THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:46

Người luôn đắm say với làn điệu dân ca miền Trung

 

1.Nhạc sỹ  Đình Thậm trở thành ca sỹ trước khi trở thành nhạc sỹ, có lẽ vậy nên trong các tác phẩm của mình, những nốt  nhạc, ca từ luyến láy hoa mỹ,  anh viết rất cẩn thận. Âm nhạc của anh ít đột biến tròn trịa, dễ nghe, dễ đi vào lòng người như những khúc dân ca miền Trung, mà như Đình Thậm hay tâm sự: “Nó đã trở thành niềm say mê, ngấm vào máu ngay từ thời trai trẻ”. Anh kể, khoảng những năm 1976-1978 khi còn trong quân ngũ, mỗi lần nhận được mấy đồng phụ cấp ít ỏi của anh lính binh nhất, binh nhì liền đi mua thuốc lá thơm Phù Đổng, Tam Đảo, Điện Biên để mời người thầy (nhạc sĩ Phan Ngạn-người nổi tiếng truyền dạy các làn điệu dân ca khu vực Nam Trung bộ), chỉ với một mong muốn được nghe thầy hát dân ca, dạy hát bài Chòi!

Có lẽ vì thế mà nhiều ca khúc sau này của anh thấm đẫm âm hưởng dân ca miền Trung. Những giai điệu ngọt ngào về tình yêu quê hương, tình cảm lứa đôi như tận hưởng những nét tiềm ẩn ấy của âm nhạc dân gian cùng cái tình, cái tâm của Đình Thậm đi vào nhiều ca khúc  được khán giả  đón nhận nồng nhiệt. Khi nghe anh hát, xem anh hát, dễ dàng cảm nhận ra Đình Thậm sinh ra để hát và hát tuyệt hay các làn điệu mang âm hưởng dân ca khu vực Nam Trung bộ. Anh bảo hát cả ngày không chán những làn điệu đó (nhạc sỹ Trần Tiến có lần tới TP. Đà Nẵng đã từng cùng anh ở miết trong khách sạn chỉ để trò chuyện và nghe anh hát dân ca miền Trung). Tác phẩm “Chỉ còn biển thôi”  của anh đã giành Huy chương Vàng về sáng tác, có những ca từ đầy tính tự sự:

Biển ơi, ơi biển xanh rờn
Ta buồn sao lại sóng còn đùa vui
Bỏ ta, bỏ ta nàng lấy chồng rồi
Bỏ ta, nàng lại theo người, theo người nhà nông

Biển ơi, biển có biết không?
Lòng ta đã hứa thủy chung trọn đời (thủy chung trọn đời )
Mà sao, mà sao nàng lại không yêu
Chê ta nghề biển ...

Biển ơi, ơi biển ta buồn
Ta bơ vơ, ta bơ vơ, biết chỉ còn biển thôi
Chỉ còn biển thôi (chỉ còn biển thôi), nàng xa ta rồi (nàng xa ta rồi)
Chỉ còn biển thôi (chỉ còn biển thôi), nàng xa ta rồi (nàng xa ta rồi)
Biển ơi!

Ca sỹ Quang Lê đã chọn trình diễn trong Liveshow của mình khi dừng chân ở TP.Đà Nẵng, được sự đón nhận nồng nhiệt của người nghe.

Nhạc sỹ Đình Thậm “phiêu” bên sông Hàn.

2. Nhạc sỹ  Đình Thậm bảo, chỉ với hai tiếng đồng hồ, anh có thể làm ra một bản nhạc trên nền một bài thơ có sẵn, nghe cũng được. Nhưng để có một tác phẩm âm nhạc thực sự có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thơ và nhạc thì rất khó. Thơ là cái ngẫu hứng, khi người nhạc sỹ muốn ca ngợi vùng đất này, con người này,... nhưng họ chưa khái quát được, chợt gặp một tứ thơ nói điều bấy lâu mình ấp ủ thì sẽ hòa nhập. “Phải hòa nhập để biến câu thơ thành tâm sự của chính mình mới mong có sáng tác có dấu ấn của riêng mình được”, nhạc sỹ Đình Thậm tâm tình. 

Cũng theo tác giả của “Đà Nẵng tình người” có một bài thơ hay không hẳn sẽ có một bản nhạc hay, người nhạc sỹ sáng tạo phải biết gạn lọc những ý thơ tinh túy nhất. Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu nếu “tham” cả bài “Biển” của nhà thơ Xuân Quỳnh thì không thể có nhạc phẩm “Thuyền và Biển” hay đến thế. Bằng sự tinh tế, sự nhạy cảm của người nhạc sỹ, Phan Huỳnh Điểu chỉ vận dụng khổ cuối của bài Biển để biến bài thơ thành khúc tình ca bất hủ. Và với nhạc sỹ Hoàng Hiệp cũng như nhiều nhạc sỹ gạo cội khác, sẽ khó có tác phẩm âm nhạc hay, nếu cứ buộc âm nhạc phải “chạy theo” toàn bộ lời thơ có sẵn.

Thành phố Đà Nẵng lung linh huyền ảo về đêm.

Với “Huyền diệu sông Hàn”, phỏng thơ của tác giả Đỗ Quý Doãn nếu Đình Thậm đã lựa chọn tứ thơ khá kỹ trước khi phổ nhạc. Theo anh, khi lấy được ý thơ hay rồi, phải xây dựng nền nhạc khúc triết, mạch lạc và phải tuân thủ nghiêm ngặt kết cấu của giai điệu, nhạc lý, để nâng tầm cảm xúc của ca khúc. Và trên nền dân ca thấm vẫn bật lên sức sống của thành phố trẻ đang trỗi dậy từng ngày: “Những con đường rộng mở thênh thang/ Những chiếc cầu nối bao khát vọng/ Những công trình vươn tới những tầm cao/ Đà Nẵng ơi, huyền thoại mới bắt đầu...”. 

Nhạc sỹ Đình Thậm bảo, viết về quê hương, tình đất, tình người đưa dân ca vào ca khúc là cả sự kỳ công, đòi hỏi sự am hiểu tường tận âm vực dân ca các vùng, miền. Bởi nếu không cẩn thận: “Chỉ cần lớ một chút có thể ra dân ca miền Bắc, lớ một chút có thể thành dân ca Nghệ -Tĩnh, Huế, Quảng Bình, lớ thêm chút nữa có thể lẫn lộn với dân ca miền sông nước…”.  

Đình Thậm hiện là tác giả của hàng trăm ca khúc; riêng sáng tác về Đà Nẵng, nhẩm tính sơ sơ cũng vài chục bài. Sáng tác nhiều nhưng không có nghĩa “cứ đụng đâu viết đó”, nhạc sỹ bảo chỉ viết khi cảm xúc đã chín và điều đặc biệt với anh, mỗi nhạc phẩm là một câu chuyện rất cụ thể, với những rung động rất thật. Đó có thể là câu chuyện gắn với người bạn thơ, là phút lắng lòng khi bắt gặp khoảnh khắc xúc động của một nhạc sỹ ngồi trước biển quê hương, khi chia sẻ tâm sự cùng một người bạn trên đỉnh Bà Nà, khi hóa thân vào câu chuyện của cô gái Hải Phòng có người tình ở Đà Nẵng...

Với anh, miền Trung quê mẹ vẫn mãi là: “Miền Trung nắng lửa Trường Sơn mưa sa. Mà trái tim anh vẫn nối nhịp cầu trăm sông ngàn suối. Bước chân anh qua tháng ngày ở lại. Một nắm rau rừng trường sơn nhớ mãi, những đêm trăng lên, những chiều biển gọi. Miền Trung đất mẹ hát ru anh trọn đời...”.

Nhạc sỹ Đình Thậm tên thật là Nguyễn Đình Thậm, sinh năm 1958, quê gốc Quảng Ngãi, là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; hiện là Giám đốc Nhà hát Trưng Vương, Trưởng đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng. các ca khúc được yêu mến: “Chỉ còn biển thôi”, “Miền Trung quê mẹ”, “Đà Nẵng tình người”, “Đà Nẵng mộng mơ”... Một số giải thưởng: Huy chương vàng Biển hát 1993; Giải thưởng Hội Nhạc sỹ Việt Nam 1998; Giải thưởng ca khúc viết cho thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh 2010…cùng nhiều bằng khen của Bộ VH-TT&DL, TP. Đà Nẵng. Năm 2012, anh được phong tặng NSƯT.

Giang Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh