Người dân tỉnh Bến Tre phấn khởi khi nhận được tiền hỗ trợ
- Dược liệu
- 14:58 - 20/09/2021
Để kịp thời hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch, thời gian qua, các sở, ngành tỉnh, các địa phương đã triển khai quyết liệt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ghi nhận của phóng viên, tính đến ngày 19/9, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh đã có quyết định phê duyệt danh sách chi hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) không có giao kết HĐLĐ (gọi tắt là lao động tự do) gặp khó khăn do dịch Covid-19 (đợt 1) và tiến hành chi đến tay người dân bằng nguồn ngân sách huyện.
Cụ thể, TP. Bến Tre đã phê duyệt 2 quyết định chi hỗ trợ cho lao động tự do tại Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh đối với xã Nhơn Thạnh và Phú Nhuận với số tiền trên 1,6 tỷ đồng cho 1.114 người, trong đó xã Nhơn Thạnh 373 người, xã Phú Nhuận 741 người, mỗi lao động được hỗ trợ 1,5 triệu đồng và chỉ hỗ trợ 1 lần. Hiện công tác chi đến tay người dân đã thực hiện xong.
Huyện Ba Tri phê duyệt danh sách cho 3.360 người tại 9 xã gồm: An Ngãi Tây, An Đức, Mỹ Chánh, Mỹ Hòa, Tân Xuân, Tân Mỹ, Bảo Thạnh, Phước Ngãi, Phú Lễ với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng. Từ ngày 11/9/2021, 9 xã này bắt đầu thực hiện chi hỗ trợ đến tay người dân, công tác chi tiếp tục được thực hiện cho đến khi hoàn thành.
Huyện Mỏ Cày Nam đã phê duyệt danh sách chi hỗ trợ cho 6.627 người tại 16 xã, thị trấn với số tiền gần 10 tỷ đồng. Được biết, Phòng Tài chính huyện đang tiến hành thủ tục phân bổ về các xã, thị trấn và chuẩn bị chi vào trung tuần tháng 9/2021.
Huyện Giồng Trôm đã phê duyệt danh sách chi hỗ trợ đợt 1 cho 6.788 người tại 21 xã, thị trấn với số tiền 10,1 tỷ đồng, hiện nay huyện đã chi cho hơn 5 ngàn người, tỷ lệ 77%. Huyện Thạnh Phú tiến độ chi đến ngày 9/9/2021 tại 18 xã, thị trấn đã tiến hành chi cho NLĐ tổng số 5.670 lao động (số chi so với số kinh phí đã rút đạt tỷ lệ 100%), số tiền 8,5 tỷ đồng.
Huyện Châu Thành đã phê duyệt danh sách chi hỗ trợ 2 đợt, với tổng số 7.706 người, số tiền 11,5 tỷ đồng. Tiến độ đợt 1 đã chi 100% đến tay người dân, đợt 2 các xã sẽ rút tiền và bắt đầu chi từ ngày 13/10/2021.
Ông Ph.Th.H.,(55 tuổi), làm thuê thợ hồ, huyện Ba Tri vui mừng nhận tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng. "Giãn cách tôi không đi làm được, vườn dừa ở nhà khô thì rụng nhiều không ai đến mua, gia đình hoàn toàn không có nguồn thu nhập nào. Số tiền ít ỏi dành dụm được tôi để mua gạo, hàng ngày cả nhà ra vườn hái rau và đi giăng lưới kiếm cá, tôm về ăn, nay nhận được tiền hỗ trợ tôi mừng lắm", ông H. nói.
Đồng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị B. ( 45 tuổi, huyện Thạnh Phú) chia sẻ, cá gia đình mở quán bán đồ ăn sáng và cơm trưa. 2 tháng giãn cách gia đình bà quán đóng cửa, không có thu nhập, gia đình chật vật sống qua ngày. "Hàng ngày cả nhà 4 người có gì ăn nấy, hái rau dại để ăn qua ngày, chổ nào có mạnh thường quân cho quà từ thiện thì tới nhận. Nay nhận được 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ, tôi mừng lắm, có để trả tiền điện và tiền nước", bà B. xúc động nói.
Ông Phạm Thanh Hùng – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre cho biết, qua báo cáo của các Sở, ngành tỉnh; các huyện, thành phố(tính đến 16 giờ ngày 19/9/2021), tỉnh Bến Tre đã chi thực hiện các chính sách hỗ trợ người cho 112.642/164.491 ( tỷ lệ gần 69%) lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 25/2021/QD-UBND UBND tỉnh Bến Tre.
Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, hộ nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất tối đa lên đến 100 triệu đồng/hộ (theo quy định tại Quyết định số 12 ngày 22-2-2019 của Ngân hàng Chính sách xã hội về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh). Do đó, với mức cho vay này, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngoài ra, hộ nghèo cũng có thể tiếp cận các nguồn vốn từ: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (tối đa 20 triệu đồng/hộ), các hội đoàn thể, các dự án phi Chính phủ nước ngoài... để thực hiện các mô hình, dự án giảm nghèo. Vì vậy, nếu hộ nghèo chí thú làm ăn và có kế hoạch phát triển sinh kế phù hợp thì có rất nhiều nguồn lực để hỗ trợ.
Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc rà soát, thẩm định, phê duyệt và tổ chức chi hỗ trợ ngay cho các nhóm đối tượng theo quy định. Kịp thời hỗ trợ, tháo gở những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở, ông Hùng nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười nhấn mạnh, người dân đang rất trông chờ chính sách hỗ trợ, làm chậm là có lỗi với dân. Hiện, đối tượng lao động tự do đang chiếm số lượng đông nhất, cần được hỗ trợ nhanh, do đó, các địa phương cần bám sát vào thực tế để giải quyết nhanh cho người dân, đồng thời, có thông tin cụ thể để người dân hiểu rõ chính sách hỗ trợ.