THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:21

Người lính bén duyên nghiệp võ

 

HLV Lê Công.

 

Học võ từ cuốn sách nhặt được

Tên tuổi của võ sư Lê Công (SN 1952) đã gắn liền với những kỳ tích của môn karate Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Ông được mệnh danh là “Vị tướng bách thắng của môn karate Việt Nam”. Dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng tài năng này, đội tuyển karate Việt Nam đã lập không biết bao nhiêu chiến tích trên đấu trường quốc tế. Cho đến khi thầy Công nghỉ hưu, thì những người làm công tác quản lý karate, đặc biệt là các học trò cũ của ông, vẫn chịu nhiều ảnh hưởng và luôn học theo tấm gương của vị HLV kỳ cựu.

Nhân cách của thầy Công đến từ lòng đam mê học võ từ nhỏ. Và cái nghiệp võ cũng đến một cách tình cờ, mà nói như HLV Lê Công thì đó như duyên trời định.

Thầy Công bồi hồi nhớ lại: “Hồi bé tôi nhỏ con lắm nhưng lại rất ham mê võ thuật. Nhà tôi ở Quảng Bình nên thường xuyên được học võ của bộ đội ra Bắc tập kết đi qua nhà. Năm 1972, khi tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị (Ái Tử), tôi tình cờ nhặt được cuốn sách có tên Suzucho Karatedo, đó là một bước ngoặt trong đời võ nghiệp của tôi.

Tôi đã mày mò, vừa học vừa luyện theo hướng dẫn của sách. Sau gần chục năm “tu luyện”, tôi bắt đầu mở lớp dạy võ tại nhà riêng. Thời gian đầu quả thật vất vả vì kỹ thuật còn thiếu. Tuy nhiên vừa dạy vừa học hỏi thêm tại trường Đại học Thể dục thể thao I.

Tốt nghiệp năm 1986, tôi tham gia huấn luyện cho Quân đội. Cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, karate bắt đầu phát triển cùng nhiều môn thể thao khác, những học trò của tôi từ Quân đội đã có những bước đầu thành công ở các giải đấu trong nước. Còn trên đội tuyển, cũng đã bao thế hệ qua bàn tay tôi huấn luyện và không ít đã thành danh”.

 

HLV Lê Công - Chỗ dựa tinh thần khi các VĐV vấp ngã.

 

Chất lính của người thầy dạy võ

HLV Lê Công sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha ông nguyên là Thứ trưởng Bộ giao thông công chính Lê Dung, nguyên Chủ tịch Đà Nẵng năm 1945 và là đại biểu Quốc hội khóa I, II, III. Mẹ của ông là người được Bác Hồ đặt tên - Lê Thị Lịch, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên, Trưởng ban công tác Đội Trung ương Đảng trong kháng chiến chống Pháp.

Cứ mỗi dịp 30/4, hay trước mỗi giải đấu lớn, cựu binh Lê Công lại làm một hành trình thăm lại chiến trường xưa, thăm đồng đội, cả những người còn sống và đã mất. Ông thắp hương trên nghĩa trang Trường Sơn, ghé vào Quảng Trị, lên đồi Đá Đẽo, chạy xuyên màn đêm trên đường mòn Hồ Chí Minh... Ông làm điều đó như để tĩnh lại tâm mình.

“Tôi chỉ mong có sức khỏe để mỗi năm lại có một chuyến đi như thế. Tôi luôn tự lái xe, đó là một thú vui bất tận…”, HLV Lê Công chia sẻ cảm xúc.Tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc và niềm biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã tạo nên một võ sư khí phách oai hùng, là thầy của hàng trăm nhà vô địch karate Việt Nam.

Kể từ khi karate thực sự trở thành môn thế mạnh của thể thao Việt Nam, HLV Lê Công luôn là người dẫn dắt các tuyển thủ đi so tài ở các giải đấu cả trong khu vực và quốc tế. Cho đến giờ, có người vẫn ở lại với nghề, có người theo đuổi con đường khác, nhưng không một ai thầy Công quên tên cả.

 Nào là những VĐV gạo cội như Phạm Hồng Thắm, Vũ Quốc Huy, Vũ Kim Anh, Nguyễn Trọng Bảo Ngọc, Hà Thị Kiều Trang, Phạm Trần Nguyên… đến những VĐV trẻ sau này như Vũ Nguyệt Ánh, Lê Bích Phương... Đỉnh cao trong sự nghiệp dẫn dắt của thầy là thành công ngoài mong đợi tại SEA Games 22 được tổ chức tại  sân nhà.

 

Biết bao thế hệ VĐV trẻ đã qua tay thầy Công.

 

Công việc của thầy Công ngày càng vất vả hơn, vừa huấn luyện đội tuyển vừa theo dõi các giải đấu trong nước để phát hiện, tuyển chọn thêm những gương mặt xuất sắc vào đội tuyển quốc gia. Cách đây vài năm, nhiều người bảo thầy ở cái tuổi 60 nên nghỉ ngơi cho lại sức, bị thầy mắng: “Đừng nghĩ già mà bảo kém, tôi vẫn có sức khoẻ tốt, tập luyện tốt, cảm xúc tốt thì không bao giờ nghỉ. Tôi chỉ nghỉ khi có người làm thay tốt hơn tôi”.

Thầy Công thường dậy từ 5 giờ sáng để tập quyền trước khi bước vào huấn luyện các học trò. “Mệt lắm nhưng cứ nghĩ đến những thành công của các trò tôi lại thấy hào hứng”, thầy Công chia sẻ. Đặc biệt, thầy không bao giờ có khái niệm nghỉ ốm, có thời kỳ 3 - 5 năm thầy không nghỉ ngày nào, trừ khi đi công tác.

Thầy Công luôn làm việc theo giáo án và có kế hoạch, luôn bám về nhiệm vụ của từng VĐV để huấn luyện riêng, vì thế mà các học trò dưới tay thầy tiến bộ rất nhanh. Ngoài tập luyện, thi đấu, thầy Công là con người đề cao tinh thần đoàn kết. Theo thầy, kỹ thuật chỉ quyết định được 50%, còn lại là tinh thần, sự thông minh và cả cái hồn trong nghề nghiệp. Cũng vì để tạo sự đoàn kết, khi còn làm HLV trưởng đội tuyển karate Việt Nam, thầy thường xuyên không về nhà mà ở lại cùng các học trò, lắng nghe xem họ cần gì, vướng mắc chỗ nào, không hài lòng với ai…

Học võ nhưng thầy Công lại là người rất coi trọng nét văn hoá trong mỗi VĐV, không chỉ là bằng cấp mà còn phải yêu nghề, nỗ lực học hỏi, giúp đỡ bạn bè và kính trọng với thầy cô.

Chất lính của thầy Công đã dạy cho các học trò về tính chiến đấu, sự hy sinh. Bởi thế, có ai biết được những Nguyệt Ánh, Bích Phương cắn răng mà thi đấu bởi chấn thương và giành chiến thắng rất vẻ vang. HLV Lê Công bảo: “Mỗi lần bước lên thảm đấu cũng như cầm súng ra trận. Mỗi chiến thắng cũng là lần đem vinh quang về cho Tổ quốc. Không phải cứ trực tiếp cầm súng mới có thể là người lính”.

 

Võ karate.

 

Người lính thời bình

Có được nhiều thành công nhưng HLV Lê Công vẫn luôn trăn trở với nghiệp. HLV cho biết, 30 năm trong nghề, ông đã chứng kiến bao nhiêu VĐV chỉ vì chấn thương mà nghỉ thi đấu, có người tàn tật suốt đời. Những VĐV này đã cống hiến sức lực của mình cho quốc gia. Họ cũng phải được coi như người lính thời bình.

Có lẽ ở làng võ Việt Nam, không ai có nhiều học trò như HLV Lê Công. 30 năm qua, ông một tay gây dựng phong trào karate trước khi đưa môn võ lên đỉnh cao như bây giờ. Cũng 30 năm ấy, có biết bao thế hệ VĐV đã qua tay thầy, tạo nên một thương hiệu karate Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Nhưng thầy Công cũng không thể theo đuổi công việc mãi được bởi quy luật của tuổi tác. Việt Nam có nhiều HLV trẻ, nắm bắt luật thi đấu nhanh nhạy, chịu khó học tập, cũng cần có đất để “diễn”.

Trở về với gia đình, thầy Công như một “bảo mẫu” chăm các cháu. Tận tụy với công việc khi còn là HLV trưởng, giờ thầy Công cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người ông.

 “Với tôi võ thuật được coi như nghệ thuật. Tôi truyền cảm hứng cho học trò của mình như vậy. Tôi yêu môn võ karate. Tôi dạy những gì cho học trò, giờ tôi dạy cho các cháu của mình”, HLV Lê Công chia sẻ.

 

Trở lại đội tuyển karate nếu được mời

Hiện HLV Lê Công đã nghỉ hưu, tuy nhiên đội tuyển karate vẫn rất cần một người thầy giàu tâm huyết, kinh nghiệm như thầy Công. Đặc biệt là ở Olympic 2020, lần đầu tiên karate được đưa vào chương trình thi đấu, nên HLV Lê Công càng có lý do để trở lại.

“Lửa nghề trong tôi vẫn bừng cháy và nếu được mời tôi sẽ trở lại, ít nhất là cố vấn cho đội ngũ HLV trẻ như hiện nay”, HLV Lê Công nói.

QUANG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh