Ngổn ngang bãi thải trên hành lang thoát lũ sông Lạch Trường
- Tây Y
- 20:55 - 11/08/2017
Bãi thải cao hơn cả nhà dân
Dự án nạo vét sông Lạch Trường được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt từ năm 2011, thực hiện nạo vét sông này (đoạn từ cầu Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa qua các huyện Hậu Lộc, huyện Hoằng Hóa) có tổng chiều dài 29 km. Theo thiết kế, dự án sẽ nạo vét từ lòng sông lên hơn 2 triệu m3 cát, sỏi, bùn các loại, với tổng mức đầu tư hơn 828,6 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ 2012 - 2017, do Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa làm chủ đầu tư, được giao trực tiếp cho Ban Quản lý dự án giao thông 2 Thanh Hóa thực hiện.
Để có bãi chứa chất thải nạo vét, chủ đầu tư đã làm việc với UBND các huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc, mượn mặt bằng ở các huyện này và cam kết với chính quyền địa phương khi thi công xong, chủ đầu tư và nhà thầu sẽ bàn giao lại nguyên trạng. Nhưng dự án đã kết thúc từ đầu năm 2017, đến nay, các bãi thải vẫn nằm chất đống ngay trong hành lang thoát lũ của sông Lạch Trường, vi phạm luật Đê điều, đi ngược với mục đích của dự án là phục vụ tiêu thoát lũ, phòng chống lụt bão.
Ông Chu Hữu Đạo, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Hoằng Hóa, cho biết: “Mục tiêu của dự án nhằm tiêu thoát lũ trên sông Lạch Trường hiệu quả hơn, nhưng sau khi nạo vét, bùn thải lại bị chất đống ngay trên hành lang thoát lũ là hết sức vô lý. Chúng tôi cũng đã tham mưu cho huyện, Chi Cục quản lý đê điều có ý kiến với chủ đầu tư để họ thanh thải, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, đến hết tháng 7.2017, vẫn tồn tại 6 bãi thải ở các xã Hoằng Phúc, Hoằng Hà, Hoằng Đạt và Hoằng Yến. Các bãi thải đều chất đầy chất thải cao từ 2 - 4 m, có bãi chứa hơn 1.000 m3. Đầu năm 2017, khi dự án kết thúc, UBND huyện Hoằng Hóa nhiều lần có văn bản đề nghị chủ đầu tư thanh thải các bãi thải nhưng Ban Quản lý dự án giao thông 2 Thanh Hóa nại rằng, các xã đã nhận bàn giao lại mặt bằng và đã ký, việc còn lại xử lý thế nào là việc của xã.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Tuấn Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông 2, cho rằng đến thời điểm này, dự án đã thực hiện xong, Ban đã hết trách nhiệm vì các xã đã ký nhận bàn giao mặt bằng. Ông Dũng cũng thừa nhận là nhiều bãi thải đang còn chất thải, nhưng Ban đưa ra phương án cho các xã tự lấy sử dụng san lấp những chỗ trũng thấp, các công trình dân sinh, xã hội của địa phương.
Ngoài ra, trong biên bản bàn giao lại mặt bằng cho các xã, Ban Quản lý dự án giao thông 2 Thanh Hóa còn khẳng định “dự án không còn liên quan và nhà thầu thi công không được bơm thải hay đào xúc vận chuyển chất thải trên bãi chứa kể từ ngày 17.6.2017”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Tuy, Phó chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, khẳng định đến ngày 1.8, huyện vẫn chưa nhận bàn giao các bãi thải trên địa bàn. Việc các xã ký nhận bàn giao mặt bằng như Ban Quản lý dự án nói là không có giá trị pháp lý, bởi chính UBND huyện cho Ban Quản lý dự án mượn mặt bằng chứ không phải UBND các xã.
Cũng theo ông Tuy, ngày 11.7, UBND huyện Hoằng Hóa đã có báo cáo “cầu cứu” UBND tỉnh Thanh Hóa và các sở, ngành liên quan, trong đó nhấn mạnh lượng cát thải tập kết lớn tại các bãi thải đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ của sông Lạch Trường trong mùa mưa bão, và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải có trách nhiệm thanh thải các bãi thải trên, trả lại mặt bằng cho chính quyền địa phương.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
4 tháng trước
Tin nên đọc