Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm
- Sức khỏe
- 03:41 - 22/02/2017
Nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam rất lớn
Tại cuộc họp, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ tháng 10/2016 đến nay, tại Trung Quốc phát hiện 425 trường hợp mắc cúm A/H7N9, tập trung ở 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, trong đó gần một nửa trong số đó đã tử vong. Điều đáng lo ngại là cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm nhưng gia cầm lại không có biểu hiện triệu chứng và thường tăng cao vào mùa Đông Xuân, liên quan đến việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm.
Ngoài ra, tại Campuchia đã xảy ra một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại tỉnh Sveyrieng trong tháng 1 vừa qua. Đây là tỉnh có chung đường biên giới với nước ta.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nước ta chưa có trường hợp nào mắc cúm A/H7N9, H5N1 trên người nhưng vẫn ghi nhận một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm. Hiện chưa có bằng chứng lây truyền cúm A/H7N9 từ người sang người. Tuy nhiên việc giao lưu thương mại, du lịch giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng như Campuchia rất lớn và việc buôn bán, vận chuyển gia cầm qua biên giới đã dẫn đến nguy cơ dịch bệnh cúm A/H7N9 và H5N1 có khả năng xâm nhập vào nước ta.
Nguy cơ dịch bệnh từ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm qua biên giới là rất lớn
Còn theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết vừa ghi nhận 4 ổ dịch cúm A/N5N1 hoặc H5N6 trên đàn gia cầm tại 4 tỉnh: Bạc Liêu, Nghệ An, Nam Định và Quảng Ngãi.Trong 2 tháng đầu năm đã ghi nhận 3 ổ dịch cúm A/H5N1 tại các xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu; xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Riêng ổ dịch cúm gia cầm tại 3 hộ thuộc xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, ngày 20/2 đã được tiêu hủy 3.600 con gia cầm. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân huyện Trực Ninh đã ra quyết định công bố dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm. Bên cạnh đó, tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cũng ghi nhận ổ dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm. Nguy cơ dịch bệnh lây từ gia cầm sang người là rất lớn
Nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm qua biên giới
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã đề nghị các Bộ, ngành chức năng cùng vào cuộc, chủ động các biện pháp phòng chống, kiểm soát tốt việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, không để gia cầm nhập lậu qua biên giới. Đồng thời Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc giám sát chặt chẽ các ca bệnh tại khu vực dọc biên giới; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm đối với những người nghi mắc bệnh và những người chuyên tiếp xúc, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, nhất là tại khu vực giáp biên giới Campuchia và Trung Quốc. Bên cạnh đó, sẽ phát động đợt phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại những vùng nguy cơ cao trên toàn quốc; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động các biện pháp phòng chống, không để dịch bệnh lây sang người; trong đó, tuyệt đối không ăn tiết canh, không chế biến, ăn thịt gia cầm ốm hoặc chết nghi do bệnh dịch.
Người dân cần cảnh giác với gia cầm không rõ nguồn gốc
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng vừa ban hành Công điện khẩn đề nghị các đơn vị cơ sở và các Bộ, ngành liên quan tập trung triển khai công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Theo nội dung Công điện, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các đơn vị cơ sở thực hiện chỉ đạo và nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kế cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phấm gia cầm qua biên giới của các tố chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Công điện yêu cầu Úy ban nhân dân các cấp, các ban, ngành của địa phương và các lực lượng chức năng, đặc biệt là Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y, y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tại các thôn, bản, các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.”
Đồng thời, các địa phương khẩn trương rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp để tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm có hiệu quả nhất nhằm ứng phó kịp thời khi có dịch cúm gia cầm xẩy ra, không đế dịch lây lan cho người và xảy ra diện rộng.
Công điện cũng yêu cầu các địa phương cần tuyên truyền để nhân dân giám sát phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào trong nước tiêu thụ. Vận động người chăn nuôi chỉ mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y; tuyên truyền cho người tiêu dùng chỉ mua gia cầm, sản phấm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiếm soát thú y để sử dụng làm thực phẩm.