Người cao tuổi vất vả mưu sinh nơi phố thị
- Dược liệu
- 21:17 - 19/10/2018
Bỏ quê ra phố mưu sinh
Tại một góc nhỏ trên phố con phố Phùng Hưng (Hà Nội), ông Lê Thanh Nga (65 tuổi quê Thanh Hóa) kể “ trước đây ở quê tôi là một chủ tàu cá với hơn 10 thuyền viên, kinh tế cũng khá lắm, nhà cửa khang trang ti vi, tủ lạnh cái gì cũng có. Nhưng năm 2011 một tai nạn lao động ập đến lấy đi một cánh tay. Gia đình phải bán tàu, chạy chữa và trang trải nợ nần, 2 đứa lúc đó đang học lớp 9, 10 phải bỏ học đi làm phụ giúp gia đình. Không thể làm nghề đi biển được nữa, kinh tế gia đình cũng từ đó mà dần suy kiệt”.
Ở quê đồng không có chỉ toàn đất cát, cũng chẳng biết kinh doanh buôn bán gì. Không còn cánh tay để có thể đi biển, sức khỏe cũng ngày một kém đi, năm 2012 ông đành lặn lội ra Hà Nội tìm kế sinh nhai bằng nghề bán bông tăm, kẹo mút.
Trong những năm qua, lượng người lao động cao tuổi ra thành phố kiếm kế mưu sinh ngày càng cao
“ Cuộc sống mà, mình làm ăn đàng hoàng, chân chính là được, không có tội phạm gì. Hàng ngày đi qua ai thấy mình tàn tật mua ủng hộ thì mình cảm ơn, không mình lại đi” ông Nga chia sẻ.
Một ngày làm việc của ông thường bắt đầu từ 5h sáng đến 12 trưa, nghỉ ngơi đến 5h chiều ông tiếp tục công việc của mình đến tận 12h đêm mới về. Bữa nào khỏe thì đi cả sớm cả khuya, còn bữa nhọc chỉ bán đến 12h rồi về. Đã hơn 6 năm bươn trải tại Hà Nội, với ông Nga mọi ngõ ngách của thành phố giờ đây đã thuộc nằm lòng.
“ Công việc đi bán hàng rong vất vả lắm hàng ngày tôi vẫn đi bộ, rồi bắt xe buýt đến các điểm bán, cứ mỗi đêm đi đều đều cỡ 20 chục km. Nhưng thu nhập một ngày cùng lắm cũng chỉ 100 – 200 nghìn”- ông Nga chia sẻ.
Trên góc đường tàu ở phố Phùng Hưng, nơi được xem như xóm ngụ cư của những người cao tuổi từ tỉnh lẻ ra thành phố mưu sinh, không hiếm các hoàn cảnh như ông Nga.
Những người lao động trọ tại khu đường tàu này đến từ đủ mọi vùng quê từ Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An… Ở đây đa phần họ thuê trọ theo ngày, cứ 20 nghìn một ngày khi nào về quê thì về, 1 vài tuần rồi quay lên. Cuộc sống lăn lộn cả ngày trên đường phố, đến bữa thì vào ăn suất cơm bụi 20 nghìn đêm phòng trọ để nghỉ ngơi, nói là phòng nhưng thực chất có chỉ vỏn vẹn vài mét vuông, chen trúc nhau có khi chỉ đủ để ngả lưng ngủ một giấc.
Nhiều người cao tuổ lên thành phố khó tìm được những công việc ổn định
Bà Hoa (70 tuôi, quê Hà Nam) chia sẻ “ Gia đình ở quê có một mẫu ruộng, giờ bỏ cả chỉ làm 2 sào để lên đây làm thuê bưng bê cho các nhà hàng. Tôi đi làm từ 5h sáng đến 12h trưa được 160 nghìn, về nghỉ đến 5h chiều lại đi làm đến 12h đêm được 150 nghìn. Tính ra mỗi tháng cũng được khoảng 9 triệu bạc, làm ruộng biết bao giờ mới được từng đấy, nên không chỉ tôi mà nhiều người khác quyết định bỏ ruộng lên Hà Nội làm thuê”.
Bà Nguyễn Thị Ngát (62 tuổi, quê Nam Định) thì cho biết, ở quê những người lớn tuổi như bà rất khó tìm việc làm, các công ty, doanh nghiệp thì người ta cũng chỉ nhận người từ 40 tuổi đổ lại, còn quá tuổi như bà đa phần phải lên thành phố kiếm kế sinh nhai. Đã 10 năm qua, cứ sau vụ mùa bà cùng nhiều người dân trong làng lại lũ lượt kéo nhau lên Hà Nội làm nghề thu lượm đồng nát, cũng chỉ mong kiếm đủ để đóng tiền đình, tiền đám.
Còn sức khỏe thì còn đi làm
Khi được hỏi về việc mình sẽ tiếp tục ở Hà Nội kiếm sống đến bao giờ? ông Nga khẽ cười và nói “ tôi sẽ còn tiếp tục đi làm đến khi nào cảm thấy còn có sức khỏe để đi, khi con cái có cuộc sống gia đình ổn định. Rồi tôi mới nghĩ đến đến việc trở về quê nuôi con gà, trồng luống rau sống qua ngày”.
“ Con cái cũng còn phải làm để nuôi các cháu nó ăn học, mình bây giờ còn sức thì cũng phải đi làm kiếm đồng chứ, sao phụ thuộc vào con cháu được”. bà Ngát chia sẻ.
Trong vòng xoáy của kinh tế thị trường, trước những gánh nặng của cuộc sống mưu sinh. Không ít người lao động cao tuổi từ khắp các miền quê nghèo vẫn đang đổ về các đô thị lớn như Hà Nội, Tp HCM tần tảo lao động để nuôi bản thân và gia đình.
Đa số người lao động cao tuổi lên thành phố kiếm kế sinh nhai, vì không muốn trở thành gánh nặng cho con cái
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25%.
Theo báo cáo trên tại Việt Nam, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập thấp và bấp bênh. Trong số người cao tuổi tại Việt Nam, chỉ có khoảng 27% là có lương hưu và thu nhập ổn định, còn lại, 73% không có lương hưu, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải sống phụ thuộc vào con cái. Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người cao tuổi sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày.
Với những người như ông Nga, bà Hoa, bà Ngát... họ coi cuộc đời vất vả của mình chính là số phận, không một chút than trách, chẳng nghĩ ngợi khác hơn. Động lực và niềm vui lớn nhất của họ là sau nhưng tháng cặm cụi làm việc ở thành thị là tích cóp được chút tiền mang về quê, cho được cháu chắt ít ngàn ăn quà vặt, hưởng ít ngày thảnh thơi bên gia đình. Rồi lại quay trở lại thành phố kiếm sống, cho đến khi không thể nào cất bàn chân lên được nữa.