Người dân tự quyết định cách thoát nghèo
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 23:23 - 18/04/2016
Mỗi địa phương trong quá trình thực hiện dự án giảm nghèo PRPP có cách thức và sáng tạo riêng nhưng đều chung mục đích tạo điều kiện để người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.
Người nghèo đối ứng vốn thoát nghèo
Quảng Ngãi là địa phương có 4 xã được lựa chọn tham gia Dự án giảm nghèo PRPP. Theo ông Trương Đình Đức, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi, sinh kế bền vững là vấn đề được người dân và các địa phương đặc biệt quan tâm. Lựa chọn các mô hình sinh kế phù hợp có ảnh hưởng rất lớn đến các yếu tố như: Điều kiện tự nhiên, nhân lực thực hiện, tập quán người dân, sự tham gia của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của người dân.
Người nghèo ở Quảng Ngãi đối ứng thêm 1 con bò để được nhận bò dự án giảm nghèo PRPP.
Sau khi bàn bạc với người dân, chính quyền địa phương, Ban quản lý Dự án PRPP Quảng Ngãi chọn đề án sinh kế trọn gói “Chăn nuôi bò cái lai Zê bu sinh sản” triển khai tại 3 xã Trà Sơn (huyện Trà Bồng), xã Long Mai (huyện Minh Long) và Trà Thanh (huyện Tây Trà). Theo đó, mỗi hộ tham gia dự án tự đối ứng 1 con bò cái giống từ các nguồn vốn vay dành cho hộ nghèo. Bước đầu Dự án PRPP hỗ trợ thêm thức ăn tinh, thuốc thú y, xi măng làm chuồng, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi phòng bệnh vệ sinh môi trường.
“Đến nay, đàn bò sinh trưởng phát triển tốt. Với 84 con bò đầu tư ban đầu (Dự án PRPP hỗ trợ 42 con, người hưởng thụ đối ứng 42 con). Đến tháng 12/2015, đã có 45 con phối giống có chửa. Ước tính giá trị hiện tại của đàn bò khoảng 2,5 tỷ đồng. Giá trị bình quân/hộ đạt trên 52 triệu đồng/hộ. Đây là thành công hơn kết quả mong đợi. Góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho 42 hộ tham gia dự án”, ông Trương Đình Đức phấn khởi cho hay.
Việc triển khai đề án mô hình sinh kế trọn gói, phân cấp trao quyền của Dự án PRPP tại Quảng Ngãi bước đầu thành công nhờ công tác khảo sát, xây dựng và triển khai đề án tiến hành chặt chẽ, có tính kế thừa. Các hộ nghèo tự nguyện tham gia và có cam kết thoát nghèo, tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật. Đặc biệt, điểm mới nhất là các hộ nông dân mạnh dạn đối ứng bằng vốn vay để đầu tư thêm 1 con bò cái lai. Nhờ đó, người dân có ý thức bảo vệ nguồn vốn, vươn lên thoát nghèo.
Phân cấp, trao quyền cho cộng đồng là đòn bẩy giảm nghèo bền vững
Từ cuối năm 2013, dự án giảm nghèo PRPP được triển khai tại tỉnh Điện Biên. Đến nay, dự án đã thể hiện được vai trò hỗ trợ kỹ thuật cho thực hiện Nghị quyết 80/CP về định hướng giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn tỉnh thông qua các gói hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ, thí điểm phương thức hỗ trợ trọn gói, rà soát – đối thoại các chính sách giảm nghèo và thể chế hóa các văn bản giảm nghèo.
Phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên được trao quyền quyết định mô hình giảm nghèo bền vững.
Trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là liên quan đến các chính sách hỗ trợ sản xuất, bài học kinh nghiệm rút ra là phân cấp, trao quyền cho cộng đồng chính là đòn bẩy quan trọng góp phần vào việc giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Việc trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ góp phần giảm bát bình đẳng giới tại vùng dân tộc thiểu số, nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội, tạo động lực cho sự phát triển xã hội toàn diện.
Theo đó, đã huy động sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch phát triển tại cộng động. Phụ nữ dân tộc thiểu số tự đưa ra quyết định trong việc lựa chọn hoạt động sinh kế phù hợp tại địa phương. Hỗ trợ kỹ thuật để phụ nữ dân tộc thiểu số tự thực hiện các sáng kiến kinh tế thông qua mô hình phụ nữ giúp nhau vươn lên thoát nghèo tại cộng đồng. Đến nay, tỷ lệ hộ có phụ nữ là chủ hộ tham gia dự án đã thoát nghèo được 50%. Năng lực của phụ nữ được nâng lên: Tự tin hơn trong giao tiếp và hòa nhập tại cộng đồng...
Chị Lò Thị Thiên, một phụ nữ nghèo người dân tộc thiểu số tại Điện Biên thuộc hộ nghèo, nuôi con một mình được tham gia vào dự án Trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong thực hiện giảm nghèo. “Thấy mình thích nên khi họp bản, mọi người lựa chọn mình tham gia mô hình. Đầu tiên mình cũng lo vì chưa nuôi con giun quế bao giờ. Tưởng con giun này giống giun đất, khó nuôi nhưng nhờ có cán bộ hướng dẫn nuôi rồi mới biết còn dễ nuôi hơn con gà, con vịt vì không bị dịch bệnh. Nhiều chị em trong bản cũng đến hỏi mình về con này và mình đã dẫn ra chuồng xem để họ biết cách nuôi. Tham gia mô hình nuôi giun mình vui lắm vì vừa có thức ăn cho gà, vịt vừa được gặp gỡ chị em khác trong bản. Nhờ có đàn giun này làm thức ăn nên có đàn gà bán ăn Tết vừa rồi. Cứ như thế này, mình nuôi giun, nuôi gà cùng với trồng nương lúa, ngô, hi vọng trong năm nay nhà mình sẽ không nghèo nữa”, chị Lò Thị Thiên cho biết.