THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:42

Người làm báo phải tự thay đổi để tồn tại

Ngày 14/11, Báo Lao động và Xã hội đã tổ chức tập huấn Bồi dưỡng kiến thức ngành và nâng cao nghiệp vụ báo chí, kỹ năng xử lý thông tin thời công nghệ 4.0 cho cán bộ, phóng viên báo chí ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và phóng viên một số cơ quan báo chí chuyên trách theo dõi bộ LĐ-TB&XH. Đây cũng là một trong những hoạt động phối hợp nhiều năm nay giữa Báo Lao động và Xã hội và Hội Nhà báo Việt Nam, nhằm góp phần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho nhà báo.

Tiến sĩ Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội; Quyền Tổng biên tập Báo Lao động và Xã hội Nguyễn Trung Chính, Phó Tổng biên tập Nguyễn Thu Hằng, lãnh đạo các đơn vị cùng tham dự.

Người làm báo phải tự thay đổi để tồn tại - Ảnh 1.

Quyền Tổng biên tập Báo Lao động và Xã hội Nguyễn Trung Chính phát biểu tại buổi tập huấn.

Phát biểu tại buổi tập huấn, Quyền Tổng biên tập Báo Lao động và Xã hội Nguyễn Trung Chính cho biết, trước thách thức của công nghệ số, sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ lẫn nhau giữa các cơ quan báo chí, báo chí và mạng xã hội đòi hỏi Báo Lao động và Xã hội thường xuyên tổ chức những lớp sinh hoạt chuyên đề, tập huấn cho cán bộ, phóng viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng xu thế toàn cầu hóa trên cơ sở vẫn đảm bảo tốt nhiệm vụ là tờ báo của ngành lao động, nhưng vẫn đảm bảo tính thời sự của các vấn đề kinh tế - xã hội, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. 

"Do đó, Báo Lao động và Xã hội phải tìm cho mình môt con đường riêng, rất đặc trưng để phát huy hết những thế mạnh cũng như thu hút độc giả, đồng thời phải tận dụng được cơ hội và có giải pháp giải quyết những vấn đề đặt ra, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển", ông Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh.

Tại buổi tập huấn, Tiến sĩ Trần Bá Dung đã truyền đạt cho cán bộ, phóng viên Báo Lao động và Xã hội những kinh nghiệm làm báo của một số nhà báo nổi tiếng quốc tế, một số xu hướng làm báo hiện đại, xu hướng, dòng chảy chính của công nghệ. 

Đây đều là dòng chảy của báo chí hiện đại mà người làm báo buộc phải tiếp cận, học hỏi, ứng dụng để tồn tại và phát triển trong thời kỳ công nghệ số. Nó tác động mạnh mẽ vào tất cả các yếu tố căn bản của nền báo chí truyền thông từng quốc gia, gồm: Nhà sản xuất, sản phẩm báo chí truyền thông và các nhóm công chúng.

Người làm báo phải tự thay đổi để tồn tại - Ảnh 2.

Tiến sĩ Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam thuyết giảng về nghiệp vụ báo chí.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 buộc các cơ quan báo chí phải thay đổi chiến lược, đưa ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của độc giả.

"Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức vô cùng lớn, đòi hỏi người làm báo phải không ngừng học tập, trao dồi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp nhằm đưa đến cho độc giả những sản phẩm báo chí toàn cầu, hoàn toàn mới, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới", Tiến sĩ Trần Bá Dung nhấn mạnh.

Người làm báo phải tự thay đổi để tồn tại - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội đã chia sẻ những thông tin rất bổ ích cho những người làm báo về công tác phòng chống tệ nạn xã hội.

Tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội đã chia sẻ về một số thông tin rất bổ ích cho những người làm báo về công tác phòng chống tệ nạn xã hội, cũng như những bật cập trong thực hiện các chính sách đến thực thi trong thực tế, đặc biệt là trong công tác cai nghiện hiện nay rất phức tạp, tình hình người nghiện mua bán, sử dụng chất ma túy ngày càng gia tăng.

Một số bất cập trong các văn bản pháp luật về quản lý sau cai tại cơ sở và cộng đồng, quản lý người nghiện có nơi cư trú và không có nơi cư trú, công tác đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện… chưa đồng bộ, khiến cho công tác quản lý, cai nghiện gặp rất nhiều khó khăn.

Người làm báo phải tự thay đổi để tồn tại - Ảnh 4.

Về công tác phòng chống mại dâm, ông Nguyễn Xuân Lập cho hay, cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống mại dâm trên cơ sở tôn trọng quyền con người, tăng cường trợ giúp xã hội, giúp người bán dâm tiếp cận các dịch vụ, hòa nhập cộng đồng.

Trong công tác phòng chống buôn bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bên cạnh sự thiếu hiểu biết của người lao động trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người, ông Lập cũng nhấn mạnh về vai trò, trách nhiệm của nhiều địa phương khi không quản lý tốt con người. 

Trong chiều cùng ngày, các đại biểu được ông Nguyễn Tri Thức, Trưởng ban Hồ sơ sự kiện (Tạp chí Cộng sản) thuyết giảng với nội dung "Kỹ năng tác nghiệp báo chí trong thời đại 4.0".

Người làm báo phải tự thay đổi để tồn tại - Ảnh 6.

Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức, Trưởng ban Hồ sơ sự kiện (Tạp chí Cộng sản) thuyết giảng với nội dung "Kỹ năng tác nghiệp báo chí trong thời đại 4.0"

Chia sẻ với các nhà  báo, phóng viên, biên tập viên tại lớp tập huấn, ông Nguyễn Trí Thức nhấn mạnh: Muốn trở thành một người làm báo giỏi, người làm báo phải không ngừng trau dồi các kinh nghiệm làm báo, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và phản ứng nhanh.

"Đừng bao giờ xem nhẹ bất cứ một kỹ năng nghiệp vụ nào mà bạn nghĩ là “đã lỗi thời”, kể cả là kỹ năng tốc ký, không ai biết được lúc nào đó bạn sẽ phải cần đến nó. Bên cạnh đó, độ nhạy với tin tức, đề tài không phải là thứ “bỗng dưng mà có”, càng không phải “năng khiếu bẩm sinh”, nó là kỹ năng có được do kinh nghiệm và rèn luyện"

Theo ông Thức, người làm báo điện tử, về cơ bản, vẫn là làm báo, nó dễ hơn mà lại khó hơn làm báo giấy trước kia vì nó tuy có tính cơ động, dễ dàng đính chính nhưng lại đòi hỏi tin tức phải nhanh hơn và chính xác hơn nếu không sẽ sớm bị độc giả tẩy chay.

CHU LƯƠNG - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh