THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:39

Người nuôi voi nhiều nhất Tây Nguyên

 

Ông Đàn Năng Long chăm chút voi như người thân nên đàn voi của ông không bao giờ phẫn nộ hay sụt ký.

Voi cũng có tình nghĩa

Trong cái nắng chiều thu hanh hao dưới chân Chư Yang Sin hùng vĩ, bóng Đàn Năng Long tạc trầm mặc bên vách núi. Xa mà không xưa, bố ông là thợ săn voi lão luyện Đàn Năng Nhẫn (dân bản địa gọi là Ama Ku) dắt ông rong ruổi trong những cánh rừng bạt ngàn. Cuộc sống quyện hòa trong không gian đậm đầy nghĩa tình. Mỗi chú voi được thuần dưỡng đều có ánh mắt trong veo, thân thiện, hồ hởi và như một thành viên trong gia đình, dòng tộc. Voi được gọi là ông Tượng. Có việc trọng đại gia chủ và buôn làng phải làm lễ kính báo với ông Tượng. Ông Tượng đau, người nuôi cũng đau theo. Những người nuôi voi, quản voi phải có lòng bao dung, chân thật không mưu mẹo, toan tính. Những ngày hội, đêm ca, bên bếp lửa bập bùng, voi và người cùng soi chiếu vào mắt nhau biểu thị cảm xúc, như thấu tỏa lòng nhau.

Giờ thì khác, mắt voi cũng như mắt người, u ám, tiếc buồn. Buông tiếng thở dài, Đàn Năng Long thổn thức những lời rút ra từ gan ruột, rằng: “Khi không coi cái gì là thiêng liêng thì người ta thường hung hãn, nhạt tình, giả dối, màu mè, đối phó với các sinh thể quanh mình. Trước đây, ai cũng tôn kính và xem voi, xem rừng là những thứ thiêng liêng nhất. Nhưng giờ đây họ phá vỡ không thương tiếc. Voi nhà thì bị bóc lột, voi rừng thì bị truy đuổi, bắn giết bởi lòng tham không đáy của con người. Xung đột giữa voi và người càng ngày dữ dội”. Càng đau tiếc, ông Long cùng các quản tượng của mình càng thương yêu, chăm chút 7 ông Tượng mình đang sở hữu hơn.

Dù không phải chuyện nhà mình, nhưng mỗi lần nghe tin đâu đó có voi chết vì kiệt sức, bệnh tật, sự đắng đót cứ dâng trong khóe mắt Đàn Năng Long. Mới vài chục năm trước Đắk Lắk có trên 500 con, giờ chỉ còn hơn 40 con, sụt giảm kinh hoàng. Mới nhất và ám ảnh nhất, là ông Tượng Na Liêng của Cty cổ phần du lịch và thương mại Buôn Đôn. Sau những tháng ngày ròng rã phục vụ khách du lịch, Na Liêng chân đi xiêu vẹo, da bám chặt vào xương, ngã quỵ. Người ta hốt hoảng truyền nước, mua thuốc bổ dưỡng cấp tập bơm vào người Na Liêng. Nhưng đã quá muộn, Na Liêng trào ra những giọt lệ buồn cuối cùng rồi vĩnh viễn ra đi vào hè năm 2015. Cũng trong năm đó, ở xứ trăm voi Đắk Lắk, 4 ông Tượng khác cũng vĩnh viễn ra đi.

Qua bao mùa mưa nắng, voi vẫn tận tụy phục vụ, cháy khát được cặp đôi, được sinh sản cho đến khi sức cạn, tuổi già, da nheo, chân mỏi. Thế nhưng rừng bị tàn phá, sông cạn, núi lở, lòng người đổi thay khiến voi có nguy cơ chỉ còn trong ký ức vì chết dần, chết mòn.

Càng bị bóc lột, càng phẫn nộ

Khi con người bắt đầu dùng xe tải, những chiếc cưa máy có khả năng hạ sát hàng trăm ha rừng nguyên sinh, cũng là lúc voi bắt đầu phẫn nộ. Nửa đời người gắn bó với voi, Đàn Năng Long đúc rút: “Voi cũng như người vậy. Chẳng khác gì đâu. Khi không gian dành cho voi không bị xâm hại, voi không bị dồn đuổi thì chúng rất hiền hòa với con người. Voi không sợ những bước chân lạ nếu không mang theo tà tâm hủy hoại thiên nhiên. Thức ăn cạn kiệt, môi trường sống không còn, không nổi loạn mới là chuyện lạ”. Bởi hiểu rõ voi cũng có nhiều nét tâm tính như người, nên các nài voi (người chăm và điều khiển voi) của Đàn Năng Long làm việc kiểu cha truyền, con nối. Nhiều gia đình, cuộc đời nối tiếp cuộc đời gắn bó với voi.

Được đối đãi tốt, đàn voi thân thiện với cả người lạ.

Ông Long bảo: Voi là loài rất nghĩa tình. Đối đãi với nó tốt thì nó rất ngoan ngoãn và tận tụy. Thậm chí voi còn tự nguyện diễn trò cho người xem, vào tận bàn uống cà phê để vui đùa cùng khách. Sau vài giờ chở khách đi chơi tôi đều bồi dưỡng cho voi đủ các dưỡng chất bao gồm các loại hoa quả, cỏ cây. Khi voi buồn hay có tâm trạng tôi cho voi nghỉ ngơi ngay. Không chăm bẵm hàng ngày mà chờ đến khi voi quỵ ngã thì có bơm thuốc bổ tiền tỉ cũng không vực voi dậy được. Voi bị bóc lột quá mức hoặc cho ăn uống không tương xứng với sức lao động đã đổ ra thì chúng mới phẫn nộ thôi. Các mức độ phẫn nộ của voi cũng theo cung bậc. Giận ít thì lì lợm, giận nhiều thì không tuân theo hiệu lệnh của nài voi. Nhưng sau mỗi lần phẫn nộ mắt voi lại buồn thảm hơn”.

Như để minh chứng thêm cho lời nói của mình, Đàn Năng Long ra hiệu lệnh, cả đàn voi dũng mãnh, cường tráng, béo ú của ông bước phăm phăm vào quán cà phê với ánh mắt bừng sáng và đưa chiếc vòi uốn éo, nô đùa với khách. Gặp lại cảnh quen, nhà văn Nguyễn Hoàng Thu hồ hởi: “Mấy chục năm chẳng bao giờ thấy đàn voi của ông Long buồn hay lì lợm. Sức khỏe thì cứ như cây lim, cây sến trong rừng già vậy. Trong khi nhiều nơi dốc tiền tỉ bảo tồn mà voi cứ lăn ra chết. Không giản đơn mà làm được điều đó, ngoài đối đãi tốt với voi, phải có bí quyết độc đáo nữa đấy”.

Bí quyết mà nhà văn Nguyễn Hoàng Thu nhắc, chính là những bài thuốc. Khi rừng tự nhiên còn rộng lớn, voi luôn tự chữa bệnh cho mình. Quan sát tỉ mẩn, bằng lòng thương vô hạn, trong những chuyến rong ruổi cùng cha đưa voi vào rừng dạo chơi đã giúp Đàn Năng Long thành một bác sĩ đặc biệt. Thứ lá nào chữa bệnh gì cho voi ông nắm rõ như nằm lòng bàn tay. Có khi người ta bơm chục triệu tiền thuốc vào người voi, voi bệnh nặng thêm, nhưng chỉ vài nắm lá của Đàn Năng Long là hết bệnh. Ví như, voi bị sây sát, nhiễm trùng cần ngay lộc vừng và lá cây trâm bào chế với vài thứ khác; voi u bướu, thương nặng đến nội tạng thì cần tiểu phẫu bằng kinh nghiệm bí truyền và những bài thuốc sạch từ thiên nhiên.

Chỉ thích ái ân trong không gian tự nhiên

Đã dốc sức tìm ra nhiều bài thuốc hay cho voi, nhưng trong suốt câu chuyện với tôi, ánh mắt Đàn Năng Long luôn ẩn hiện sự lo âu, vì voi không chịu đẻ nữa. Ông bảo, gần 20 năm nay ở Đắk Lắk voi không sinh sản được. Các cấp chính quyền không khẩn cấp đưa ra các phương án hữu hiệu, thiết thực thì voi tuyệt chủng mất thôi. Voi chỉ ân ái mãnh liệt và thụ thai được trong không gian tự nhiên, mà giờ đây không còn môi trường tự nhiên để chăn thả, giao phối nên không đẻ được. Dẫu biết là mong manh nhưng vẫn phải hi vọng nên trong không gian quanh hồ Lắk, quanh nhà mình, không cần ai đặt hàng, không cần ai thôi thúc, hàng ngày Đàn Năng Long vẫn cần mẫn nghiên cứu cách để tác hợp cho đàn voi của mình “yêu nhau”. Phải sắp đôi thật chuẩn thì chúng mới “yêu nhau” thắm thiết được. Tình yêu và sự ân ái giải phóng mọi u uẩn và sự nóng tính của loài voi. Trước khi quyết định se duyên cho các cặp voi ông cũng đã học kinh nghiệm các già làng. Ông Long chia sẻ: “Vài cặp voi tôi se duyên thành công, chúng đều quấn quýt bên nhau nhưng vẫn chưa sinh sản được những chú voi con như ý muốn. Tuy nhiên từ khi có “vợ”, có “chồng” thì tâm tính những chú voi này hiền hòa hẳn. Hy vọng một ngày không xa, chúng sẽ đồng loạt cho ra đời những chú voi con để khát vọng duy trì, trường tồn voi Tây Nguyên không là viễn cảnh”. Những chia sẻ của ông Đàn Năng Long lúc chia tay làm tôi nhớ đến tâm sự của già làng Y Linh, ở Buôn Đôn. Khi ông nói: “Đi vòng quanh thế giới để tìm cách bảo tồn voi cũng được, hàng chục chiếc xe, với các ông tiến sỹ mũ áo xênh xang về đây nghiên cứu cũng được. Nhưng cấp bách nhất phải là khoanh vùng, tạo ra một không gian thiên nhiên rộng mở, với nhiều cây rừng kèm theo những người bảo vệ tận tâm, nếu không một sơ sểnh nhỏ là voi bị chặt ngà, cắt đuôi, vặt lông ngay, còn đâu sức mà ân ái với đẻ nữa”. 

Chi tiền tỉ, voi vẫn chết liên tục

Để voi không tuyệt chủng, năm 2011, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk. Ngay sau đó tỉnh đã phê duyệt “Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020” với tổng kinh phí 85 tỷ đồng. Tinh thần chung của dự án nhằm duy trì, bảo tồn cả voi hoang dã lẫn voi nhà, giảm xung đột giữa voi với người. Thế nhưng voi ở Đắk Lắk vẫn liên tục chết. 

ĐÔNG HƯNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh