Người dân nên chọn mua gia cầm đã qua kiểm dịch
- Tây Y
- 17:44 - 24/02/2017
Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm
Tại cuộc họp khẩn bàn biện pháp chủ động phòng, chống và khởi động Văn phòng đáp ứng khẩn cấp với dịch bệnh cúm gia cầm trên người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ tháng 10/2016 đến nay, tại Trung Quốc phát hiện 425 trường hợp mắc cúm A/H7N9, tập trung ở 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, trong đó gần một nửa trong số đó đã tử vong. Điều đáng lo ngại là cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm nhưng gia cầm lại không có biểu hiện triệu chứng và thường tăng cao vào mùa Đông Xuân, liên quan đến việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm. Ngoài ra, tại Campuchia đã xảy ra một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại tỉnh Sveyrieng trong tháng 1 vừa qua. Đây là tỉnh có chung đường biên giới với nước ta.
Gia cầm thịt sẵn không có dấu kiểm dịch vẫn bày bán tại các chợ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nước ta chưa có trường hợp nào mắc cúm A/H7N9, H5N1 trên người, nhưng vẫn ghi nhận một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm. Hiện chưa có bằng chứng lây truyền cúm A/H7N9 từ người sang người. Tuy nhiên việc giao lưu thương mại, du lịch giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng như Campuchia rất lớn và việc buôn bán, vận chuyển gia cầm qua biên giới đã dẫn đến nguy cơ dịch bệnh cúm A/H7N9 và H5N1 có khả năng xâm nhập vào nước ta.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã đề nghị các bộ, ngành chức năng cùng vào cuộc, chủ động các biện pháp phòng chống, kiểm soát tốt việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, không để gia cầm nhập lậu qua biên giới. Đồng thời Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc giám sát chặt chẽ các ca bệnh tại khu vực dọc biên giới; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm đối với những người nghi mắc bệnh và những người chuyên tiếp xúc, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, nhất là tại khu vực giáp biên giới Campuchia và Trung Quốc. Bên cạnh đó, sẽ phát động đợt phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại những vùng nguy cơ cao trên toàn quốc; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động các biện pháp phòng chống, không để dịch bệnh lây sang người; trong đó, tuyệt đối không ăn tiết canh, không chế biến, ăn thịt gia cầm ốm hoặc chết nghi do bệnh dịch.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng vừa ban hành Công điện khẩn đề nghị các đơn vị cơ sở và các bộ, ngành liên quan tập trung triển khai công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Công điện yêu cầu UBND các cấp, các ban, ngành của địa phương và các lực lượng chức năng, đặc biệt là Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y, y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tại các thôn, bản, các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Đồng thời, cần tuyên truyền để nhân dân giám sát phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào trong nước tiêu thụ.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh từ giết mổ gia cầm tại chợ cóc
Đến thời điểm hiện tại, tại Nghệ An đã phát sinh 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1. Trong đó, huyện Diễn Châu có 4 xã phát hiện dịch, gồm: Diễn Lộc, Diễn Nguyên, Diễn Thắng, Diễn Cát. Tại TP Vinh có phường Đông Vĩnh phát hiện dịch. Mặc dù Nghệ An đã xuất hiện ổ dịch cúm nhưng tại các chợ dân sinh, hoạt động bán và giết mổ gà sống chưa được kiểm soát chặt chẽ của lực lượng thú y.
Gia cầm sống không rõ nguồn gốc được bán tại các chợ.
Hà Nội là địa bàn trung chuyển và tiêu thụ một lượng lớn gia cầm của các địa phương lân cận. Thậm chí, một lượng gà nhập lậu qua biên giới vẫn được đưa về Hà Nội tiêu thụ. Dù tại các cửa khẩu biên giới phía bắc, hiện lực lượng chức năng cấm nhập khẩu gia cầm và các sản phẩm gia cầm, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát. Tuy nhiên, một số người vẫn lo ngại gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm vẫn có khả năng bị vận chuyển bằng lối mòn, đường tiểu ngạch từ Trung Quốc đưa về Việt Nam tiêu thụ. Vì thế, nguy cơ cúm gia cầm xuất hiện tại các tỉnh phía bắc, trong đó có Hà Nội rất cao.
Điều đáng nói, người dân vẫn có thói quen thích mua gà sống giết mổ ngay tại chợ, hơn là mua gà đã mổ sẵn tại các điểm giết mổ tập trung, có dấu kiểm dịch của lực lượng thú y. Vì thế, dù gà mổ sẵn, có kiểm dịch bán đầy các siêu thị nhưng các bà nội trợ vẫn ưu tiên chọn mua gà sống, giết mổ tại các chợ. Dù dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở một số địa phương nhưng theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối ở Hà Nội, gia cầm sống vẫn bày bán công khai và người bán không thể chứng minh được nguồn gốc của gia cầm. Các hộ kinh doanh vẫn kinh doanh gia cầm sống bình thường và tự do giết mổ tại các chợ trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh.
Hà Nội có tới hơn 1.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Do đó, theo các chuyên gia, chỉ khi nào nền nông nghiệp, chăn nuôi phát triển theo hướng chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn bằng công nghệ cao thì mới đảm bảo được an toàn thực phẩm. Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, số lượng chợ cóc bán thịt gia cầm còn sống trên địa bàn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Chi cục Thú y Hà Nội đã triển khai tiêm phòng sớm cho hàng loạt gia cầm trên địa bàn, chương trình kéo dài đến hết tháng 3/2017. Chợ Hà Vỹ được xem là trung tâm đầu mối gia cầm lớn nhất Hà Nội, cơ quan thú y có đội kiểm dịch trực 24/24h bên ngoài chợ.
Có thể nói, việc người dân mua và giết mổ gia cầm sống tại các chợ không đảm bảo an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Đặc biệt, trong hoàn cảnh dịch cúm gia cầm đang bùng phát mạnh như hiện nay, việc tiếp xúc và mua bán gia cầm sống không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm vì vậy, lực lượng thú y cần tăng cường giám sát, kiểm dịch để kiểm soát dịch bệnh .