Ngư dân hỏi, Bí thư Tỉnh ủy trả lời: Gỡ xong nút căng thẳng
- Tây Y
- 20:18 - 07/03/2016
Du lịch biển là lợi thế của Sầm Sơn
Mở đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã thông tin tóm tắt về một số dự án đầu tư phát triển kinh tế và đặc biệt là các dự án về phát triển du lịch ở thị xã Sầm Sơn. Theo đó, phát triển du lịch là 1 trong 5 mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế của Thanh Hóa từ năm 2015 – 2020, mà trong đó thị xã Sầm Sơn sẽ được xây dựng thành đô thị trọng điểm về du lịch của Quốc gia.
Bà Hà Thị Bản trình bày tâm tư nguyện vọng tại buổi đối thoại.
Cũng theo ông Quyền, trong những năm gần đây, Sầm Sơn, Thanh Hóa luôn là địa chỉ thu hút lớn vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. UBND tỉnh Thanh Hóa vừa qua đã đầu tư nhiều dự án lớn như: Đại Lộ Nam Sông Mã (có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng), Dự án Ngã Ba Voi đi Sầm Sơn (gần 800 tỷ đồng), Dự án Đường Hồ Xuân Hương (450 tỷ đồng) và một số dự án khác của tỉnh hoặc doanh nghiệp đầu tư. Đơn cử như Tập đoàn FLC đầu tư sân gofl, khu du lịch sinh thái....
Bí thư tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến trả lời tại buổi đối thoại
"Riêng đối với Dự án "Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, Thị xã Sầm Sơn" nhằm khai thác tối đa 3,5km bãi biển, cải thiện môi trường hình ảnh du lịch. Không có chuyện tỉnh giao đất cho tập đoàn FLC. Đây là chủ trương của tỉnh Thanh Hóa và tập đoàn FLC chỉ là một nhà thầu triển khai dự án. Đây là lợi thế của Sầm Sơn, của tỉnh Thanh Hóa, đưa du lịch Sầm Sơn từ phát triển kinh doanh một mùa sang 4 mùa. Dự án được xây dựng với 13 khu chức năng, tổng giá trị xây lắp khoảng 316 tỷ đồng và sẽ đưa vào sử dụng trước ngày 30/3/2016"- ông Quyền khẳng định
Ông Quyền cũng cho biết nhà đầu tư chỉ quản lý kinh doanh khai thác trong khu vực ki ốt tại dự án không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, Thị xã Sầm Sơn... "Người dân Sầm Sơn vẫn tiếp tục đăng ký buôn bán các dịch vụ, bờ biển vẫn là của Sầm Sơn, của người dân Sầm Sơn"- ông Quyền nhấn mạnh.
Mong được giữ nghề truyền thống
Ghi nhận của Phóng viên Báo Lao động và Xã hội tại buổi đối thoại có 13 ý kiến đại diện cho hơn 700 ngư dân là chủ phương tiện của 705 tàu, thuyền (bè, mủng) của ngư dân huộc xã Quảng Cư và các phường: Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn, bị ảnh hưởng bởi dự án quy hoạch "Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương", thị xã Sầm Sơn đã trình bày những tâm tư nguyện vọng của mình. Hầu hết các ý kiến của người dân đều bày tỏ tâm tư, nguyện vọng muốn giữ lại 500 - 1.000m bờ biển cho người dân tiếp tục bám nghề chứ không muốn nhận tiền đền bù, hỗ trợ.
Đại diện các hộ dân trình bày tâm tư nguyện vọng
Cứ bình thường làm như trước đây!
Tại buổi đối thoại, lắng nghe kiến nghị của bà con ngư dân, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến chia sẻ: "Với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của cấp ủy, chính quyền tỉnh tôi thấy mình có khuyết điểm và có trách nhiệm với bà con ngư dân”.
Người dân vui mừng sau kết luận của Bí thư Tỉnh ủy
Bí thư tỉnh ủy cũng cho rằng: "Chủ trương của Chính phủ, của tỉnh là hoàn toàn đúng đắn, vì Sầm Sơn và vì bà con Sầm Sơn nhưng một bộ phận bà con không hiểu. Trong quá trình thực hiện dự án của nhà nước và các nhà đầu tư thì rất nhiều người đã hi sinh lợi ích của mình để cho sự phát triển đi lên của thị xã.
Sầm Sơn là bãi biển đẹp nhất cả nước, có tiếng hàng trăm năm nay nhưng chưa khai thác hết thế mạnh. So với các bãi biển ở Hạ Long, Nha Trang, Cửa Lò việc quy hoạch bãi tắm, bến thuyền còn chậm từ 7-15 năm. Vì vậy, tỉnh Thanh Hóa chủ trương quy hoạch nhằm đưa Sầm Sơn thành bãi biển đẹp nhất. Trong quá trình quy hoạch, ngư dân tại các đơn vị bị ảnh hưởng được hỗ trợ, tuy nhiên đa số người dân chưa đồng tình. Đây là chủ trương đã có từ lâu nhưng chính sách thì mới ban hành ngày 1/3/2016 cho nên người dân chưa thấy được lợi ích từ chính sách này...
Từ những nhận định trên, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh: “Nếu ngư dân đồng ý với chính sách hỗ trợ của tỉnh theo quyết định 705 ngày 1/3/2016 thì nhận tiền hỗ trợ, thực hiện các cam kết. Bà con nào vì nhiều lý do khác nhau mà chưa thông với chủ trương chính sách của tỉnh thì cứ làm bình thường như trước đây. Tỉnh chưa có quyết định di dời bến neo đậu thuyền tại thị xã Sầm Sơn, do đó người dân cứ khai thác, hoạt động bình thường. Đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đảm bảo cuộc sống bình thường của người dân địa phương; hỗ trợ ngư dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất hiệu quả; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có vi phạm kích động người dân có những hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ ngư dân phù hợp, hỗ trợ tuyên truyền, vận động thống nhất với bà con ngư dân, khi đủ điều kiện cần thiết mới tổ chức chuyển sang bến mới”.