè góp vốn, thập chí tài sản là trang thiết bị chị cũng mang thế chấp ngân hàng để lấy vốn đầu tư. “Một tháng nữa nhà máy sẽ đi vào hoạt động, công ty sẽ bao tiêu nông sản cho nông dân trong vùng, sản phẩm sẽ lại xuất sang Mỹ, Châu Âu và các nước khác trên thế giới. Chị tin là mình sẽ đi từng bước vững vàng để đạt được ý nguyện”, người “Phụ nữ ấn tượng Châu Á” tự tin một cách đầy ấn tượng.

Để nuôi được Công ty Ba Sương Long Mỹ tồn tại hơn một năm rưỡi qua, người phụ nữ “anh hùng” này phải cùng lính xuống từng cánh đồng, vườn cây, vựa trái ở ĐBSCL và miền Đông Nam bộ để khảo sát, thu mua trái cây về bán lại cho các nhà máy chế biến... kiếm lời. Bằng cách này, theo chị là để lấy ngắn nuôi dài, chờ ngày nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Người tài xế năm xưa của nông trường cũng được chị kéo về, giờ đang giữ chân cán bộ thu mua nông sản. Chiếc xe ô tô cũ của nông trường mà chị đi ngày nào giờ cũng được nông trường thông báo sẽ bán lại và một người bạn hứa đã bỏ tiền ra mua cho chị làm “chiến mã” để đi giao dịch làm ăn. Mấy năm nay xe khách là phương tiện duy nhất để chị xuôi ngược mưu sinh.

Anh Nguyễn Văn Tiến, một cán bộ cũ của nông trường đã bỏ ra đơn vị mới làm ăn, giờ đây cũng được chị Ba gọi về làm phó giám đốc điều hành. “Lương bổng bây giờ không nhiều, nhưng vì chị Ba sống tình nghĩa, khảng khái, có trướct có sau nên anh em thương, quay về góp sức. Với kinh nghiệm, tài trí, mối quan hệ có sẳn, nhạy bén nắm bắt thị trường xuất khẩu và 300 container hàng trái cây, rau củ đóng lon xuất khẩu hàng năm, 300 công nhân lao động hết mình... tôi tin Công ty Ba Sương Long Mỹ sẽ phát triển từng bước vững vàng”, anh Tiến tự tin cho biết.

Chị Ba Sương tâm sự: “Gây dựng đưa nhà máy đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định vài năm nữa rồi tôi cũng giao lại cho lớp trẻ kế thừa. Cái được ở đây là được cho nông dân, cho người lao động, nông sản của mình đến thêm nhiều thị trường, mang ngoại tệ về cho đất nước”.

Chị Ba Sương rời khỏi Nông trường Sông Hậu với hai bàn tay trắng, nhưng chị bảo tài sản quí giá nhất mà chị mang theo đó là “sự yêu thương của người nông dân nông trường, người dân cả nước và trên thế giới, điều đó không đổi bằng tiền được”. Sau bao bể dâu, chị Ba nói mình không ân hận hay buồn phiền gì cả khi từng làm việc cho Nông trường Sông Hậu. Mong muốn cuối đời là làm sao kiếm được một ít tiền mua lại miếng đất trong nông trường nơi mà ông Năm Hoằng, cha của chị, cũng là một Anh hùng lao động, người khai sinh ra nông trường đang nằm yên nghỉ.

Theo Phương Nguyên/Gia đình Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh