CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:55

Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn: Không có chuyện tỉnh giao đất toàn quyền cho FLC

 

Bến thuyền của ngư dân nằm chung với bãi tắm biển - Ảnh: Tiến Luyến


Dự án của tỉnh Thanh Hoá - FLC chỉ là nhà thầu

* Thưa ông, gần đây có thông tin về việc “người dân đòi tỉnh trả lại đất giao cho FLC”. Cụ thể, việc này nên được hiểu thế nào?

- Trước hết phải khẳng định, việc thị xã Sầm Sơn đang triển khai cải tạo, nâng cấp bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương theo chủ trương xây dựng bờ kè và quy hoạch đồng bộ, chỉnh trang bãi biển Sầm Sơn của tỉnh Thanh Hóa.

Đây là chủ trương của tỉnh Thanh Hóa và tập đoàn FLC chỉ là một nhà thầu triển khai dự án. Hoàn toàn không có chuyện tỉnh “giao đất” toàn quyền cho FLC như cách hiểu của một số người.

Tập đoàn FLC là đơn vị đã được tỉnh lựa chọn làm nhà thầu thi công dự án này theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) sau khi đã cân nhắc phương án sử dụng ngân sách, cũng như sau khi mời gọi các nhà thầu khác nhưng họ từ chối.

 Quá trình lập quy hoạch và mời thầu dự án hoàn toàn tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành.

Trong quá trình triển khai dự án, một bộ phận người dân chưa hiểu hết về bản chất của dự án cũng như những lợi ích chung to lớn mà dự án mang lại nên đã có ý kiến phản đối việc tỉnh “giao đất” cho FLC.

FLC chỉ được giao là nhà thầu BOT xây dựng, khai thác chuyển giao các hạng mục theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt như các ki-ốt, các điểm tắm tráng, chỉnh trang cảnh quan đô thị cho toàn bộ tuyến đường dài 3,5 km.

Mọi hạng mục khác ngoài những hạng mục này vẫn thuộc sự quản lý của tỉnh và thị xã, như mặt biển, bãi cát...

Dự án mang lại nhiều lợi ích lớn cho địa phương. Theo đó, toàn bộ bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương sẽ được cải tạo theo hướng hiện đại, thân thiện và hấp dẫn. Các ki-ốt kinh doanh tự phát trước đây sẽ được thay thế bằng hệ thống cửa hàng hiện đại và quy củ, khu vực bến đậu của ngư dân sẽ được dịch chuyển sang vị trí khác.

* Chủ trương quy hoạch đồng bộ, chỉnh trang bãi biển Sầm Sơn của tỉnh Thanh Hóa có từ bao giờ, thưa ông?

- Tỉnh đã muốn làm từ nhiều năm trước, nhưng nguồn vốn ngân sách không đủ để thực hiện. Vì vậy sau khi cân nhắc quyết định, tỉnh đã quyết định lựa chọn hình thức BOT cho dự án này.

 Trong đó, không chỉ bao gồm việc cải tạo, nâng cấp bờ biển hiện nay, mà còn bao gồm cả việc mở rộng khu du lịch biển này về phía cuối đường Hồ Xuân Hương, kéo dài đến giáp bờ Sông Mã, thuộc địa bàn xã Quảng Cư, nơi đã thay đổi thành một quần thể du lịch nghỉ dưỡng lớn như hiện nay.

* Tại sao lại là FLC mà không phải là doanh nghiệp khác thực hiện triển khai dự án này?

- Trước khi chọn FLC, chúng tôi đã đặt vấn đề với nhiều doanh nghiệp khác, nhưng tất cả đều từ chối. Bởi dự án cải tạo bờ biển Sầm Sơn đòi hỏi một số tiền đầu tư không nhỏ, ước khoảng 250 tỷ đồng, trong khi các quyền khai thác kinh doanh của nhà đầu tư để thu hồi vốn lại sẽ bị hạn chế, nhằm đảm bảo đây vẫn là một bãi biển công, chia sẻ lợi ích cho mọi người, đặc biệt là người dân thị xã Sầm Sơn.

Và cho dù FLC được giao đầu tư xây dựng và sau đó là phải chịu trách nhiệm về cảnh quan, môi trường toàn bộ khu vực dự án, nhưng họ cũng chỉ được khai thác kinh doanh tại các cửa hàng tiện ích và khu tắm tráng. Việc thu hồi vốn đầu tư thậm chí dự kiến phải kéo dài đến gần 30 năm.

Tuy nhiên, FLC là nhà đầu tư lớn tại Thanh Hóa, trong đó có quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, nên việc cải tạo các khu vực hạ tầng du lịch khác tại tỉnh, đặc biệt là Sầm Sơn cũng sẽ gián tiếp mang lại lợi ích cho tập đoàn này.

Phối cảnh một đoạn bãi biển Sầm Sơn theo quy hoạch mới 

Tỉnh đã có đề án riêng biệt di chuyển bến thuyền

 * Ông có thể nói rõ hơn về đề án di chuyển bến thuyền của ngư dân hiện nằm chung với bãi tắm?

Đây là một đề án riêng biệt của tỉnh, nằm trong mục tiêu quy hoạch chuyển đổi nghề cho bà con, quy hoạch lại các khu bến thuyền để phục vụ khách du lịch.

Việc di chuyển bến thuyền tỉnh đã muốn làm từ rất lâu. Bởi như chúng ta cũng thấy, hầu hết bãi biển du lịch từ Nam ra Bắc hiện nay không còn tình trạng bến thuyền nào nằm chung với bãi tắm biển. Vì đặc thù của bến thuyền ngư dân là thường không đảm bảo vệ sinh môi trường, nhiều rác bẩn và có mùi tanh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân tắm biển và khách du lịch.

Phía tỉnh đã có một đề án riêng về di chuyển bến thuyền này, kết hợp với quy hoạch khu bến thuyền mới và các chế độ chuyển đổi nghề hỗ trợ. Tuy nhiên, do tiến độ gấp của dự án để phục vụ mở cửa biển hè năm 2016 mà nhà thầu buộc phải thi công trước các hạng mục ki-ốt.

Chính quyền địa phương cũng đang đợi thống nhất lần cuối về đề án di dời bến thuyền nên chưa kịp phổ biến cho bà con ngư dân, gây ra sự hiểu lầm mấy ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc FLC bị cho là “lấy đất”.

Tôi xin khẳng định lại lần nữa, đây là dự án của tỉnh, chủ trương của tỉnh, và đây là một chủ trương đứng đắn, thực hiện theo nghị quyết của đại hội Đảng bộ tỉnh khoá 12, lấy du lịch là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế.

FLC chỉ là một đơn vị trúng thầu BOT dự án quy hoạch và cải tạo lại không gian ven biển.

* Ông đánh giá thế nào về những lợi ích chung mà các dự án của FLC mang đến cho Sầm Sơn và Thanh Hóa?

- Trước khi FLC đầu tư xây dựng quần thể FLC Sầm Sơn, khu vực có dự án chỉ là một vùng đầm lầy đất trũng, hầu như không mang lại lợi ích gì, thậm chí còn có nhiều tệ nạn xã hội.

FLC đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào xây dựng hạ tầng, khu nghỉ dưỡng..., cũng như tham gia cải tạo bộ mặt du lịch Sầm Sơn, góp phần nâng cấp toàn bộ hạ tầng, thu hút khách du lịch, đặc biệt là tạo thêm hàng ngàn công ăn việc làm cho lao động địa phương, đồng thời nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng.

Được biết, ngay trong tháng 3 này, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế  FLC Sầm Sơn, Tập đoàn FLC sẽ tổ chức các “Ngày hội tuyển dụng” vào thứ Năm hàng tuần, số lượng lao động cần tuyển lên đến trên 1.000 người, trong đó có ưu tiên lao động địa phương.

Một lợi ích quan trọng khác là góp phần thay đổi tính chất du lịch của Sầm Sơn từ theo mùa thành quanh năm, đồng thời kích thích các doanh nghiệp khác đầu tư vào Thanh Hóa.

Lắng nghe ý kiến của dân, tỉnh quyết định hàng loạt chính sách hỗ trợ 

Trả lời báo chí, ngày 2-3, ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đã ký quyết định ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân xã Quảng Cư, phường Trường Sơn, Trung Sơn và Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn bị ảnh hưởng của dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương - thị xã Sầm Sơn”.

Theo đó, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ việc giải bản (tức tháo dỡ, phá bỏ - PV) tàu, thuyền (bè, mủng) dưới 20 CV cho chủ phương tiện đang hành nghề khai thác hải sản trên địa bàn các xã, phường liên quan đến dự án trên với mức hỗ trợ 70 triệu đồng/bè (bao gồm bè, ngư lưới cụ, trang bị an toàn, trang bị hàng hải), 50 triệu đồng/mủng (thuyền thúng).

Những bè, mủng khi phá bỏ phải cam kết không đóng mới, mua mới, sử dụng tàu, thuyền có công suất máy chính dưới 30 CV.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ hộ gia đình (theo số khẩu thực tế), có tàu, thuyền khai thác hải sản có công suất máy chính dưới 20 CV giải bản 30 kg gạo tẻ/khẩu/tháng (trong 6 tháng) để ổn định đời sống. Khi ngư dân tìm nghề mới, chính quyền sẽ hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ có bè và 8 triệu đồng/hộ có mủng. Nếu hộ gia đình nào giải bản trước ngày 15-3 thì được thưởng 10 triệu đồng/bè hoặc mủng.

Quyết định này cũng nêu rõ, nếu tàu, thuyền nào giải bản muốn đóng mới tàu cá có công suất từ 30 CV - 400 CV sẽ được hỗ trợ 1 lần sau đầu tư là 35% giá trị đóng tàu mới (tương đương với mức lãi suất hỗ trợ khi vay vốn ngân hàng). Mức hỗ trợ thấp nhất là 125 triệu đồng, cao nhất là 250 triệu đồng.

Theo ông Ngô Hoàng Kỳ, đây là một dự án quan trọng làm thay đổi bộ mặt của Sầm Sơn nên tỉnh đã cân nhắc rất kỹ để đưa ra mức hỗ trợ hợp lý nhất. Việc giải bản tàu thuyền dưới 20 CV, đánh bắt gần bờ, để thay thế tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ cũng hợp với chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. 

TIẾN LUYẾN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh