Người Hàn Quốc lũ lượt đi trải nghiệm cuộc sống của "thế giới bên kia"
- Y học 360
- 22:17 - 26/12/2015
Một buổi “trải nghiệm cái chết” ở Hàn Quốc
Như được tái sinh
Trong căn phòng tối om ở Thủ đô Seoul, những người tham gia mặc tấm vải liệm màu trắng ngồi cạnh hàng chục chiếc quan tài. Họ viết di chúc rồi bước vào trong quan tài, nằm xuống và một người đàn ông mặc chiếc áo choàng đen, đội chiếc mũ truyền thống tượng trưng cho “thần chết” đóng sập từng nắp quan tài. Quá trình “chết” kéo dài 10 phút, sau đó nắp quan tài sẽ được mở ra. “Tôi cảm thấy có gì đó bí ẩn khi bước vào quan tài. Tôi nghĩ mình như được tái sinh”, ông Kwon Dae-jung, 43 tuổi chia sẻ. Ông cho biết từ nay sẽ “trân trọng cuộc sống, đối xử tốt với gia đình, Vợ và các con”.
Đây là chương trình “trải nghiệm cái chết” do Trung tâm chữa bệnh Hyowon thuộc một công ty tang lễ tổ chức, với mục đích giúp những người thêm trân trọng cuộc sống của họ. Trong số những người tham gia có cả thanh thiếu niên, những người đang phải vật lộn để đối phó với áp lực thi cử trong hệ thống giáo dục cạnh tranh cao của Hàn Quốc và những người cao tuổi lo sợ trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình họ. Nhiều người nói rằng, họ tới đây vì muốn giải tỏa những căng thẳng của cuộc sống hiện đại. Ông Wang Yong-yo, 67 tuổi cho biết, ông tìm đến chương trình vì đang ở “thời điểm khó khăn trong cuộc sống”. “Chương trình giúp tôi lấy lại sự tự tin trong cuộc sống với niềm hy vọng mới”, ông Wang nói với giọng run run vì xúc động.
Nhiều công ty tại xứ sở Kim chi cũng áp dụng liệu pháp đặc biệt này cho nhân viên để giúp họ giảm bớt áp lực trong công việc. Theo đó, các nhân viên được yêu cầu viết lá thư cuối cùng cho người thân yêu trước khi bước vào trong quan tài. Đám tang cũng được tổ chức y như thật. Trong bóng tối, mỗi người sẽ dành thời gian để suy nghĩ về ý nghĩa của sự tồn tại. Trước khi nắp quan tài đóng xuống, “người chết” sẽ được xem hình ảnh của những bệnh nhân ung thư từng ngày chiến đấu với tử thần để giành giật sự sống, từ đó giúp họ nhận ra rằng, cuộc sống của họ còn tốt đẹp hơn nhiều, nên biết chấp nhận thực tại và tìm cách đương đầu với nó.
“Tôi nghĩ, nằm trong quan tài sẽ là một trải nghiệm gây sốc để họ có thái độ làm việc mới tích cực hơn, một cái nhìn mới về cuộc sống”, ông Park Chun-woong, chủ tịch một công ty phát triển nguồn nhân lực ở Seoul nói với BBC. Trong khi đó, sau lần “trải nghiệm thế giới bên kia”, một nhân viên tên Cho Yong-tae cho biết: “Tôi nhận ra mình nên thay đổi cách sống trong tương lai. Tôi hy vọng mình sẽ có đam mê hơn trong mọi công việc và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình”.
Áp lực và tỷ lệ tự tử cao
Xu hướng “trải nghiệm cái chết” đang gia tăng tại Hàn Quốc, một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Sự phát triển nhanh chóng của quốc gia Đông Á này, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đã tạo áp lực lên người dân trong nước bởi họ phải nỗ lực hết sức để thành công trên con đường học vấn, sau đó chứng minh lòng trung thành với công ty mà họ được tuyển dụng. Theo Hiệp hội tâm thần học Hàn Quốc, 1/4 lao động nước này cảm thấy bị áp lực cao trong công việc.
Một cuộc khảo sát được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố trong năm nay cho thấy, cứ 100.000 người Hàn Quốc thì trung bình 29,1 người chọn cách “tự kết liễu đời mình” vào năm 2012, cao hơn khoảng 2,5 lần so với mức trung bình của OECD. Kể từ năm 2003, Hàn Quốc đứng đầu về số người tự tử hằng năm trong các nước OECD, với tỷ lệ đạt đỉnh vào năm 2009 là 33,8/100.000 người. Theo thống kê của Hàn Quốc, tự tử là nguyên nhân hàng đầu ở những người chết trẻ độ tuổi từ 10-39. Mỗi ngày có khoảng 40 người tại nước này tự tử. Chính vì vậy, việc ngăn chặn tình trạng này đang trở thành vấn đề cấp bách tại Hàn Quốc.