Có phải do thoát lũ có vấn đề?
- Tây Y
- 21:20 - 04/08/2015
Trận mưa lụt lịch sử tại Quảng Ninh , nhiều nơi ngập sâu 1,5-2,0 m
Hậu quả trước mắt và lâu dài
Theo số liệu quan trắc được từ các trạm khí tượng, lượng mưa của cả đợt tính từ ngày 26-7 đến 3/8 (9 ngày) tại Cửa Ông vào khoảng trên dưới 1.500mm, lớn nhất từ trước đến giờ, bình quân mỗi ngày ngót 200 mm nước trên diện rộng. Chỉ vài trận mưa lớn khoáng 200 mm /ngày xem ra không quá bất bình thường vào mùa mưa bão vùng duyên hải cả nước, trong đó có Quảng Ninh, vậy mà Quảng Ninh đã bị ngập lụt sâu (1.5-2,0 m nước) nhiều ngày trên hầu như toàn tuyến đường 18 từ thị trấn Mạo Khê đến Tiên Yên, Ba Chẽ, ở giữa lòng các thành phố Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả...
Hậu quả là 17 người chết, thiệt hại trên 2.200 tỷ đồng (trong đó hơn 1.200 tỷ là thiệt hại của tập đoàn TKV), làm đổ sập hay cuốn trôi 104 ngôi nhà, ngập gần 9.000 ngôi nhà, trên 100 mỏ than, nhiều nhà máy bị hư hỏng thiệt hại, cắt điện nhiều khu vực nhiều ngày đêm (171 cột điện bị đổ, 251 trạm biến áp bị hỏng), ô nhiễm môi trường sống (hàng ngàn gia súc gia cầm chết trôi) và tắc nghẽn giao thông trên QL18 (chưa kể hậu quả lâu dài tiếp theo sẽ là ô nhiễm môi trường biển Hạ Long và Bái Tử Long do các chất độc hại công nghiệp trôi ra biển - hai vịnh kỳ quan thiên nhiên này nguy cơ ô nhiễm nặng).
Bãi thải ở phường Mông Dương (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) có nguy cơ sạt lở tràn xuống nhà dân (Ảnh Người lao động)
Những ngày qua, Quảng Ninh đã khẩn trương tập trung mọi lực lượng khắc phục hậu quả trận lụt nhằm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân . Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận của các cấp các ngành Quảng Ninh.
Hậu quả trước mắt là như vậy, nhưng bao nhiêu công sức và tiền của để phục hồi môi trường không tính hết được sau đó. Hậu họa cho mai sau còn nguy hại hơn khi môi trường nước sông và biển bị độc hại khó có khả năng phục hồi do một lượng lớn các chất kim loại nặng, độc hai như chì, arsenic, boron, barium, cadmium, manganese, selenium, thallium... trôi ra sông, ra biển. Các phong trào môi trường Quốc tế (như Waterkeeper Alliance) đã phải lên tiếng cảnh báo.
Cân bằng tự nhiên có bị phá vỡ ?
Không có gì báo hiệu những trận mưa lũ bất thường từ phía các cơ quan khí tượng thủy văn, sự thản nhiên “bình chân như vại” khi mưa đến vì chỉ mưa thôi mà, cái mùa mưa hàng năm vẫn đến như thường lệ. Và sự bình thường được ghi nhận từ cơ quan khí tượng thủy văn lượng mưa thực tế chỉ có khoảng 200 mm/ ngày. Theo tiến sĩ H, người đã có nhiều năm làm đại diện Việt Nam trong Ủy ban Sông Mêkông, nói: thời tiết Quảng Ninh không có gì quá bất thường cả, thậm chí không có gì quá bất thường hơn trong vòng 10 năm gần đây, chứ không nói đến là quá bất thường trong 40 năm nay Lý do chính mà Quảng Ninh “bình chân như vại” trước những cơn mưa lớn vào các mùa mưa là vì toàn tỉnh nằm trên thế đất dài, hẹp và dốc ngang: dựa dọc theo một bên là vòng cung núi Đông Triều dài đến 200-300kms và một bên là sông Bạch Đằng rồi vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long...
Đơn giản là thế đất nghiêng của Quảng Ninh giáp biển, luôn thóat nước mưa nhanh chóng sau mọi cơn mưa, nhanh hơn rất nhiều so với các địa phương khác.Thế nhưng, chỉ khi hậu quả tàn khốc của mấy ngày mưa bình thường dồn lại như trên mới làm Quảng Ninh ngập lụt nặng nề và bị động, hiện tượng chưa từng có trong vòng 40 năm qua.Vậy chuyện gì thực sự đã xảy ra với trời đất Quảng Ninh? Phải chăng là: một hoặc nhiều cái ngưỡng tự nhiên của vùng đất này đã bị “sự phát triển kinh tế-xã hội nóng” phá vỡ, làm đảo lộn sự cân bằng ổn định của môi trường tự nhiên ?
Có nguyên nhân tích tụ: từ “phát triển nóng” ?
Mọi sự kiện đều có nguyên nhân đích thực của nó đã tồn tại trước đó. Không nên chỉ quy kết hết cho tại “ông Trời” mà nên tìm xem ngoài nguyên nhân đó còn có nguyên nhân nào khác?. Ngoài việc khắc phục hậu quả nặng nề đã xảy ra, mà nhiều thứ không thể “khắc phục” được thì việc tìm ra nguyên nhân để không chế và triệt tiêu các nguyên nhân đích thực của các hiện tượng nguy hại mới là trách nhiệm và nhiệm vụ quan trọng nhất để đảm bảo phát triển an toàn và bền vững cho địa phương và cho người dân.
Quảng Ninh là tỉnh phát triển kinh tế “nóng” mấy chục năm gần đây. “Nóng” cũng có nghĩa là nhanh mà chưa chú trọng đúng mức đến việc bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái,... Tăng trưởng “nóng” tức là phát triển không bền vững, sẽ tiềm ẩn khủng hoảng môi trường, kinh tế và xã hội. Và có thể Quảng Ninh hiện nay đang “nóng” như vậy.
Nhìn lại, chuyện gì đã xảy ra với môi trường Quảng Ninh trong vòng khoảng 15-20 năm qua, vì lý do phát triển kinh tế? Theo tiến sỹ H và các nhà bảo vệ môi trường, Có thể nguyên nhân đang có năm xu hướng chính sau:
Thứ nhất, gia tăng khai thác than vô tội vạ, từ vài chục mỏ than lên vài trăm mỏ than khắp dọc tỉnh, từ phía tây đến đông (các huyện Ba Chẽ Tiên Yên) mà không chú trọng việc phục hồi môi trường trong và sau khi khai thác, tạo nên các núi đất đá và than lớn dọc bên trái (đi từ Hà Nội) đường 18 xuyên gần cả tỉnh, gây ô nhiễm đất, không khí, nước những vùng rộng lớn.
Thứ hai, tăng tốc qui hoạch và gọi đầu tư các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư dọc bên phài đường 18 và bên trái sông Bạch Đằng sát bờ biển - vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, vốn là những vùng đất thấp xấp xỉ mặt nước giúp thoát nước mưa lũ từ trên rừng núi cao.
Quảng Ninh là tỉnh đứng top 5 trên cả nước về số lượng các KCN, KĐT, KDC... được quy hoạch, nhưng đứng đầu về độ bao phủ đầu tư rất thấp. Trong khi đó, để phát triển như Singapore (có GDP gấp rưỡi Việt Nam, trên 307 tỷ USD), Singapore chỉ cần số lượng và diện tích KCN, KĐT, KDC bằng khoảng 1/3 như tỉnh Quảng Ninh hiện đang có. Hầu hết các KCN, KĐT, KDC này giáp biển và chắn đường thoát lũ.
Thứ ba, Khi lấy đất đá khai thác than bên trái QL18 đổ sang bên phải QL18 để nâng cao mặt bằng cho các KCN, KĐT, KDC, một công đôi việc, vừa khai thác than rẻ hơn (không phải có chỗ chứa và xử lý các núi đất đã thải) vừa có mặt bằng khi san lấp các KCN, KĐT, KDC lớn để kêu gọi đầu tư, giá thành rẻ. Chính cái ưu thế này mà Quảng Ninh dư thừa các KCN, KĐT, KDC nhưng cũng chưa thấy tạm dừng việc “đầu tư” vào chúng .
Ngoài ra, một lượng lớn các mỏ than thổ phỉ do “đầu nậu” thu gom và bán phá giá sang TQ theo đường tiểu nghạch nhiều năm nay mà chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Yêu cầu bảo vệ môi trường cả trong khai thác than và trong đầu tư các hệ thống thoát nước trong các KCN, KDC, KĐT đó bị xem nhẹ - dù cho việc thoát nước mưa bình thường, chưa phải mưa “sự cố” tích tụ như hiện tượng lũ lụt vừa qua.
Thứ tư, trong khoảng chục năm gần đây, phong trào đào núi san đồi làm nhà, làm trang trại của dân phát triển rầm rộ do thu nhập tăng cao và thu hoạch của việc khai thác “than thổ phỉ”, “than tự phát chưa quản lý được”... tạo thêm hàng ngàn hàng vạn “mỏ đất”, mỏ đá lộ thiên khắp Quảnh Ninh, tạo nguồn cung đất đá trôi nổi tự do dồi dào vô tận cho các cơn mưa lớn nhỏ cuốn đi
Thứ năm, Rừng đầu nguồn của các con suối của Quảng Ninh không được chú trọng trồng để phủ xanh những khu vực khai thác đầu nguồn . Khi mưa lũ, đất đá bị cuốn xuống sông suối làm cho sông suối cạn trơ trọi vì toàn đất đá mà không được kịp thời nạo vét khơi thông dòng chảy.
Năm vấn đề trên diễn ra liên tục và dữ dội, đan xen nhau tồn tại, tăng tốc, suốt mấy chục năm qua mà phớt lờ mọi nguy cơ đã được cảnh báo hay có thể nhìn thấy trước, tích tụ những hậu quả mà cơn “đại hắc thủy” hôm nay chỉ là kết quả tất yếu của một đợt mưa dài ngày, chưa phải quá mức bình thường, nhưng đã phá vỡ cân bằng sinh thái - môi trường sống Quảng Ninh.Có thể hình dung kịch bản mà đợt mưa dài ngày bình thường có thể tạo nên lũ lụt diện rộng ở Quảng Ninh như sau: mấy ngày đầu mưa sũng đất đá than “tự do” trên thượng nguồn, mấy trận mưa tiếp theo sẽ mang số đất đá tự do tích tụ trong mùa khô cuối đó nhanh chóng lấp kín những đường thoát nước ít ỏi còn lại bên đường 18 và lấp kín các đường thoát nhỏ hẹp trong các KCN, KĐT, KDC ven biển ven sông - tạo thành một con đê lớn rộng dọc theo bờ sông, bờ biển... suốt chiều dọc Quảng Ninh! Và những trận mưa tiếp theo nước của tất cả lưu vực hàng trăm các con suối nhỏ dồn về đường QL18 làm úng lụt các khu dân cư, thị trấn, thị xã, thành phố dọc trên trục đường 18, vì không có đường ra biển ra sông. Các đô thị Quảng Ninh đã trở thành mương, hồ chứa nước bùn đất đất của những ngày mưa tiếp... như ta đang thấy hiện nay.Như vậy có thể khẳng định là việc thoát lũ ở Quảng Ninh có nhiều bất cập!
Làm sao khắc chế “Đại hắc thủy”?
Điều quan trọng nhất là thái độ và cách xử lý “hậu quả thiên tai” của chúng ta từ Trung ương đến địa phương khi nhìn rõ các nguyên nhân đích thực như trên để tránh hậu quả lâu dài (như các hội bảo vệ môi trường thế giới chỉ ra).
Rồi mưa sẽ dừng, nước sẽ rút nhưng hậu quả lũ lụt để lại thì cần rất nhiều thời gian và tiền của để khắc phục nó!
Thiết nghĩ những ý kiến này có thể chưa hoàn toàn là chính xác nhưng cần được nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc để rút ra một bài học về bảo vệ môi trường và công tác thoát lũ cho tương lai.