THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:29

Người cha ở đâu khi để con gái bị người tình bạo hành đến chết?

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với chuyên gia tâm lý Nguyễn Tú Anh.

Trong vụ việc bé gái 8 tuổi ở TP. HCM bị người tình của bố bạo hành dẫn đến tử vong, cư dân mạng lên án mạnh mẽ người “mẹ kế”, ít người đề cập đến ông bố, theo chị, vai trò của người cha ở đâu khi để con ruột của mình bị bạo hành đến tử vong?

Trong Luật trẻ em số 102/2016/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 05/4/2016, có 25 điều quy định về quyền của trẻ em, trong đó có Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng (Điều 15); Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ (Điều 23); Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc (Điều 27) - có liên quan trực tiếp đến vụ việc này. Ngược đãi trẻ em không chỉ bao gồm hành hạ, lạm dụng và gây tổn thương thể xác lẫn tinh thần, mà còn có yếu tố bỏ mặc. Dựa trên những thông tin theo dõi qua báo đài và truyền thông những ngày qua, tôi tự hỏi vai trò của người cha trong vụ án thương tâm này là kẻ đồng lõa bạo lực con đẻ, hay là kẻ bỏ mặc con cho ai muốn làm gì thì làm. Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Tôi tin rằng trách nhiệm của người cha trong vụ việc này rất lớn, vì hơn ai hết, sau khi ly hôn vợ cũ và nhận nuôi dưỡng con, người cha này có nghĩa vụ phải chăm sóc và bảo vệ cho con trong điều kiện tốt nhất để không ai được phép làm tổn hại con mình. Sống cùng một nhà, thấy con bị bạo hành mà không quyết liệt bảo vệ con, thì chính là thờ ơ, bỏ rơi và bỏ mặc.

Những vết thương trên người bé N.T.V.A

Những vết thương trên người bé N.T.V.A

Tại sao những người hàng xóm biết cháu bé bị bạo hành mà không ai can ngăn, báo chính quyền, theo chị đó là vì thói thờ ơ hay vì họ không thể can thiệp? Ở nước ngoài, nếu không giúp đỡ cháu bé bị bạo hành thì họ liệu có bị xử phạt?

Tôi nghĩ có khá nhiều yếu tố cần cân nhắc. Điều đầu tiên và có lẽ quan trọng nhất là chúng ta cần “xóa sổ” câu nói: “Thương cho roi cho vọt” vào mọi tình huống nhân danh dạy bảo dưỡng dục con trẻ. Roi vọt và đàn áp bằng bạo lực chỉ thể hiện cho sự bất lực, chứ không nhân danh tình yêu thương nào cả. Hãy thừa nhận sự thật đó, và nếu là cha mẹ, hãy nhìn nhận vấn đề của bản thân trong việc dạy con để chủ động đi tìm giải pháp hiệu quả. Bảo vệ trẻ em, theo định nghĩa trong luật, nghĩa là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tôi đọc thấy những người hàng xóm cũng đã có một vài nỗ lực báo với Ban quản lý tòa nhà về trường hợp này, nhưng đúng là có lẽ vì vừa là tâm lý ngại va chạm (không phải chuyện nhà mình), và cũng không có được đầy đủ thông tin về việc nên báo với cơ quan nào có thẩm quyền, hoặc cũng có thể thật sự không thể can thiệp vì không biết sự việc sẽ đi đến đâu - mà dẫn ra cơ sự này. 

Ở nước ngoài, họ thường có những văn bản quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của người liên quan quanh trẻ bị ngược đãi, cũng như tài liệu miễn phí cho cộng đồng để hướng dẫn cụ thể từng bước cần liên hệ ở đâu. Quy định tóm tắt là: Ngay khi có đủ lý do hợp lý để tin rằng một đứa trẻ mà họ biết (trong các mối quan hệ như người chăm sóc, hàng xóm, dạy dỗ, huấn luyện, chăm sóc y tế) có dấu hiệu đang bị ngược đãi, bạo hành hoặc bỏ rơi, người lớn này cần phải báo ngay cho số Hotline bảo vệ trẻ em. Trách nhiệm của nhân viên đường dây nóng là xác định xem thông tin mà người báo cáo đưa ra có đáp ứng các yêu cầu pháp lý hay không để bắt đầu tìm hiểu và điều tra. Ví dụ, đối với hệ thống phúc lợi trẻ em của Mỹ, đa số các bang đều áp dụng hình phạt tiền hoặc giam giữ đối với những người báo cáo bắt buộc nếu họ cố ý không báo cáo khi có nghi ngờ rằng một đứa trẻ đang bị ngược đãi, bạo hành hoặc bỏ rơi. 

Tuy nhiên, để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị ngược đãi, bạo hành hoặc bỏ rơi một cách trọn vẹn cần có cả một hệ thống liên ban ngành liên quan để thực thi các công việc cấp bách theo sau đó. Điều gì sẽ xảy ra với trẻ sau khi có người báo cáo về tình huống này, con sẽ tiếp tục ở nhà hay đi “trú nạn” nơi khác, và hệ thống những nhà lưu trú cho con có được đảm bảo sẵn sàng hay chưa? Nếu người chăm sóc trẻ bị bắt, ai sẽ là người chăm sóc thay thế và đảm bảo các quyền lợi được nuôi dưỡng và chăm sóc đúng chuẩn mực? Nếu không có ai chăm sóc thay thế, và cũng không có nơi lưu trú, vậy thì con vẫn sẽ quay về ở cùng với người đã bạo hành và gây tổn hại con, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Cá nhân tôi nghĩ, có rất nhiều vấn đề “dắt dây” sau đó không có câu trả lời hay giải pháp rõ ràng cụ thể, nên phải chăng đây cũng là lí do mà những người xung quanh ngại ngần báo cáo? Tôi nghe không ít người nói rằng: “Nếu ba/ mẹ bị bắt, rồi ai nuôi đứa nhỏ? Đứa nhỏ ở với ai?”.

Cư dân mạng tưởng nhớ bé N.T.V.A

Cư dân mạng tưởng nhớ bé N.T.V.A

Là một chuyên gia đào tạo làm cha mẹ và nuôi dạy con tích cực, theo chị làm thế nào để các bậc phụ huynh chuyển từ dạy con bằng đòn roi sang giáo dục bằng kỷ luật tích cực?

Ngoài việc xử phạt nghiêm minh theo pháp luật những hành vi xâm phạm trẻ, tôi tin rằng còn một nhiệm vụ vô cùng quan trọng chính là làm sao phòng ngừa và ngăn chặn những sự vụ tương tự, và điều này cần bắt đầu từ trong chính từng gia đình một. Hãy hỗ trợ cho các bậc cha mẹ để họ có thể nâng cao năng lực làm cha mẹ và nuôi dạy con, bằng cách cung cấp cho họ đầy đủ thông tin và kiến thức liên quan trong trách nhiệm này. Rất nhiều vấn đề xảy ra khi cha mẹ bị căng thẳng và stress vì không hiểu rõ giai đoạn phát triển và các nhu cầu của con trong từng thời kỳ. Vì sự hiểu lầm này mà họ có thể nghĩ là con đang “kiếm chuyện” với họ, và họ dần trở nên nóng giận, mất kiểm soát.

Cha mẹ cũng cần được biết về các cơ quan dịch vụ hỗ trợ về mặt tâm lý tinh thần và kể cả các nguồn hỗ trợ phúc lợi xã hội. Vì chính những căng thẳng cá nhân, cuộc sống, hay những tổn thương mà họ có sẵn từ trong quá khứ và tuổi thơ không được giải tỏa hay giải quyết, dẫn đến việc họ vô tình làm tổn thương con và xem con là nơi trút giận mỗi khi mất kiểm soát. Nếu có được những sự hỗ trợ cho nội tại, cha mẹ sẽ trở nên kiên cường hơn vì họ biết họ được giúp đỡ, tôi tin là họ sẽ sẵn sàng mở lòng để thay đổi và tiếp nhận kiến thức mới.

Để các bậc phụ huynh chuyển từ việc dạy con bằng đòn roi sang giáo dục bằng kỷ luật tích cực, với những phụ huynh có điều kiện về nội lực sẽ thuận tiện hơn các phụ huynh đang gặp khó khăn. Những thử thách mà phụ huynh thường chia sẻ với tôi đó là: không có sự đồng thuận của người bạn đời hay ông bà cùng chăm sóc cháu, họ sợ rằng một mình họ áp dụng phương pháp mới nhưng nhiều người cùng tham gia chăm sóc trẻ không đồng thuận thì khó có kết quả; không có ai giúp họ chăm sóc con và làm việc nhà để họ có thể dành thời gian học tập để thay đổi... Vì vậy, một cách thực tế nhất, để phụ huynh có thể thay đổi, đầu tiên họ cần phải nhận được những hỗ trợ để vượt qua các thử thách như tôi vừa nêu trên.

Liên quan đến cái chết của bé gái N.T.V.A (8 tuổi) ngụ tại chung cư Sài Gòn Pearl, sáng nay (ngày 28/12), Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP. HCM cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về tội hành hạ người khác.

Làm việc với cơ quan điều tra, Trang khai nhận, trong quá trình dạy bé V.A học online có đánh bé nhiều lần. Trước đây để đánh cháu bé, Trang đặt mua một roi mây trên mạng, sau một thời gian đánh thì roi mây bị gãy nên vứt đi. Sau đó, Trang lấy cây gỗ tròn đường kính khoảng 2,2cm, dài 90cm đánh tiếp vì cháu V.A tiếp thu chậm. Ngày 22/12, trong quá trình kèm cháu N.T.V.A học, cháu làm sai nhiều bài, Trang sử dụng cây gỗ tròn đánh nhiều lần vào mông cháu, bé có đỡ. Trang khai nhận có dùng sức mạnh đánh vào mông cháu bé, đánh nhiều cái, tới giờ không nhớ là đánh bao nhiêu cái, đánh trong khoảng nửa tiếng.

Thanh Huyền (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh