THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:00

Nét độc đáo trong Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ

 

Trước đây, lễ hội này được kéo dài từ 7- 10 ngày, người dân phum sóc thường cùng nhau đến ngôi chùa Khmer gần nhà để vui chơi, giải trí. Những năm gần đây, Tết này được kéo dài khoảng 3 ngày vào thời điểm giữa tháng 4 dương lịch hằng năm và được tổ chức ở mọi nhà, nơi  người Khmer sinh sống. Cũng giống như Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, người dân phum sóc cũng chuẩn bị mọi thứ, gói bánh, trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị đón mùa Chôl Chnăm Thmây một cách sung túc nhất.

Tháng 4 là lúc người Khmer ở Nam Bộ đã gặt hái xong, bà con thảnh thơi, nghỉ ngơi sau những ngày lao động vất vả. Đây là thời điểm giao mùa, là lúc mùa khô vừa dứt và chuyển sang mùa mưa. Những cơn mưa đầu mùa làm cho cây cối xanh tươi, thiên nhiên trỗi dậy một sức sống mới. Tuy nhiên năm nay, đất đai đang phải chịu hạn hán kéo dài, làm ảnh hưởng phần nào đến không khí Tết của bà con. Nhưng dù thời tiết ra sao thì vào những ngày lễ chính, không khí nhộn nhịp bao trùm phum sóc làm cho đồng bào cảm thấy vui hơn, ấm áp hơn.

 Năm nay, Tết cổ truyền của đồng bào Khmer Nam Bộ được tổ chức trong 3 ngày 13,14,15 tháng 4 Dương lịch. Mỗi một ngày sẽ có ý nghĩa riêng tạo nên những nét sinh hoạt độc đáo trong ngày Tết của đồng bào.

Ngày thứ nhất (tức ngày 13/4) là ngày Đại lịch, gọi là “Maha Songkran”, đây là ngày mọi người đến chùa dâng hương, cúng tế tổ tiên. Vào dịp này, người Khmer sẽ dùng nước thơm để rửa mặt buổi sáng, tắm rửa thân thể vào buổi chiều và rửa chân vào buổi tối. Một số chùa Khmer còn tổ chức lễ rước Đại lịch thành đoàn rước từ chùa đến cuối xóm, rồi trở lại chùa. Tùy năm, lễ này được tổ chức buổi sáng hoặc buổi chiều, nếu tổ chức vào buổi sáng thì có sự tham gia của các vị sư sãi. Các vị sư mang theo bình bát để đựng cơm và thức ăn của tín đồ cúng dường. Đoàn rước đi một đoạn thì dừng lại để người dân dâng thức ăn. Đoàn rước về đến chùa, sư cả trịnh trọng tiếp nhận quyển Đại lịch, đặt lên bàn thờ Phật. Đoàn người vào chùa, cúng dường và dâng thức ăn cho sư sãi. Ý nghĩa lễ rước Đại lịch của người Khmer cũng tương tự như ý nghĩa lễ đón giao thừa trong Tết Nguyên Đán của người Việt. Những nghi lễ này đều nhằm mục đích tống tiễn những điều xui xẻo trong năm cũ và chào đón những điều mới mẻ, may mắn trong năm mới.

 Ngày thứ hai (tức ngày 14/4) là lễ dâng cơm, người Khmer gọi là “Virak Wanabat”, đây là ngày mọi người sẽ làm từ thiện cho những người bất hạnh hay những hoàn cảnh neo đơn, khó khăn, túng thiếu. Ngày thường, các vị sư sãi mang bình bát đi vào các phum sóc người Khmer khất thực vào các buổi sáng trong ngày. Dịp lễ Chôl Chnăm Thmây, gần như tất cả người Khmer trong phum sóc đều tập trung lên chùa dâng cơm lên các vị sư sãi. Thức ăn được bày ra, xếp thành hàng dài ở giữa bậc cao, trước bàn thờ Phật, hai bên có khoảng trống là lối đi lên bàn thờ và cũng là chỗ ngồi cho các vị sư sãi tụng kinh. Lễ dâng cơm cho các vị sư sãi là một nghi lễ rất quan trọng, thể hiện nét văn hóa truyền thống của người Khmer Nam Bộ. Đó không chỉ là tấm lòng của tín đồ đối với các vị sư sãi mà còn thể hiện tấm lòng của người còn sống đối với ông bà, tổ tiên đã qua đời, đối với thần linh và cả những linh hồn thiếu đói. Cho nên, dù bận bịu trăm công nghìn việc, dù nghèo khó cơ hàn, người Khmer cũng tìm mọi cách để chuẩn bị đầy đủ thức ăn, cơm canh, bánh trái mang đến chùa trong những ngày Chôl Chnăm Thmây. 

 Ngày cuối cùng trong Tết cổ truyền của đồng bào Khmer Nam Bộ là tục Đắp núi cát, gọi là“Anisâng Pun Phnôm Khsách”. Việc đắp núi cát ở chùa đối với người Khmer trong ngày lễ Chôl Chnăm Thmây nhằm thể hiện công sức, lòng thành của người tham gia đắp. Trước đây, cát dùng để đắp núi được người Khmer giữa trưa nắng lặn lội xuống sông hoặc ra ngoài đồng gánh về đổ trong sân chùa. Việc đắp núi cát còn thể hiện ước mơ, mong cầu cho năm mới trở nên giàu có, của cải chất cao như núi. Ngoài ra, theo quan niệm của Phật giáo Tiểu thừa, việc đắp núi cát còn nhằm tích góp công đức, đắp mỗi hạt cát là có thể rửa được một tội lỗi đã gây ra trong suốt một năm qua.

Lễ Chôl Chnăm Thmây hay còn gọi là Tết cổ truyền của người Khmer được tổ chức với những nghi lễ, những nét sinh hoạt, trò chơi khác nhau nhưng đều đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khmer. Lễ hội này là nguồn cảm hứng, là động lực chủ yếu thúc giục người Khmer sinh sống và làm việc hiệu quả hơn tạo nên nét đẹp văn hóa của đồng bào phum sóc. Người Khmer vẫn giữ nguyên mọi phong tục cổ truyền và "tuân thủ" đầy đủ trong niềm hân hoan của những hy vọng cho một cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu chứ không bị biến tấu kiểu "đồ ăn nhanh" như ngày Tết Nguyên đán hiện nay.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh