Người lạ trong nhà: Nỗi cô đơn của người phụ nữ thời hiện đại
- Văn hóa - Giải trí
- 13:51 - 07/10/2017
Cuốn sách “Người lạ trong nhà” đoạt giải Goncout năm 2016.
Nhu cầu được sống cho bản thân luôn là nỗi trăn trở của những người phụ nữ đã lập gia đình. Bởi ngoài công việc và các mối quan hệ xã hội là những lo toan vun vén cho gia đình chồng con, những điều khiến bất cứ người vợ, người mẹ nào cũng từng một lần cần đến bàn tay “người lạ”, một người chẳng hề quen thân nhưng lại phải tin tưởng. Hiểu được điều đó, Leila Slimani với nỗi đồng cảm chân thành và ngòi bút tinh tế đậm chất phụ nữ, “Người lạ trong nhà” phản ánh hết sức sâu sắc và tinh tế cuộc sống hiện đại của những cặp vợ chồng trẻ thị dân, không chỉ ở Pháp mà còn rất gần gũi với bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Câu chuyện bắt đầu bằng một cảnh tượng không thể kinh hoàng hơn: một bé trai hai tuổi đã chết, một bé gái bốn tuổi đang hấp hối và người vú em trông giữ hai đứa trẻ – kẻ gây ra tội ác khủng khiếp này – cũng vừa tự kết liễu đời mình.
Cuốn tiểu thuyết mở ra bằng một cái kết, nhưng mọi chuyện lại không chấm dứt ở đó, quá khứ đã qua và hiện tại vừa thành quá khứ chỉ mở màn cho một bi kịch không hồi kết, dai dẳng hơn, ám ảnh hơn, một bi kịch của cuộc sống hiện đại có thể liên quan đến bất kỳ ai trong chúng ta.
Lấy cảm hứng từ một vụ sát hại trẻ em có thật tại một khu phố nổi tiếng giàu có của New York năm 2012, Leila Slimani sử dụng văn phong sắc gọn, chính xác và những quan sát chi tiết, tinh tế, đã bắt được ra căn bệnh của xã hội hiện đại: Làm sao để có thể vừa phát triển sự nghiệp vừa nuôi dạy con cái? Làm sao để dung hòa lòng tốt với cảm giác thống trị vốn luôn tồn tại trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động mà cụ thể ở đây là một cặp vợ chồng trẻ thị dân và người giúp việc? Làm sao để sống trong xã hội lúc nào cũng vội vã này mà không phụ thuộc quá nhiều vào những người lạ, những người ta chưa kịp hiểu hết, những người ta buộc phải chấp nhận sự hiện diện của họ ngay trong gia đình chỉ để đổi thêm một chút tự do và thời gian cho bản thân?
Tác giả, nữ văn sĩ 36 tuổi người Pháp gốc Marốc Leila Slimani.
Theo PGS. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội), thường những cuốn sách được giải Goncout rất khó đọc và kén độc giả nhưng “Người lạ trong nhà” là trường hợp đặc biệt, đã bán rất chạy trên thế giới bởi chính vấn đề xã hội được đề cập. “Tác phẩm này nói về nỗi cô đơn của người phụ nữ. Nữ nhân vật chính Myriam sau khi sinh đứa con thứ hai thì việc nội trợ, chăm sóc con đã khiến cô cảm thấy buồn chán, cô đơn nên khao khát đi làm trở lại và khẳng định vị trí trong xã hội.
Người vú em Louise là một người tử tế, tốt bụng nhưng có một cuộc sống phức tạp và luôn thiếu tình yêu thương. Cô lấy cuộc sống của gia đình người chủ làm cuộc sống của mình, hết tâm, hết lòng nhưng rồi luôn vẫn cảm thấy cô đơn và thất vọng vì không được họ đón nhận là “người trong nhà” một cách thực lòng. Nỗi cô đơn đã nảy sinh bi kịch. Tác phẩm khiến tôi nhớ đến câu chuyện bi thảm xảy ra cách đây vài tháng về một người mẹ giết chết đứa con sơ sinh của mình ở Việt Nam. Tất cả những người phụ nữ ấy dường như đã không được ai lắng nghe, chia sẻ nỗi cô đơn của họ. Câu chuyện là hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta quan tâm đến nhau hơn, quan tâm đến phần người của nhau, để những người sống cạnh và chia sẻ những bữa cơm với mình không cảm thấy đau khổ vì cô đơn”, bà Ánh cho biết.
Buổi tọa đàm ra mắt sách “Người lạ trong nhà” tại L’Espace – Hà Nội.
Leila Slimani từng chia sẻ với tờ báo Elle: “Ngay cả con cái cũng không giúp được ta khỏa lấp cô đơn. Tôi rất sốc khi nhận ra điều đó. Vả lại, kể từ lúc thành mẹ, ta sẽ chẳng bao giờ còn được hoàn thiện nữa. Lúc nào ta cũng cảm thấy mình không trọn vẹn và không bao giờ ở đúng vị trí”.
Là một nhà nghiên cứu văn học, giáo viên môn văn (trường THPT Chu Văn An) Nguyễn Thanh Nguyệt phân tích: “Cấu trúc trinh thám bị phá vỡ bởi hung thủ và quá trình gây án đã xuất hiện ngay những trang đầu. Trong quá trình tìm hung thủ, các nhân chứng có mối liên hệ với Luise xuất hiện với sự tổn thương riêng, mở ra nhiều nhân diện mà mỗi chúng ta có thể tìm thấy mình trong đó. Leila rất quan tâm đến phụ nữ, đặt góc nhìn tinh tế và cảm thông với người lao động; lối viết gần với ký sự cùng nhiều lớp lang đời sống; câu văn nhẹ nhàng, bình thản, nhịp điệu đầy nữ tính, đậm chất thơ, nuôi nâng và dung dưỡng nữ tính từ các nữ nhân vật”.