THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:02

Người hùng mang ngàn gương mặt

"Người hùng mang ngàn gương mặt" (1949) là công trình độc lập đầu tiên khởi đầu cho sự nghiệp cả một đời nghiên cứu thần thoại của Joseph Campbell. Tựa như một bản khảo sát xuyên qua các hệ thần thoại Đông Tây kim cổ, từ quen thuộc như Hy La Ấn Độ cho đến các bộ lạc da đỏ châu Mỹ, thổ dân châu Phi, Trung Quốc và Nhật Bản…, và so sánh với cả phân tâm học, cuốn sách xoay quanh luận điểm do Campbell đề ra: Mọi hệ thần thoại trên thế giới đều kể một câu chuyện duy nhất, là câu chuyện của người hùng, từ thế giới ngày thường, đi vào thế giới siêu nhiên, chạm trán những lực lượng thần kỳ, mang về ân huệ cho xứ sở mình. Và trên con đường ấy là hai ngưỡng chứa đầy nguy hiểm: ngưỡng để bước vào thế giới siêu nhiên, và ngưỡng quay về; canh giữ ngưỡng là những rắn rồng đáng sợ mà người hùng sẽ chỉ tỏ rõ sự xứng đáng của mình nếu vượt qua được chúng.

Cuốn sách dẫn dắt người đọc đi trên cuộc phiêu lưu qua mọi miền thần thoại Đông Tây kim cổ, khám phá những biểu tượng ngầm nâng đỡ các cộng đồng, cả thế giới, từng con người, bằng một lối văn đầy chất thơ và những nhận định sắc bén nhưng lại rất nhân văn và thấp thoáng nét hài hước.

Bên cạnh đó, Campbell không chỉ coi đây là câu chuyện sách vở mà còn lồng ghép vào đời sống của từng cá nhân, đối với ông, từng cá nhân đều là người hùng trong cuộc sống của chính mình, và tìm hiểu lại thần thoại chính là cách tốt nhất để từng người hiểu được vị trí của mình trong cuộc sống cũng như tìm đường đi trong những thời điểm khó khăn.

Hoàn toàn có thể thưởng thức "Người hùng mang ngàn gương mặt" như một cuốn sách vỡ lòng về nhiều nền thần thoại trên thế giới, qua cách kể hấp dẫn hóm hỉnh của Campbell. Ban đầu, nó vốn là một cuốn "dạy cách đọc thần thoại cho đại chúng", xuất phát từ những bài giảng cho sinh viên, nó khá giống một cuốn khoa học - triết học thường thức. Về sau, vì sách có những phần tập trung vào luận điểm "mỗi cá nhân đều là người hùng trong cuộc sống", rất nhiều người đã đọc nó như một cuốn sách truyền cảm hứng.

Một điểm thú vị nữa là công thức thần thoại người hùng của Campbell đã trở thành một công thức ưa chuộng của các nhà làm phim Hollywood để tạo ra một cốt truyện kịch tính, và đã được truyền bá rất nhiều trong các lớp dạy biên kịch, sáng tác, các website điểm sách, điểm phim (dưới dạng giản lược). Chính vì thế, "Người hùng mang ngàn gương mặt" không chỉ nhanh chóng trở thành cuốn sách yêu thích của sinh viên các chuyên ngành liên quan, mà còn gợi cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn hóa đại chúng rất khác nhau như "Chiến tranh giữa các vì sao", "Đồi thỏ", "Vua sư tử"…, cả nhân vật Robert Langdon của Dan Brown cũng lấy cảm hứng từ cuốn sách này. Một chuyên gia ở Hollywood là Christopher Vogler đã dựa vào "Người hùng mang ngàn gương mặt" để viết cuốn "The Writer's Journey", tựa như sổ tay hướng dẫn viết kịch bản cho Hollywood.

"Người hùng mang ngàn khuôn mặt" đã mở đầu cho một loạt công trình - khảo cứu, biên tập, biên soạn, tiểu luận, du ký, bài giảng và cả sáng tác văn chương, một phần lớn xuất bản sau khi ông đã qua đời và vẫn còn một lượng di cảo lớn đang chờ biên tập bởi tay những bạn bè, học trò, nhà nghiên cứu tại Quỹ Joseph Campbell. Theo thông tin của Quỹ, cho tới nay cuốn sách đã bán được hơn 1 triệu bản và xuất bản qua hơn 20 thứ tiếng - một con số ấn tượng cho một cuốn sách thoạt nhìn sẽ bị xếp vào loại sách nghiên cứu khô khan - và có mặt trong danh sách 100 cuốn sách phi hư cấu tiếng Anh có sức ảnh hưởng nhất kể từ 1923 do tạp chí Time bầu chọn.

Người hùng mang ngàn gương mặt - Ảnh 1.

Đã hơn 70 năm trôi qua kể từ khi "Người hùng mang ngàn khuôn mặt" ra đời (1949), và cuốn sách vẫn liên tục có những người đọc mới. Những người đọc ấy, hoặc là sinh viên đang tìm đọc một cuốn sách giáo khoa không ngớt được viện dẫn trong một chương trình văn học, triết học hay văn hóa học, hoặc là những fan của văn học đại chúng, muốn tìm hiểu sâu hơn về tư tưởng đã giúp cấu thành cốt truyện của một bộ phim nào đó.

Tác giả Joseph Campbell sinh năm 1904 tại New York, Mỹ. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Văn chương Anh và thạc sĩ về văn học trung đại ở Đại học Columbia, ông tới châu Âu học các thứ tiếng cổ, trong đó có tiếng Phạn. Trở về New York, ông dành năm năm đọc sách trước khi nhận chân giảng viên Văn chương tại trường nữ học Sarah Lawrence, những bài giảng về thần thoại ở đây là cơ sở hình thành "Người hùng mang ngàn gương mặt" (1949).

Thời thơ ấu, Campbell chịu ảnh hưởng của thần thoại Ireland, thần thoại da đỏ Mỹ, truyền thuyết về cao bồi Viễn Tây Mỹ, thần thoại Công giáo, thần thoại Hy-La, truyện cổ Celtic về thời vua Arthur. Lớn lên, ông tiếp tục nghiên cứu thần thoại Ấn, dành nửa năm ở Nhật Bản tìm hiểu Thần đạo, đam mê James Joyce và chủ nghĩa hiện đại trong văn học, biên tập sách của Freud và Jung. Tất cả những nguồn ảnh hưởng khác nhau này đều đã để lại dấu ấn trong "Người hùng mang ngàn gương mặt" và những công trình về sau.

Campbell mất 5 năm để viết cuốn này, khi ông nộp bản thảo, biên tập viên ký hợp đồng với ông đã nghỉ việc, nhà xuất bản từ chối in. Sau một thời gian đi tìm bản thảo mới, cuốn sách đã được in trong tủ sách danh giá The Bollingen Series về phân tâm học và thần thoại.

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh