Người nữ du kích kiên trung
- Văn hóa - Giải trí
- 02:37 - 03/08/2015
Không khuất phục kẻ thù…
Là con út trong một gia đình trung nông ở ấp Bà Sòng (xã An Nhơn Tây) của quê hương đất thép Củ Chi, năm 16 tuổi, Năm Thu sớm đi theo cách mạng, làm du kích mật tại vùng ven Sài Gòn. Những năm 1956 – 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố ác liệt cách mạng miền Nam. Vùng Ba Sòng trở thành một trong những “lõm chính trị” của Củ Chi, căn cứ của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Khi đó, khu vườn xung quanh nhà Năm Thu được đào hầm để nuôi giấu cán bộ lãnh đạo Khu ủy. Cô nhận nhiệm vụ giữ bí mật, canh gác bảo vệ, nấu cơm, đưa cơm, phụ in ấn tài liệu…, sau này tham gia những công tác quan trọng và khó khăn hơn như theo dõi nắm tình hình lính bảo an đóng đồn ở xã, vận động các binh sĩ bỏ ngũ, đưa họ vào vùng giải phóng ở Bưng Còng, Rạch Bắp…
Cuối năm 1965, để che mắt địch, Năm Thu xin vào làm thợ may, giúp việc ở khu Bà Quẹo (Tân Bình). Cơ sở đầu tiên trong nội thành mà Năm Thu xây dựng được là ở Tân Thới Nhất, (quận 12). Cô giả dạng đi bán rong cháo huyết, bánh mì, hàng bông,… khắp nơi để phát triển thêm cơ sở an ninh ở các khu vực ấp Tân Phú, Tân Phước (Tân Bình), chợ Thái Bình (quận 1)… Từ những hoạt động bất chấp nguy hiểm ấy, Năm Thu nắm được nhiều thông tin của địch rồi lập phương án diệt ác ôn lên tổ chức của ta.
Đại tá Đoàn Thị Thu phát biểu cảm nghĩ trong ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1969, từ lời khai của một đồng đội phản bội, Năm Thu bị bắt khi trong người có mang theo tài liệu. Bị đánh đập dã man nhưng cô chỉ khai nhận chuyển thư cho người lạ lấy tiền công. Biết Năm Thu là một đầu mối quan trọng, địch dùng đủ miếng đòn tra tấn dã man nhưng cô thà chết chứ không chịu khuất phục. Biết “vũ lực không thể thắng trái tim người”, cảnh sát ngụy dùng chiêu trò đưa một tên thanh tra vào dụ dỗ, hứa bao bọc, nuôi dưỡng để mẹ con Năm Thu được sung sướng cả đời. Lúc đó, chồng Năm Thu đang bị giam ở nhà tù Phú Quốc, đứa con nhỏ sống với bà ngoại. Đòn tâm lý ấy đã khiến nhiều chiến sĩ ngã lòng, nhưng người nữ du kích mật ấy vẫn tỉnh táo hiểu rằng, cuộc sống sung sướng ấy sẽ phải đánh đổi bằng danh dự, bằng sự nhục nhã, hèn hạ, bởi nếu đã khai ra một, chúng sẽ bắt khai hai, sau đó thì phải khai hết.
Giam cầm Năm Thu trong 3 năm qua nhiều nhà tù với những trận đòn ác hiểm, địch đưa cô ra tòa án xét xử, song do không thu thập được bằng chứng gì nên đành cho hưởng án treo. Trở lại hàng ngũ của lực lượng an ninh T4, sau năm 1973, Năm Thu tiếp tục móc nối lại cơ sở công tác trong tình thế lực lượng của ta ngày càng mạnh lên. Những tin tức từ mạng lưới cơ sở của Năm Thu đã góp phần không nhỏ vào những chiến công của ta để đi đến ngày toàn thắng.
Nữ Trưởng công an quận đầu tiên của TP.Hồ Chí Minh
Sau ngày 30/4/1975, nữ chiến sĩ Đoàn Thị Thu được phân công làm Phó Ban An ninh huyện Phú Tân Sơn. Sau khi huyện nhập chung với quận Tân Bình, bà được cử làm Trưởng tiểu ban rồi Đội trưởng Đội Bảo vệ chính trị Công an quận Tân Bình từ năm 1975-1979.
Đại tá Năm Thu bồi hồi nhớ lại: Sau giải phóng, TP Hồ Chí Minh còn nhiều tàn dư chống đối của các thế lực thù địch. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, dưới sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, tôi cùng đồng đội tại Công an quận Tân Bình đưa 2.000 sĩ quan, viên chức ngụy quyền bậc trung, cao cấp đi học tập cải tạo tập trung; cải tạo tại chỗ trên 20.000 hạ sĩ quan, viên chức thấp cấp; truy bắt 52 đối tượng trốn trình diện, đồng thời phát hiện, đề xuất loại khỏi chính quyền cơ sở 42 người có lai lịch xấu. Ngoài ra, đơn vị của Năm Thu còn kịp thời phát hiện 39 tổ chức nhen nhóm phản động, bắt giữ hơn 360 đối tượng, trong đó có 12 nhóm có trang bị vũ khí. Đặc biệt nguy hiểm là nhóm “Quân sự tổng hợp Liên Bang Đông Dương”, triệt phá hầu hết chi nhánh của các tổ chức phản động này, ngăn chặn kịp thời 26 vụ tổ chức vượt biên (7 nhóm có súng, hải đồ, hải bàn...).
Năm 1979, Đại tá Năm Thu được đề bạt làm Phó Công an quận Tân Bình, đến năm 1989 thì được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Công an quận. Đến nay, mặc dù đã nghỉ hưu gần 16 năm, nhưng Đại tá Năm Thu vẫn tham gia hoạt động tích cực trong Ban Liên lạc hưu trí Công an TP Hồ Chí Minh, làm Chủ nhiệm Ban Liên lạc hưu trí Công an quận Tân Bình và Phó Ban truyền thống kháng chiến đền Gia Định.