Ngừa thừa cân béo phì tuổi học đường
- Sức khỏe
- 20:07 - 29/04/2017
Sự gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì (TCBP) ở trẻ em nói chung và tuổi học đường nói riêng đang là một trong những mối quan tâm ở các quốc gia. Đúng là những đứa trẻ TCBP có thể chưa mắc ngay những căn bệnh do chứng béo phì gây ra như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, máu nhiễm mỡ... nhưng chúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành. Không những thế, TCBP ở trẻ tiểu học làm ngừng tăng trưởng sớm, hay mắc bệnh và kém thông minh.
Dinh dưỡng cân bằng rất quan trọng
Tuổi học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc, trí tuệ, thể lực của trẻ sau này. Đây cũng là giai đoạn trẻ tích lũy chất dinh dưỡng chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì.
Ở mỗi giai đoạn trong đời người, dinh dưỡng có sự khác biệt đáng kể. Giai đoạn học đường là giai đoạn quan trọng về dinh dưỡng. Không phải khi lớn lên tất cả những trẻ béo phì sẽ là những người lớn béo phì. Nhưng theo kết quả một cuộc nghiên cứu những người béo ở độ tuổi 26 là những đứa trẻ mập ở tuổi lên 7 nhiều gấp 3,9 lần; người béo ở độ tuổi 30 là những đứa trẻ mập ở độ tuổi 10-13 nhiều gấp 6,7 lần. Trẻ em khác với người trưởng thành vì chúng đang trong giai đoạn phát triển nên chúng vẫn cần phải hấp thụ những chất dinh dưỡng cần thiết. Không thể áp dụng chế độ ăn kiêng của người trưởng thành cho trẻ em. Do đó, dinh dưỡng cho tuổi học đường cần đạt được sự cân đối cả về số lượng và chất lượng. Tăng cân, giữ cân hay giảm cân: cần tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cũng như gây ra tình trạng trẻ TCBP rất khó kiểm soát.
Ngay từ tuổi học đường, nhà trường và gia đình cần giúp các em hiểu biết về dinh dưỡng, ăn uống khoa học, nguy cơ về sức khỏe do TCBP, dinh dưỡng hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực.
Cùng với chế độ ăn khoa học, cần cho trẻ tăng cường vận động để ngừa béo phì. Ảnh: TM
Nguyên nhân gây TCBP
Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, TCBP ở học sinh tiểu học tại 2 thành phố lớn là Hồ Chí Minh năm 1996 chiếm 12,2%; năm 2004 là 22,9%; năm 2009 là 42,3% và Hà Nội năm 1995 chỉ chiếm 3,3%; năm 2003 chiếm 7,9%; năm 2011 là 40,7%. Nguyên nhân TCBP ở trẻ em là do chế độ ăn giàu năng lượng, giàu chất đạm “trẻ không thích - ăn ít hoặc không ăn; trẻ thích - ăn nhiều” dẫn đến mất cân bằng về dinh dưỡng; Trẻ ít hoạt động thể lực; Trẻ ăn thức ăn chế biến sẵn, thức ăn có chỉ số đường huyết cao; Cha mẹ, ông bà thích trẻ bụ bẫm.
Không ít người vẫn giữ một quan niệm là trẻ con thì phải trắng và béo mới là tốt. Họ không biết rằng trẻ em TCBP là một mối đáng lo ngại cho sức khỏe. Có nghiên cứu cho rằng, trẻ TCBP thiếu vitamin D, thiếu sắt, thiếu kẽm cao gấp 2 lần trẻ bình thường, trẻ TCBP có chỉ số trí tuệ kém hơn trẻ em phát triển bình thường.
Lời khuyên của thầy thuốc
Một số ít đứa trẻ ở độ tuổi học đường tỏ ra thực sự quan tâm đến hình thể và sức khỏe của mình thì sẵn sàng thực hiện một thói quen ăn uống khoa học, tốt cho sức khỏe hay một chế độ ăn kiêng nghiêm túc. Nhưng hầu hết trẻ TCBP khó thực hiện ăn kiêng kết hợp với rèn luyện thể lực như một người lớn. Khả năng hấp thu tốt - tích lũy mỡ trong một đứa trẻ tăng thì những tế bào mỡ trong cơ thể chúng cũng tăng lên rất nhanh và khó có thể kiểm soát được sự gia tăng này. Ngoài vấn đề sức khỏe, những đứa trẻ TCBP thường hay bị bạn bè trêu trọc sẽ trở nên nhút nhát, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển nhân cách và giao tiếp của các em với mọi người xung quanh và môi trường xã hội. Chính vì vậy, “phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh” và phòng béo là cách tốt nhất đối với những trẻ sắp trở nên béo phì.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng có thể làm giảm cân cho trẻ bằng cách ăn ít cơm. Thực chất gạo là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, một đứa trẻ không ăn cơm có thể trở nên lười hoạt động và buồn ngủ, thậm chí càng dễ tăng cân hơn. Trẻ ăn quá nhiều chất bổ dưỡng nhưng lại không đạt tới chế độ dinh dưỡng cân bằng, chẳng hạn các em ăn quá nhiều chất đạm, đường nhưng lại không đủ lượng các sản phẩm chế biến từ sữa, ăn quá ít chất xơ, rau quả giàu vitamin và khoáng chất. Do vậy, ở mọi lứa tuổi, cần thường xuyên theo dõi cân nặng của trẻ nhằm phát hiện sớm trẻ TCBP để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn, đồng thời tăng cường rèn luyện thể chất cho trẻ.