Người dân chuyển sang thanh toán online
- Huyệt vị
- 17:05 - 18/03/2020
Nếu như trước đây, chị Hoàng Mai (Long Biên, Hà Nội) thường rút tiền lương được cơ quan trả qua thẻ ATM để đi siêu thị và chi tiêu hàng ngày thì nay chị hạn chế rút tiền mặt để tiêu. Thay vào đó, lựa chọn phương thức khác trực tuyến bằng ví điện tử hoặc ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng.
"Nhiều siêu thị và cửa hàng tiện ích đều cho phép thanh toán bằng các ví điện tử hoặc ứng dụng quét mã QRPay của các ngân hàng nên rất tiện lợi khi đi mua sắm, thậm chí có thể ngồi nhà chọn đồ rồi thanh toán và siêu thị sẽ giao hàng tại nhà, vừa hạn chế tiếp xúc nơi đông người lại tránh hẳn được việc dùng tiền mặt có nguy cơ lây truyền nhiều bệnh. Các hóa đơn tiền điện, nước, truyền hình cáp... chỉ mất vài phút là thanh toán xong mà không phải đi rút tiền rồi lại ra các điểm thu hộ để nộp như trước", chị Hoàng Mai chia sẻ.
Theo bà Mai Lan Vân, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần VinID, người dùng có thể lên ứng dụng VinID mua đồ tươi sống, nhu yếu phẩm và nhận hàng chỉ trong 2h. Vì vậy, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, riêng tính năng Scan&Go (tính năng quét mã mua hàng online) của ứng dụng VinID đã ghi nhận số đơn hàng tăng gấp 15 lần so với lúc cao điểm trước đó. Trong đó, tỷ lệ "đi chợ" trực tuyến cũng tăng gấp 3 lần so với bình thường. VinID khuyến khích khách hàng khi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, siêu thị nên sử dụng hình thức thanh toán quét mã trên ví điện tử để hạn chế tiếp xúc tối đa. Đây cũng là hình thức thanh toán đang rất phổ biến trên thế giới và đã được VinID phát triển để thân thiện và dễ sử dụng với người Việt.
Thực tế, hiện có không ít máy ATM ở Hà Nội trong tình trạng cáu bẩn, ít được vệ sinh trên mặt bàn phím, khe cắm thẻ và cả tay nắm cửa ra vào. Thậm chí, dưới sàn, nhiều giấy rác và cả khẩu trang đã qua sử dụng cũng bị vứt bừa bãi dù có thùng rác hoặc khay đựng phiếu giao dịch ngay cạnh. Vì thế, không chỉ lo ngại tiền mặt có thể trở thành nguồn lây bệnh Covid 19 mà các máy ATM cáu bẩn cũng có thể là nơi truyền nhiễm bệnh cho người dân.
Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) thông báo sẽ tiếp tục giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng và đây là lần thứ 2 trong năm nay, đơn vị này giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ. Theo đó, từ ngày 25/3 đến 31/12, Napas sẽ giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng đối với giao dịch có giá trị từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Với vai trò là tổ chức chuyển mạch quốc gia, việc Napas liên tục giảm phí dịch vụ sẽ là cơ sở để các ngân hàng thương mại tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp thương mại điện tử thúc đẩy bán hàng trực tuyến (online).
Bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Napas cho biết, tỉ trọng giao dịch trong phạm vi giảm phí lần 2 chiếm gần 40% lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống, góp phần cung cấp hạ tầng thanh toán bán lẻ tốt và tiện lợi để các ngân hàng có thể cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân với mức phí hợp lý nhất. Giảm phí đồng nghĩa với giảm trực tiếp doanh thu nhưng công ty luôn chủ động thực hiện, đồng hành cùng ngân hàng, doanh nghiệp và người dân.
Việc giảm phí đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng mạng lưới là biện pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Số liệu thống kê cho thấy từ sau Tết Nguyên đán đến nay (tức từ giai đoạn bắt đầu bùng phát dịch Covid-19), tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt xử lý qua hệ thống Napas tăng 76% so cùng kỳ; tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước đó ngày 25/2, Napas đã triển khai chương trình miễn phí đối với dịch vụ công và miễn, giảm 72% phí giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống. Thống kê đến 16/3, chương trình đã có 39/45 ngân hàng tham gia miễn, giảm phí cho khách hàng, tương đương với 99,6% số lượng giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ qua Napas được miễn, giảm phí.
Nhiều ngân hàng cho biết hiện tất cả điểm giao dịch vẫn đón khách như bình thường nhưng để bảo đảm an toàn trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến khó lường, các ngân hàng khuyến khích khách hàng giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử.
Ngoài giải pháp từ ngành ngân hàng, để khuyến khích khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, giới chuyên gia còn đề xuất doanh nghiệp phân phối cũng như các trung gian thanh toán như ví điện tử cần đưa ra các hình thức khuyến mãi, giảm giá nếu khách hàng sử dụng phương thức thanh toán này; tích hợp thêm nhiều tiện ích trên cùng một ứng dụng.