Người lao động mong sớm được nhận tiền hỗ trợ thuê nhà
- Bài thuốc hay
- 15:25 - 06/04/2022
“Một mũi tên trúng hai đích”
Theo ghi nhận của phóng viên, sau Tết Nguyên đán, số công nhân quay lại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai làm việc với tỷ lệ khoảng 98%. Đa số các khu nhà trọ đều kín người ở, hoạt động sản xuất kinh doanh đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, do mới quay lại sản xuất nên tiền lương chưa ổn định, vì vậy nhiều người xin nợ 1/2 tháng tiền thuê trọ.
“Trong lúc khó khăn nghe tin được Chính phủ hỗ trợ tiền thuê nhà trọ ai cũng phấn khởi vui mừng. Đây là số tiền khá ý nghĩa đối với chúng tôi trong lúc khó khăn này”, chị Trần Thị Ngọc, công nhân may Công ty Xuân Quỳnh TP. Hồ Chí Minh nói.
Chia sẻ về gói hỗ trợ này, ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh nói, mức hỗ trợ tiền thuê nhà từ 500.000 - 1 triệu đồng/người/tháng của Chính phủ đối với NLĐ lúc này là rất thiết thực. Gói hỗ trợ vừa giúp NLĐ yên tâm làm việc, vừa giúp doanh nghiệp “giữ chân” lao động, phục hồi sản xuất.
Đánh giá về gói hỗ trợ trên, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn lao động LĐLĐ Việt Nam) cho biết: Việc hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho công nhân lao động trong lúc này không những giảm thiểu khó khăn cho NLĐ, mà còn là động lực để thu hút NLĐ trở lại làm việc ở doanh nghiệp, khắc phục tình trạng doanh nghiệp thiếu hụt lao động và giữ chân NLĐ. “Có thể nói, đây là chính sách rất tốt cho cả NLĐ và doanh nghiệp”, ông Quảng đánh giá.
Theo khảo sát, hiện nhiều công nhân lao động đang rất nôn nóng, mong sớm nhận được khoản hỗ trợ trên.
Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, Sở đang phối hợp cùng các đơn vị triển khai các phần việc liên quan để khi nhận được hướng dẫn từ Bộ LĐ-TB&XH, sẽ kịp thời chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà cho 1 triệu NLĐ trên địa bàn tỉnh.
Qua thống kê bước đầu, toàn tỉnh Bình Dương có 17.263 đơn vị với 911.206 NLĐ có tham gia BHXH và được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà lần này. Đó là chưa tính những lao động mới vào làm, chưa đóng bảo hiểm, nhưng đủ thời gian hợp đồng lao động để nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó, dựa vào danh sách đóng bảo hiểm, các cơ quan liên quan nhanh chóng rà soát được số lao động quay lại thị trường lao động để tiếp tục làm việc.
“Sở LĐ-TB&XH đã chuẩn bị một số bước cơ bản như làm việc với BHXH tỉnh để thống kê danh sách bước đầu. Làm việc với Sở Tài chính để nắm ngân sách, đồng thời thông báo đến các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp để rà soát danh sách từng lao động. Sở LĐ-TB&XH cũng đã soạn thảo những bước cơ bản về hỗ trợ trình UBND tỉnh thông qua. Khi có hướng dẫn chi tiết sẽ triển khai nhanh và đúng theo quy định để NLĐ sớm nhận được tiền hỗ trợ”, ông Lê Minh Quốc Cường thông tin.
Giám sát chi trả kịp thời cho người lao động
Mong muốn được đẩy nhanh tiến độ triển khai để NLĐ tiếp cận được chính sách trong thời gian sớm nhất, tuy nhiên, ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam băn khoăn về quy trình hoàn thiện hồ sơ để NLĐ nhận tiền hỗ trợ thuê nhà. Cụ thể, theo quy định, trên cơ sở đề nghị của NLĐ, người SDLĐ tổng hợp danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà và niêm yết công khai tại nơi làm việc ít nhất 3 ngày làm việc. Trường hợp có ý kiến phản ánh về đối tượng và điều kiện hỗ trợ, người SDLĐ tiến hành xác minh, bảo đảm đúng đối tượng và điều kiện hỗ trợ theo quy định trong vòng 2 ngày làm việc. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực với thông tin của NLĐ.
"Quy định này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện, nhất là đối với doanh nghiệp có đông lao động. Mặt khác, NLĐ ở trọ rải rác tại nhiều quận, huyện hay các tỉnh lân cận. Trong trường hợp này, chỉ nên yêu cầu NLĐ có giấy xác nhận tạm trú của cơ quan công an là đủ", ông Hải kiến nghị.
Liên quan đến thủ tục nhận hỗ trợ, ông Lê Đình Quảng lưu ý về thủ tục xác nhận từ chủ thuê trọ. “Nhiều trường hợp như chủ nhà trọ không phải ở địa bàn, lại giao cho người khác quản lý. NLĐ đến trực tiếp chủ nhà trọ để xin xác nhận cũng rất phiền hà. Bên cạnh đó, hầu hết chỉ 1 công nhân đứng ra thuê trọ, sau đó, họ "kéo" thêm 4 -5 lao động về ở chung, tâm lý nhiều chủ trọ ngại phải xác nhận nhiều, nên có thể gây khó khăn cho NLĐ”, ông Quảng nêu thực tế và đề xuất: "Vì chi trả hỗ trợ bằng tiền ngân sách, nên phải yêu cầu xác nhận từ phía chủ cho thuê trọ. Song, chúng ta cần có độ mở trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách".
Ông Quảng cũng cho biết thêm, theo đúng tinh thần của Nghị quyết, tổ chức công đoàn sẽ tăng cường tuyên truyền để NLĐ biết đến chính sách sẽ được thụ hưởng.
"Chúng tôi sợ nhất khi tiền hỗ trợ về doanh nghiệp nhưng họ có chi trả kịp thời cho NLĐ hay không. Để giám sát việc thực hiện chi trả này, đề nghị khi được UBND tỉnh phê duyệt, tiền hỗ trợ chuyển về doanh nghiệp thì nên thông báo cho tổ chức công đoàn và các tổ chức liên quan. Từ thông báo này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện giám sát chính sách”.
Thiếu tướng Nguyễn Bạch Đằng, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho hay, các địa phương tổ chức thực hiện cần đối chiếu dữ liệu đối tượng thụ hưởng chính sách với dữ liệu công dân để tránh việc trục lợi chính sách qua hưởng lợi nhiều nơi, nhiều lần.
Để đảm bảo chi đúng đối tượng, BHXH Việt Nam, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành… sẽ có sự phối hợp để đảm bảo chính sách nhanh nhất, thuận tiện nhất cho NLĐ.