CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:16

Người dân tộc thiểu số được ưu tiên trong tuyển dụng công chức

Người dân tộc thiểu số được ưu tiên trong tuyển dụng công chức - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Dự thảo Nghị định đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trình độ chuyên môn và năng lực trong xử lý công việc; am hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Dự thảo đề xuất về chính sách ưu tiên trong tuyển dụng công chức như sau: Người dân tộc thiểu số thuộc nhóm 16 dân tộc thiểu số rất ít người quy định tại Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc và 11 dân tộc thiểu số có chất lượng nguồn nhân lực thấp quy định tại Nghị quyết 52/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 và học sinh học theo chế độ cử tuyển theo quy định Nghị định 134/2006/NĐ-CP và Nghị định 49/2015/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, nếu có bằng tốt nghiệp đại học từ loại khá trở lên và thành thạo tiếng dân tộc của mình thì được tham gia xét tuyển.

Người dự tuyển là người dân tộc thiểu số được Hội đồng tuyển dụng lập danh sách riêng để xác định người trúng tuyển.

Xác định người trúng tuyển bằng cách lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu tuyển dụng công  chức người dân tộc  thiểu số trong kỳ thi tuyển, xét tuyển; thí sinh người dân tộc thiểu số trúng tuyển phải có số điểm ít nhất phải bằng 60% số điểm của người dân tộc Kinh đạt điểm thấp nhất nhưng trúng tuyển trong cùng một hội đồng thi tuyển, xét tuyển. Quy định này áp dụng cho cả 02 vòng thi tuyển và xét tuyển.

Dự thảo quy định trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức như sau: Người dân tộc thiểu số thuộc thành phần các dân tộc rất ít người và chưa có người tham gia làm cán bộ, công chức tính chung trên địa bàn tỉnh có dân tộc đó sinh sống, nếu có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên thì được tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức.

Hỗ trợ đào tạo cán bộ, công chức

Dự thảo nêu rõ, đối với đào tạo trình độ đại học: Cán bộ, công chức cấp xã thuộc đối tượng, phạm vi quy định của Nghị định này được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo; mức hỗ trợ 50 triệu đồng/người/khóa học, bao gồm toàn bộ các chi phí tối thiểu về học phí, tài liệu học tập, phương tiện đi lại…

Đối với đào tạo sau đại học: Cán bộ, công chức thuộc đối tượng, phạm vi quy định của Nghị định này đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được NSNN hỗ trợ chi phí đào tạo.

Trường hợp đào tạo trình độ thạc sĩ: Mức hỗ trợ 150 triệu đồng/người/khóa học, bao gồm toàn bộ các chi phí tối thiểu về học phí, tài liệu học tập, phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn nghỉ…

Trường hợp đào tạo trình độ tiến sĩ: Mức hỗ trợ 200 triệu đồng/người/khóa học, bao gồm toàn bộ các chi phí tối thiểu về học phí, tài liệu học tập, phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn nghỉ…

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh