Người dân ở Quảng Bình đang mòn mỏi chờ 'giải cơn khát' nước sạch
- Y học 360
- 13:24 - 30/09/2020
Người dân "khát" nước sạch
Từ sáng sớm, ông Hồ Văn Do, người dân tộc Bru - Vân Kiều (ngụ bản Xà Khía) đã phải xách 2 can nhựa băng rừng, tìm nước sạch cho cả nhà uống. Ở bản Xà Khía, gần như tất cả các vật dụng có thể chứa đựng nước đều được người dân tận dụng để dự trữ nước.
Ông Do cho biết, nguồn nước bấy lâu mà bà con dân bản sử dụng là từ những con suối trong rừng vì giếng nước của người dân hầu hết đều bị nhiễm phèn nặng, đục ngầu không thể sử dụng.
"Để có nước ăn uống, sinh hoạt, người dân chúng tôi phải vật vã băng rừng hoặc chạy hàng chục kilomet về miền xuôi để xách từng can nước lên bản, một số người già không đi xa được phải dùng nước nhiễm phèn...Chưa bao giờ dân bản và học sinh thiếu nước, cần nước như lúc này….", ông Do tâm sự.
Các thầy giáo vùng dân bản Xà Khía đào giếng giữa lòng suối mang nước về cho học sinh, dân bản.
Tương tự, tại thôn Tân Hữu (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) người dân cũng "khát" nước sạch nhiều năm qua. Toàn thôn có 200 hộ dân thì cả 100% giếng nước của bà con đều bị nhiễm phèn nặng. Mỗi lần người dân bơm nước từ giếng lên thoạt nhìn rất trong nhưng để 1 - 2 giờ sau là chuyển sang màu vàng, nổi đầy váng và bốc mùi hôi tanh.
Để hạn chế sử dụng nguồn nước giếng bị ô nhiễm, nhiều hộ dân đã phải bỏ tiền mua từng bình nước lọc phục vụ cho nhu cầu ăn uống, tắm rửa hàng ngày...Mùa này, một số hộ chấp nhận dùng nước giếng bị ô nhiễm để ăn uống vì giá nước tăng cao không kham nổi. Theo các cụ cao niên ở thôn Tân Hữu thì đã hơn 40 năm qua, chưa năm nào chịu cảnh khô hạn đến mức như hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Liên (58 tuổi, ngụ thôn Hữu Tân) than thở: "Hàng chục năm nay đã phải sống chung với tình cảnh nguồn nước bi nhiễm phèn, dùng nước ô nhiễm lâu rồi sinh bệnh. Ai cũng lo lắng nhưng giá nước tăng cao không còn cách nào".
Không riêng gì thôn Tân Hữu, hàng loạt bản, làng ở các huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh hiện đang thiếu nước sạch, hầu hết nguồn nước sinh hoạt của nhiều địa phương, như các xã: Lâm Thủy, Hiền Ninh, Xuân Ninh, Vạn Ninh...đều bị ô nhiễm khiến hàng ngàn người dân vô cùng trăn trở, lo lắng.
"Săn" nguồn nước "giải cơn khát" cho hàng trăm học sinh
Trường Phổ thông dân tộc bán trú, tiểu học và trung học cơ sở Lâm Thủy (gọi tắt Trường Lâm Thủy) đóng ở bản Xà Khía có hơn 400 học sinh dân tộc Bru - Vân Kiều thì hết một nửa là bán trú. Từ tháng 4/2020, học sinh tựu trường trở lại sau mùa dịch Covid-19, các thầy cô nhà trường ngày nào cũng đi dẫn nước từ các con suối về cho khu nội trú, đến khi suối cạn trơ đáy thì phải lặn lội về xuôi để xách từng can nước lên cho học trò.
"Vất vả lắm, sinh hoạt của hơn 200 học sinh bán trú không đơn giản chút nào. Nước để tắm giặt, nước để vệ sinh cá nhân cần rất nhiều. Có hôm nước bị tắc, thầy cô giáo khu nội trú phải đi chở từng can nước để dội nhà cầu cho học sinh. Nhiều thầy cô giáo đi xách nước nhiều đến nỗi mà da cháy đen nhưng thấy nước về tới bản, tới trường là cười như được mùa", một thầy giáo tâm sự.
Thầy Nguyễn Thanh Hiển, Hiệu trưởng Trường Lâm Thủy cho biết đời sống bà con Bru-Vân Kiều trước giờ đã khó khăn, thiếu thốn mọi bề, chỉ có nước là chảy suốt ngày đêm... Nhưng giờ hạn hán kèo dài, nguồn nước cạn kiệt.
"Nước sạch đối với dân bản, học sinh và các giáo viên nơi đây giờ như là một thứ xa xỉ. Hằng ngày, các giáo viên ngoài việc lên lớp còn phải tranh thủ băng rừng, về xuôi xách từng can nước lên cho học trò tắm, ăn uống….",thầy Hiển nói.
Việc băng rừng hoặc về xuôi xách từng can nước quá xa xôi, cực khổ. Đầu tháng 5/2020, Trường Lâm Thủy tổ chức họp Hội đồng sư phạm và đi đến một quyết định chưa từng có, là đào giếng giữa lòng khe Vàng để tìm nguồn nước cho học sinh, dân bản. Điểm mà thầy cô cùng dân bản "nhắm" đến cách trường chừng 300m.
Hệ thống bi giếng, dây điện, máy bơm nước, đường ống…được mua từ miền xuôi lên. Mọi người chia nhau công việc ra làm, người thì chở bi giếng,¸người thì mượn dụng cụ đào suối, người kéo ống dẫn nước.
Sau nhiều ngày vất vả đào giếng nước, các giáo viên và dân bản may mắn khi đào trúng mạch nước ngầm. Nước trong veo phun lên thẳng đứng trong tiếng hò reo sung sướng như vừa thắng trận của mọi người.
"Nhờ cái giếng này mà tình trạng thiếu nước sạch cho hơn 200 học sinh tiểu học và THCS tại bán trú được giải quyết tạm thời. Giáo viên, dân bản cùng nhau ra giếng lấy về dùng, không còn phải cực khổ đi tìm nước nữa. Ai cũng vui mừng khôn tả, quyết định đào giếng giữa lòng suối tìm nước như là chuyện cổ tích thời hiện đại", thầy Hiển vui vẻ nói.
Ông Hồ Văn Bày, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy cho biết, toàn xã có gần 10 khe, suối là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân các bản nhưng hiện giờ nước khe suối cũng đã cạn. Trước đây, một số hộ có giếng khoan nhưng nguồn nước này bị nhiễm phèn, ô nhiễm nặng nên không sử dụng được.
Dự án cấp nước vẫn nằm trên giấy
Trước tình trạng thiếu nước sạch cấp bách của người dân, nhiều địa phương ở Quảng Bình đã chủ trương thực hiện các dự án cấp nước sạch mới.
Đáng chú ý, dự án cấp nước sạch của huyện Quảng Ninh lấy nguồn từ hồ thủy lợi Rào Đá với mực tiêu cấp nước cho khoảng 10.000 hộ dân. Dự án được đầu tư với số tiền 35 tỉ đồng, được thực hiện từ năm 2009, nhưng đến nay chỉ xây dựng sơ sài vài hạng mục rồi bỏ hoang gần 10 năm nay.