CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:03

Người dân 'khắc khoải' nơi rốn lũ của Thủ đô

Cuộc sống bị đảo lộn

Chiếc ca nô của Ban chỉ huy quân sự huyện Quốc Oai đưa chúng tôi di chuyển từ bờ đê sông Tích tiến vào khu dân cư xóm Vôi (thôn Cấn Hạ, xã Hữu Cấn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Nơi có đến 116 hộ dân, với 574 nhân khẩu. Là một trong những khu vực thấp trũng nhất của huyện Quốc Oai, xóm Vôi trở thành “ốc đảo” hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài vào mỗi mùa mưa bão.

Xóm Vôi trở thành “ốc đảo” hoàn toàn bị cô lập

Do mực nước lên cao, nhiều điểm trũng ngập từ 3 - 4 m khiến cho quãng đường di chuyển 2km vào xóm Vôi trở nên nguy hiểm và khó khăn, những chiếc thuyền lá nhỏ của người dân khó lòng vượt qua. Chính vì vậy, trong những ngày qua Ban chỉ huy quân sự huyện đã bố chí 2 chiếc thuyền máy lớn, đồng thời cắt cử hàng chục chiến sĩ và lực lượng dân quân xã có mặt để đưa đón người dân.

Vừa điều khiển chiếc ca nô, trên khuôn mặt vẫn còn ướt đẫm mô hôi, đại úy Tống Văn Tâm cho biết: “Trong 10 ngày qua, lực lượng chúng tôi luôn túc trực 24/24, hoạt động đưa đón từ 5h30 sáng cho đến 21h để phục vụ bà con xóm Vôi đi lại, làm ăn và đưa các cháu học sinh đi học. Uớc tính mỗi ngày đi khoảng 300 chuyến”.

Thuyền máy lớn đưa đón người dân

Mặc dù mực nước đã giảm, nhưng những con đường trong xóm Vôi vẫn bì bõm trong nước lũ. Gia đình bà Hoàng Thị Quý (thôn Cấn Hạ, xã Hữu Cấn, huyện Quốc Oai) cũng như hơn 100 hộ dân trong xóm vẫn sống trong cảnh bị cô lập, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn. Mảnh sân trước cửa nhà bà giờ đây đã trở thành bể bơi cho bọn trẻ nô nghịch hàng ngày.

Bà Quý cho hay: “Những tài sản lớn trong gia đình đã được di chuyển lên cao nên không có thiệt hại. Chỉ có thóc gạo vừa rồi bị ướt không phơi được, giờ mộng lên chắc phải bỏ đi. Đàn gà gần 5 chục con vừa qua cũng bị thiệt hại do mưa bão. Nhưng mình sống ở vùng thấp, thiên tai thì đành phải chấp nhận vậy”.

Chị Bùi Thi Thảo (thôn Cấn Hạ, xã Hữu Cấn) chia sẻ: "Mưa lũ khổ nhất là không có nước ăn, mấy ngày nay gia đình phải hứng nước mưa để sinh hoạt. Nước uống thì phải đợi bộ đội chuyển vào. Còn vệ sinh thì phải chèo thuyền lên mấy hộ cao hơn để đi nhờ, nên vô cùng bất tiện”.

Lực lượng bộ đội cấp nước sạch cho người dân

Cô Nguyễn Thị Hương giáo viên trường tiểu học Hữu Cấn cho biết: “Đối với các em học sinh ở bến Vôi đi học gặp rất nhiều khó khăn, các em trong xóm phải đi thuyền nhỏ, sau đó lên ca nô của lực lượng bộ đội để đến trường. Tuy vất vả nhưng các gia đình và nhà trường vẫn cố giắng để các em được đi học”.

Khắc khoải lo âu

Những hộ dân sống sau đê tả Bùi đoạn chạy qua xã Thanh Bình (Chương Mỹ, Hà Nội) trong những ngày này mang tâm trạng đứng ngồi không yên trước nguy cơ nước lũ tràn qua đê. Mực nước trên sông Bùi hiện đang lên nhanh.

Ngập úng được dự báo sẽ kéo dài

Sáng nào ông Đỗ Kế Duệ (thôn Trung Hoàng, xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ) cũng đạp xe ra khu vực đê tả Bùi để xem tình hình mực nước hiện tại như thế nào. Gia đình ông Duệ cách đê khoảng 500m, là một trong những hộ dân thuộc khu vực thấp nên những ngày qua mực nước sông dâng lên cao khiến cả 7 người trong gia đình ông đứng ngồi không yên. Trong mấy ngày qua, cả gia đình đóng các tải lúa, gạo, thu cất đồ đạc gác lên cao và di chuyển vật nuôi sang nhà hàng xóm ở khu cao để gửi nhằm hạn chế tối đa thiệt hại trong trường hợp nước tràn qua đê. 

Cùng chung tâm trạng, bà Lê Thị Tám (60 tuổi, thôn Trung Hoàng) cho hay: "Mọi người dân trong thôn chúng tôi rất lo lắng. Đêm qua cả gia đình mất ngủ vì lo mưa lớn nước tràn đê. Nhà tôi cách đê chỉ khoảng 100m, lại thuộc vùng trũng nên rất thấp thỏm. Không biết thời tiết sẽ diễn biến ra sao, nếu tiếp tục mưa to thì cả gia đình phải di tản”.

Cuộc sống của người dân bị đảo lộn do ngập úng

Trong những ngày qua, chính quyền và nhân dân hai huyện Chương Mỹ vẫn đang huy động mọi lực lượng để ứng phó với tình hình mưa lũ, ngập úng đang diễn ra trên địa bàn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội, tính đến chiều ngày 31.7, trên địa bàn huyện Chương Mỹ, mưa lớn kéo dài đã làm 12km đê, hồ, đập bị sạt lở; 35 cầu, cống bị hư hỏng. Có 3.629 hộ dân bị ngập nước, trong đó có 858 hộ bị ngập lối đi, 2.771 nhà bị ngập sâu trong nước từ 0,5-2m; 6.083 nhân khẩu phải sơ tán, 1.298 hộ dân và 4 trạm bơm phải ngừng cấp điện... Ngoài ra, còn có hàng chục công trình đình chùa, trường học bị ngập, hư hỏng.

Mưa lũ cũng làm hơn 2.420ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện bị thiệt hại, 1.804m tường bao bị sập đổ, sạt lở 1.885m đường giao thông nông thôn, 3.520m đường giao thông nội đồng, hư hỏng 11.910m kênh mương; ngập úng, hư hỏng 11 nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, 14 công trình tôn giáo…

Huyện Quốc Oai, đến chiều 31.7 trên địa bàn huyện vẫn còn 3 khu dân cư thuộc 3 xã bị cô lập do nước lũ bao vây. Theo đó, các thôn Phú Cao (xã Phú Cát), Thông Đạt (xã Liệp Tuyết), Bến Vôi (xã Cấn Hữu) của huyện vẫn bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Tính đến nay, toàn huyện có 8 ngôi nhà bị thiệt hại hơn 70% do ảnh hưởng mưa lũ, hơn 700 ngôi nhà bị ngập, trong đó có 443 ngôi nhà ngập dưới 1m, 258 ngôi nhà ngập từ 1 đến 3m, có 1 ngôi nhà ngập trên 3m, có 2 nhà phải di dời khẩn cấp.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh