CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:02

Người dân chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt: Cơ hội tỷ USD cho doanh nghiệp

 

Thay vì hằng tháng đến các điểm thu tiền điện, tiền nước xếp hàng để được thanh toán, thì nay chị Hà Thu Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Cơ quan chị Hương trả lương bằng tài khoản đã lâu nhưng chị vẫn giữ thói quen tiêu tiền mặt nên hàng tháng sau khi cơ quan chuyển lương vào tài khoản thẻ chị lại rút hết tiền mặt có trong thẻ để chi trả các khoản sinh hoạt phí. “Có hôm nhà tôi bị cắt điện vì quên đóng tiền điện bởi ban ngày đi làm, tối về bận con nhỏ nên quên ra điểm thu tiền điện để đóng. Từ khi đăng ký sử dụng mobile banking, chỉ cần ngồi bất cứ ở đâu mở điện thoại với vài thao tác đơn giản có thể thanh toán các loại hóa đơn tiền điện, nước, internet, điện thoại… Thậm chí, nếu đăng ký tự động trích nộp tài khoản từ ngân hàng thì đến ngày ngân hàng auto trích nộp mà không sợ quên hay mất phí giao dịch”, chị Hương chia sẻ.

Nhiều người đang chuyển sang thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Cũng giống như chị Hương, hiện đã có khá nhiều người chuyển từ thói quen sử dụng tiền mặt thanh toán sang thanh toán điện tử. Chị Dung (Long Biên, Hà Nội) trước đây dù tài khoản ATM có tiền, luôn mang smartphone bên người nhưng vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt để thanh toán và rất ngại thay đổi vì cho rằng có thể xảy ra rủi ro trong quá trình thanh toán… Từ khi đăng ký sử dụng dịch vụ mobile banking thì thói quen thanh toán bằng tiền mặt của chị Dung đã thay đổi. Theo chị Dung: “chỉ cần mang theo điện thoại có thể tự tin shopping, ăn uống, mua sắm mà không sợ thiếu tiền mặt. Trước cứ lo thanh toán điện tử không an toàn nhưng khi mua sắm những vật dụng có giá trị cao thì việc phải mang theo nhiều tiền mặt bên người còn đáng lo ngại hơn nhiều. Nay chỉ cần quẹt thẻ hay chuyển tiền điện tử là có thể thoanh toán nhanh gọn”.

Theo số liệu thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2019, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng khoảng 23% số giao dịch và 17% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018). Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam liên tục được tăng cường, mở rộng. Đến cuối năm 2018, toàn quốc có 18.587 ATM trải rộng khắp cả nước, 243.123 máy POS.

Thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tiếp tục tăng qua từng năm. Thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong năm 2018 đạt khoảng 229,2 triệu lượt với tổng giá trị giao dịch khoảng 592 nghìn tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng, tiện ích vào thẻ ngân hàng để sử dụng cho chi trả hàng hóa, dịch vụ tại điểm bán, thanh toán hóa đơn tiện ích, thanh toán mua hàng trực tuyến, đồng thời với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ.

Đã có khoảng 76 tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet (Internet payment) và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment) tại Việt Nam. Trong năm 2018, thanh toán qua Internet có tốc độ tăng trưởng 33,6% về số món và 19,5% về số tiền so với năm 2017. Thanh toán qua điện thoại di động còn đặt mức tăng trưởng ấn tượng hơn, tăng 41,4% về số món và 169,5% về số tiền so với năm 2017.

Tại Việt Nam, dù xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến nhưng tỷ lệ không dùng tiền mặt vẫn còn quá thấp và đây là một thị trường rất tiềm năng cho các doanh nghiệp tham gia. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đang bước vào những năm cuối với mục tiêu đạt tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, với giá trị chi tiêu của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hàng ngày. Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, thời gian qua có thực tế là nhiều người Việt Nam mua hàng qua mạng nhưng vẫn trả bằng tiền mặt. Việc này có nhiều nguyên nhân cả về phía người mua lẫn người bán, nhưng có nguyên nhân là sợ mất phí cho ngân hàng. Các bên sẽ ngồi lại, giảm phí để kích thích thanh toán không dùng tiền mặt.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh