THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:13

Nhiều giải pháp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Theo đó, Bộ TT&TT đưa ra giải pháp cần xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý và các quy chế, quy trình phối hợp liên ngành. Cục An toàn thông tin cùng Viện Công nghệ phần mềm và Nội dung số Việt Nam sẽ chủ trì xây dựng bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ trên không gian mạng, nghiên cứu cập nhật xu hướng, phản ứng chính sách để triển khai kế hoạch này. Ngoài ra, một cổng tra cứu trực tuyến về phân loại trò chơi cũng sẽ được thành lập.

Nhiều giải pháp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng - Ảnh 1.

Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng an toàn trên môi trường mạng cho trẻ em.

Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cho các nhóm liên quan là nhóm biện pháp thứ hai. Thời gian tới, các cổng thông tin điện tử, ứng dụng trực tuyến và fanpage sẽ được thành lập để hỗ trợ trẻ em tra cứu, tiếp nhận thông tin chính xác, lành mạnh. Đây sẽ là nơi các em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, các cuộc thi nâng cao nhận thức, kỹ năng cho trẻ em sử dụng mạng an toàn cũng được tổ chức với tần suất cao hơn.

Ba là nhóm giải pháp về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ. Cục An toàn thông tin sẽ xây dựng nền tảng tích hợp tự động các phản ánh từ doanh nghiệp, cá nhân về những vụ liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, đồng thời ngăn chặn, gỡ bỏ dữ liệu và thông tin xâm hại trẻ em.

Nhóm thứ tư là hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ và kịp thời ứng phó với các vấn đề liên quan đến trẻ em ở môi trường mạng.

Nhóm biện pháp thứ năm là tăng cường hợp tác quốc tế, tham gia xây dựng tài liệu, cung cấp thông tin xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước về quyền trẻ em.

Quyết định được triển khai nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ của Bộ TT&TT tại Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025" tại Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền đến toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cha mẹ, giáo viên, người nuôi dưỡng trẻ về hiện trạng, các nguy cơ đối với trẻ em trên môi trường mạng và các kiến thức, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng. Kế hoạch đưa ra các khuyến nghị và tuyên truyền các kỹ năng số cơ bản cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng; cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; đồng thời triển khai các giải pháp, biện pháp kỹ thuật để phát hiện sớm, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Từ đó, thúc đẩy việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam trên môi trường mạng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng.

Kế hoạch này hướng tới việc đẩy mạnh thông tin để cơ quan, tổ chức cùng cha mẹ, giáo viên phát hiện các nguy cơ và định hướng trẻ tương tác an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng, trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ. Bên cạnh đó, những biện pháp cũng được kỳ vọng sẽ giúp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ trên môi trường mạng, thúc đẩy các ứng dụng an toàn phát triển.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định hiện hành. Lồng ghép từ nguồn kinh phí thực hiện một số chương trình, đề án có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được huy động từ nguồn tài trợ, viện trợ và huy động hợp pháp khác (nếu có). Quyết định  có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (30/7/2021).

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh