THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:32

Người Hà Thành trên cao nguyên Lâm Đồng

Những nét đẹp văn hóa của Hà Nội ngàn năm cũng được ươm mầm, đơm hoa kết trái và hòa quyện chung với dòng chảy văn hóa của cộng đồng dân tộc bản địa nơi đây.

Có một Hà Nội nhỏ

Ven những con đường đất đỏ ở Lâm Hà nhiều xóm làng đều mang tên những địa danh quen thuộc của Thủ đô Hà Nội như Trưng Vương, Bạch Đằng,  Ba Đình, Đống Đa… Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng đang đổi thay từng ngày. Cũng từ đấy, nghề trồng rau và hoa của Hà Nội cũng nảy nở và phát triển mạnh mẽ.

Hơn 40 năm sau khi những người Hà Nội đầu tiên định cư tại Lâm Đồng, từ bạt ngàn lau sậy, bộ bề khó khăn, họ đã góp phần xây dựng nên sự trù phú của cao nguyên Lâm Viên này. Ông Vũ Mộng Lân (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) lục lại ký ức kể: “Tôi đến Lâm Hà đợt đầu gồm 9 hộ gia đình và 108 đoàn viên. Lúc mới đến, nơi đây núi rừng hoang vu, heo hút lắm, đường xá nhỏ hẹp. Chưa kể đây còn là căn cứ của bọn phản động Phulro và là vùng kinh tế mới xa xôi, nên trở thành nơi hội tụ của nhiều đối tượng có lệnh truy nã. Có lúc đã trở thành điểm nóng về an ninh trật tự của tỉnh Lâm Đồng”. Thế nhưng, vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, người dân gốc Hà Thành đã lao động cần cù trên quê hương mới và biến những triền đồi núi hoang vu thành những vườn cà phê bạt ngàn xanh tốt.

             Từng con hẻm heo hút đã khang trang 

Sau hơn 11 năm khai hoang, vỡ đất, đến ngày 28/10/1987 huyện Lâm Hà chính thức được thành lập. Cái tên gọi đầy ý nghĩa và thiêng liêng này được ghép lại từ hai cái tên Hà Nội và Lâm Đồng. Bằng lối sống giản dị, khiêm nhường, lối ứng xử, giao tiếp ân tình, mộc mạc, chia sẻ từng hạt muối, nắm cơm, gùi bắp, đến cách nghĩ, cách làm với đồng bào dân tộc bản địa, những người Hà Nội đã nhanh chóng cắm rễ ở vùng cao nguyên đất đỏ.

Cốt cách của người Hà Thành đã thật sự tỏa sáng và hòa vào dòng chảy của nền văn hóa dân tộc bản địa nơi đây đã góp phần tạo nên sự đoàn kết gắn bó khăn khít, bền chặt trong cộng đồng. Đó là nền tảng vững chắc để kiến thiết nên cuộc sống ngày càng giàu đẹp. “Thi đua làm giàu cũng là yêu nước”, khẩu hiệu này in sâu trong tâm tưởng của từng người dân Hà Nội đi làm kinh tế mới. Thế là chẳng mấy chốc Lâm Hà có sức hút mạnh mẽ đối với nhiều người dân các tỉnh đến sinh sống lập nghiệp. Từ vùng đất hoang vu đến năm 2017 này, đã có hàng trăm héc ta cà phê và hoa màu khác. Thu nhập bình quân trên 40 triệu đồng/người/năm. Hầu hết những người đến đây lập nghiệp đều mang theo hoài bão làm giàu trên vùng đất mới, nay lại gặp điều kiện thuận lợi nên đã phát huy được tài năng, trí tuệ, tính cần mẫn.

 Gìn giữ những nét đẹp

 

             Những cánh đồng hoa mang tên; Ngọc Hà, Nghi Tàm...

Vào vùng đất mới, những người Hà Thành xác định bảo tồn, giữ gìn văn hóa bằng những hành động cụ thể. Hàng năm, ở Lâm Hà diễn ra hàng chục lễ hội văn hóa như: Hà Nội trên cao nguyên, Ngày hội mở đất, Bừng sáng văn hóa Thăng Long… Cứ vài năm một lần, người Lâm Hà lại xuất bản một tuyển tập văn hóa, thơ ca như: “Lâm Hà nỗi nhớ”, "Những người đi mở đất”, "Thủ đô giữa cao nguyên”…

Tiến sĩ văn hóa Nguyễn Huy Long (ĐH Tây Nguyên) khẳng định: “Chính sự sống động này sẽ giúp nền văn hóa Nam Tây Nguyên này giàu có hơn, giá trị hơn, lâu bền và sâu lắng hơn trước sự ồn ào nhanh vội của quá trình đô thị hóa”. 

Anh Nguyễn Chung, cán bộ văn hóa thị trấn Nam Ban cho biết, về kinh tế, Nam Ban là vùng trọng điểm thứ hai của huyện Lâm Hà sau thị trấn Đinh Văn. Đặc biệt, những người Hà Nội đến đây lập nghiệp đều gắn bó với mảnh đất này và xem đây là quê hương thứ hai của mình. Họ mang tất cả nét hào hoa, các phong tục văn hóa của người Hà Nội theo. Nên dù tất bật làm kinh tế nhưng họ vẫn giữ những nét đẹp văn hóa như một phần cuộc sống. Hiếm có mảnh đất nào như Lâm Hà, người dân ban ngày lên rẫy, tối về lại nô nức làm thơ, bàn chuyện bảo tồn văn hóa, nếp sống… Nét đẹp này dần lan truyền và ngấm vào máu cả những người dân Lâm Đồng. 

Ông Phan Hữu Giản, Phó trưởng ban xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, nguyên Bí thư Huyện ủy Lâm Hà cho rằng, những người Hà Nội có mặt trên đất Lâm Đồng hôm nay không chỉ tạo nên thành công về kinh tế mà còn góp phần tạo nên sự đoàn kết và ổn định về mặt chính trị trên địa bàn tỉnh. Nông dân – nhà thơ Kiều Công Luận kể rằng: “Khó khăn ban đầu thì khỏi phải nói. Nhưng nay cuộc sống đã ổn định. Gia đình ai cũng khấm khá rồi. Đặc trưng ở đây là trong khó khăn hay đã vượt qua khó khăn thì người dân vẫn mặn nồng với văn hóa. Lâm Hà có hàng ngàn nông dân làm thơ và nghiên cứu, sưu tầm văn hóa”. Cũng vì cái vốn hào hoa của Hà Thành mang theo mà đến nay nông dân Kiều Công Luận đã xuất bản gần chục tập thơ và người như anh không hiếm ở Lâm Hà. Một người thuộc dạng làm ăn cần mẫn, tích cực tham các hoạt động từ thiện xã hội nhưng vẫn giữ được niềm đam mê văn hóa như người Hà Nội ở Lâm Hà này phải kể đến Vũ Bá Chữ. Có lúc ông kiêm 4 chức: Chủ nhiệm CLB văn hóa - thơ ca, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, Hội Từ thiện. Tiền trợ cấp chẳng đủ đổ xăng xe nhưng ông vẫn cần mẫn vì theo ông đó là đức tính và tấm lòng của người Hà Nội có từ xa xưa cần phải giữ gìn. Nhớ mãi cái đêm ông kéo tôi về nhà bắt thức thâu đêm để nghe ông kể chuyện nông dân làm thơ và làm văn hóa tuyên truyền. Trước bất kể vấn đề xấu nào, ông đều ví von thành thơ và đi tuyên truyền khắp xã, từ đó tệ nạn giảm hẳn. 

ĐÔNG HƯNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh