Người dân có thể tự thoát nghèo nếu có hỗ trợ “đúng và trúng”
- Dược liệu
- 00:52 - 05/09/2019
Gắn kết cộng đồng nhằm thúc đẩy giảm nghèo
ASEAN đã đạt dược nhiều thành tựu trong phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống của người dân. Một trong những thành công đáng ghi nhận của ASEAN chính là thành tựu về xóa đói giảm nghèo, với việc số người người sống dưới mức 1,25 USD/ ngày đã giảm xuống mức từ một nửa dân số vào năm 1990 còn 1/8 dân số năm 2015.
Tầm nhìn ASEAN 2025 nhấn mạnh việc lồng ghép Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc vào các kế hoạch xây dựng cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đánh giá cao sáng kiến của Trung Quốc về việc tổ chức các Hội nghị về SDGS cùng với ASEAN và UNDP với các chủ đề khác nhau từ năm 2016 và đặc biệt năm 2019 lấy chủ đề "Đổi mới để xóa đói giảm nghèo hướng tới đạt được SDGS". Đây là chủ đề này phù hợp với giai đoạn hiện nay.
"Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để gắn kết cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia của các bên đặc biệt chính là người nghèo, các nhóm yếu thế, tận dụng lợi thế của công nghệ, đổi mới và sáng tạo không chỉ liên quan để công nghệ mà cả phương thức tiếp cận nhằm tạo lập tiền đề, điều kiện để giải quyết vấn đề đói nghèo trong hoàn cảnh mới. Điều này sẽ góp phần quan trong nhằm gắn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong từng giai đoạn với mục tiêu phát triển bền vững số 1 "Xóa nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi" và mục tiêu phát triển bền vững số 9 "Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới" theo chương trình Nghị sự về phát triển bền vững của Liên hiệp Quốc đề ra đến năm 2030.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra quan điểm vấn đề đói nghèo không được giải quyết thì không thể thực hiện được các mục tiêu phát triển đặt ra như tăng trưởng kinh tế, ổn định và bảo đảm các quyền con người. Do đó, chính sách xóa đói, giảm nghèo đã trở thành một chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam.
Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và đặc biệt là ý thức nỗ lực vươn lên của người nghèo nên kết quả giảm nghèo của Việt Nam từ năm 2016 đến nay của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, trong đó tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 5,23% vào cuối năm 2018.
ASEAN xây dựng một cộng đồng lấy người dân làm trung tâm
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường cho biết, xây dựng một cộng đồng hài hòa, bền vững, định hướng người dân, lấy người dân làm trung tâm và "không bỏ lại ai phía sau" luôn là ưu tiên hàng đầu của ASEAN. Đến nay, ASEAN đã đạt được thành công đáng kể trong giảm nghèo cùng nhiều tiến bộ quan trọng trong thực hiện mục tiêu SDG số 4 về giáo dục chất lượng và mục tiêu SDG số 3 về y tế và sức khỏe... Bên cạnh hợp tác nội khối, ASEAN rất chú trọng hợp tác với các đối tác, trong đó có việc tăng cường tương hỗ giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững 2030. Chủ đề ASEAN năm 2019 "Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững" đã tái khẳng định quyết tâm của ASEAN thúc đẩy tính bền vững trong cả ba trụ cột Cộng đồng, đồng thời có ý nghĩa bổ sung và hướng tới thực hiện thành công SDG 2030.
Trong quá trình thực hiện các mục tiêu trên, ASEAN luôn xác định đổi mới và khoa học - công nghệ là một trong những động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, và đã được cụ thể hoá trong Tuyên bố ASEAN về Đổi mới năm 2017. Bên cạnh đó, ASEAN cũng đang đẩy nhanh việc tăng cường hợp tác trong và ngoài khu vực nhằm nắm bắt các cơ hội của thời đại công nghệ số, kinh tế số, nâng cao khả năng thích ứng, thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và phát triển hài hoà, bền vững. "Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của các đối tác, trong đó có Trung Quốc và UNDP trong thúc đẩy các nỗ lực xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trong ASEAN cũng như Việt Nam trên nhiều khía cạnh. Từ tư vấn kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực, đến triển khai các chương trình xây dựng năng lực hội nhập, phát triển xanh, sạch và bền vững", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm giảm nghèo tại Hội nghị, các đại biểu đến từ Trung Quốc cho biết, trong 40 năm qua, Trung Quốc đã có 700 triệu người thoát nghèo. Từ thực tiễn kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, người dân có rất nhiều tiềm năng tự thoát nghèo nếu Chính phủ có chính sách hỗ trợ tốt. Đặc biệt là việc kết nối cộng đồng để phát triển. Đồng thời, tăng cường mở cửa nền kinh tế. Đây là 3 yếu tố quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và phát triển bền vững.
Đại diện UNDP cũng cho rằng, để giảm nghèo bền vững, Chính phủ cần có chính sách giúp cho cộng đồng, thúc đẩy thương mại điện tử, áp dụng đổi mới sáng tạo và nhân rộng những mô hình hiệu quả. Đồng thời, tăng cường kết nối, đầu tư cơ sở hạ tầng để đảm bảo mọi người được hưởng các thành quả của đầu tư.
"Hội nghị được thiết kế để giải quyết các câu hỏi làm thế nào để xóa đói giảm nghèo không để ai ở lại phía sau. Việt Nam đang chuyển đổi cách tiếp cận người dân theo hướng người dân cần gì", đại diện UNDP nhấn mạnh.