THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:30

Người đẹp đóng phim: Được hay mất?

Bắt buộc phải có người đẹp

“Này anh bạn, chúng ta trao đổi với nhau một chút nhé! Cậu dẹp tay diễn viên điện ảnh A đi cho tớ nhờ vì cát sê nó đòi cao quá, hãng không chịu nổi. Có một người mẫu B đang lên, muốn nhảy sang lĩnh vực điện ảnh, rất nhiệt tình trong công việc đấy. Cậu giúp nó đi, nó muốn trao đổi trực tiếp với cậu”- một đạo diễn đã kể câu chuyện diễn ra trong lúc làm việc như một ví dụ về việc vì sao các đạo diễn thường mời “những cô gái chân dài” tham gia đóng phim. “Nếu một đạo diễn dễ tính hoặc kém bản lĩnh, việc thay “ngôi sao” vào nhân vật chính sẽ khiến bộ phim chạy theo một chiều hướng khác” anh bổ sung.

Khi các đơn vị làm phim tư nhân tham gia vào điện ảnh, họ thường tập trung làm phim giải trí, bởi mục đích của họ là lợi nhuận. Sự sống còn của họ gắn với việc khán giả có đến xem phim hay không. Vì thế, để thu hút đối tượng này, một trong những cách tốt nhất là mời những gương mặt nổi bật ở lĩnh vực thời trang hay ca nhạc tham gia đóng phim nhằm tạo sự tò mò cho đám đông.

Một cảnh trong phim “Taxi, em tên gì?”.

Từ lâu, khán giả Việt quen với thông tin đại loại như một hoa hậu vừa đăng quang, một cô người mẫu đang nổi hay một ca sĩ có nhiều fan vừa nhận được lời mời tham gia đóng phim. Một diễn viên kỳ cựu từng thở dài ngao ngán trước xu hướng các người đẹp “đổ bộ” vào điện ảnh: “Khi sắc nhan được đưa lên hàng đầu, mọi người sẽ nghĩ, nghề diễn viên là dễ dãi, tầm thường, không cần tài năng, khổ luyện. Trong khi nhiều diễn viên chuyên nghiệp phải cố gắng rất nhiều, thì người đẹp chỉ cần đóng qua một vài phim là nổi tiếng cho dù khả năng diễn xuất rất… xoàng, nếu không muốn nói là quá tồi”.

Nhiều đạo diễn thừa nhận, trên màn ảnh hiện nay xuất hiện khá nhiều gương mặt đẹp mà nhạt, diễn xuất vô hồn nhưng không hiểu sao cứ đóng hết phim này đến phim khác. “Ngôi sao” đó có thể không ý thức được mình diễn tồi, đạo diễn có thể cố tình lờ đi, nhưng khán giả thì nhận ra ngay. Đó là cách họ giết vai diễn và  tác phẩm. Khi đạo diễn nào đó được mời thực hiện một số phim của hãng tư nhân, thi thoảng phía đối tác muốn vị vua trường quay sử dụng một vài gương mặt người mẫu để phim có thêm độ hấp dẫn. Những lúc ấy, đạo diễn khó từ chối mà phải đắn đo, suy nghĩ xem nên để "những cô chân dài" vào vai gì cho hợp. Nếu diễn xuất kém thì chỉ vào vai phụ, và trên trường quay, đạo diễn cũng phải chăm chút cho họ hơn. Tuy nhiên, thực tế, một vài người mẫu, hoa hậu cũng đã có những đóng góp đáng kể cho nền điện ảnh vốn nghèo nàn và tẻ nhạt của ta. Tiếc là sự “góp mặt” ấy đang ở mức hơi quá đà.

 Diễn tồi sao vẫn được mời?

Có lẽ không phải các đạo diễn không nhận ra là mình (hay nhà sản xuất) đang lạm dụng các hoa hậu, người mẫu ôm khát vọng tỏa sáng trên màn bạc. Nhưng vì sao họ vẫn cứ mời các người đẹp? Phải chăng vì diễn viên chuyên nghiệp không sở hữu ngoại hình lý tưởng như họ mong muốn, hay họ không đủ can đảm để làm nghệ thuật thuần túy, mà chỉ coi đó như một phương tiện câu khách? Có một nghịch lý trong nền điện ảnh nước ta là khi tìm những diễn viên vào vai các nhân vật hiện đại, mang nét đẹp thành thị, thì đạo diễn không có nhiều sự lựa chọn như những vai diễn mang chất nông thôn. Có thể có hai nguyên nhân: thứ nhất, số người đẹp xuất thân từ chính gốc thành thị đã không chọn trường điện ảnh để thi vào, thứ hai, có thể hội đồng tuyển chọn diễn viên của các trường điện ảnh chưa để tâm, chú ý đến đối tượng diễn viên mang nét đẹp thành thị.

Bởi thế, nên không ít đạo diễn đã chọn vai chính cho bộ phim của mình từ lực lượng diễn viên không chuyên là các người mẫu. Nhưng, cách lựa chọn này cũng gặp phải khó khăn vì lực lượng diễn viên không chuyên chưa được đào tạo bài bản, ít kinh nghiệm và thường diễn theo bản năng tự nhiên. Do đó, khi đóng ở những trường đoạn đòi hỏi có sự diễn xuất sâu sắc,  nội tâm phức tạp, họ hay gặp lúng túng.

 Hơn nữa, khi hóa thân vào các vai diễn khác nhau trong những bộ phim khác nhau, họ khó tạo được sự đa dạng trong tính cách cho từng nhân vật, mà thường tạo cho các nhân vật khác nhau ấy chung một kiểu tính cách gần giống như họ ở ngoài đời. Với kiến thức nghệ thuật hạn hẹp, kỹ năng diễn xuất còn nhiều thiếu sót nên một số người đẹp mới bước chân vào điện ảnh tạo ấn tượng khá tốt nhờ nét duyên trời cho và sự hợp vai. Song “đường dài mới hay sức ngựa” nên càng diễn họ càng bộc lộ những khuyết điểm của người nghiệp dư. Và nếu cứ “tham lam” mà không biết dừng lại đúng lúc thì vô tình họ lại phủ nhận chính bản thân mình.

Một số người đẹp bị chê về diễn xuất ngay từ khi phim mới phát sóng song dường như họ không quan tâm đến sự góp ý đó, thậm chí một số người cố cãi là mình đóng… hay, nếu không tại sao đạo diễn lại mời? Có thể họ cũng là nạn nhân của đạo diễn và nhà sản xuất phim trước sức ép của thị trường. Tuy nhiên, ngay ở những nước mà thị trường giải trí rất phát triển, thì việc diễn viên tự biết mình ở đâu và nên dừng lại đúng lúc luôn được đề cao.

Cũng có người cho rằng, dù sao diễn viên cũng chỉ là công cụ của đạo diễn. Đạo diễn bảo sao làm vậy vì  đã bước chân vào nghệ thuật, ai chẳng mong được khán giả ủng hộ và nếu thấy người đó diễn xuất quá tồi mà vẫn mời thì đó là lỗi của người mời, chứ  không phải người được mời. Điện ảnh luôn dành cơ hội cho tất cả mọi người, kể cả người vô danh hay nghèo khó, nên ít ai muốn từ chối niềm vui ấy. Vì thế, các “chân dài” không có lỗi nếu liên tiếp được mời đóng phim, mà đó là do cách làm phim cẩu thả trong một ngành công nghiệp giải trí còn quá non nớt.

KIM NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh