CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:12

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Luật chỉ điều chỉnh 5 hình thức lao động theo hợp đồng

Gần 5 tỷ đôla mỗi năm từ nguồn lao động làm việc ở nước ngoài

Giải trình thêm về ý kiến của các đại biểu Quốc hội vào cuối giờ chiều ngày 17/6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau 12 năm thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là Luật số 72) đã khẳng định, Luật đã từng bước đi vào cuộc sống và đem lại những hiệu quả rất thiết thực. Hàng năm chúng ta có hơn 100.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện cả nước có hơn 580.000 người đang làm việc ở nước ngoài tại 43 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lĩnh vực này thời gian qua cũng đã được quan tâm chỉ đạo và phát triển tương đối nhanh.

"Philippines coi đây là một ngành công nghiệp và đào tạo rất cơ bản. Hiện nay Philippines bình quân một năm có khoảng 1 triệu người tham gia và mang về cho ngân sách nước này khoảng 20 tỷ đôla một năm. Còn chúng ta, theo con số tôi mới nắm được là xấp xỉ 5 tỷ đôla. Tỉnh thu nhập nhiều nhất từ nguồn lao động nước ngoài về xấp xỉ 300 triệu đôla một năm".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Luật chỉ điều chỉnh 5 hình thức lao động theo hợp đồng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình thêm về Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, nhiều vấn đề khó khăn cũng đã được tháo gỡ, thị trường truyền thống tiếp tục được duy trì, đặc biệt là với 3 thị trường lớn như Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản và chúng ta cũng mở được một số thị trường mới như Đức, Rumani, Ba Lan, gần đây là Hungary.

Qua luật này chúng tôi rất muốn Quốc hội ủng hộ, đó là từ nay trở đi chúng ta không dùng khái niệm “xuất khẩu lao động” mà chúng ta sử dụng từ trong luật điều chỉnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

"Đặc biệt, tình trạng lao động bỏ trốn, ở lại lao động bất hợp pháp, nhất là ở Hàn Quốc trước đây rất cao, khoảng 56% nhưng chúng ta giải quyết bằng nhiều giải pháp khác nhau, kể cả phía ta và phía bạn, đến nay, tỷ lệ bỏ trốn chỉ còn 24% (so với mức chúng ta cam kết với Hàn Quốc là 30% và hiện nay chúng ta thấp hơn rất nhiều quốc gia), đây là một điều rất đáng mừng", Bộ trưởng nói nhưng cũng nhấn mạnh, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí yếu kém ở lĩnh vực này, nhất là tình trạng môi giới bất hợp pháp, tình trạng trốn ở lại vi phạm hợp đồng… đang làm xấu đi hình ảnh của lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, đối với huyện nghèo chúng ta rất quan tâm, tuy nhiên số lượng đưa đi không nhiều. "Trước tình hình đó, vừa qua Bộ cùng với các địa phương cũng chấn chỉnh rất nhiều vấn đề này, chúng tôi đã xem xét xử phạt tới 118 doanh nghiệp khác nhau trong tổng số 459 doanh nghiệp. Có thể thấy rằng thời gian vừa qua có nhiều tiến bộ, tuy nhiên đây cũng là điều nhức nhối ở địa phương, đặc biệt là tình trạng cò mồi, tranh giành...", Bộ trưởng cho biết.

5 hình thức đi lao động nước ngoài theo hợp đồng

Về các hình thức người Việt Nam đi lao động nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, Luật hiện hành quy định 4 hình thức: thứ nhất là lao động đi thông qua doanh nghiệp được cấp giấy phép của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; thứ hai là đi qua doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu nhận công trình; thứ ba là đi thông qua doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đầu tư ra nước ngoài; thứ tư là đi theo hợp đồng lao động tự do của người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng, lực lượng lao động tự do này trước khi đi thì đăng ký thông qua cơ quan quản lý lao động ở địa phương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Luật chỉ điều chỉnh 5 hình thức lao động theo hợp đồng - Ảnh 2.

Các đại biểu đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật

Tại các buổi thảo luận, có một số đại biểu  đề cập đến việc đi lao động ở nước ngoài thông qua kỳ nghỉ, theo Bộ trưởng, đây là hình thức khác hoàn toàn. "Chúng ta đang làm thí điểm mà chủ yếu địa bàn Australia, năm 2020 là 1.500 trường hợp đi, nhưng tất cả những trường hợp này trước khi đi đều đăng ký qua cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau khi được Đại sứ quán Australia nhất trí rồi thì đó sang du lịch mới được lao động, do đó nó hoàn toàn khác với hình thức sang đó mới tự tìm kiếm việc làm, do đó đưa vào loại hình lao động tự do là đúng", Bộ trưởng nói.

Còn loại hình thứ năm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cách đây khoảng 2 năm xuất hiện hình thức hợp tác lao động giữa một địa phương của Việt Nam với địa phương ở một nước khác, đây là loại hình hợp tác ngắn hạn, hết thời vụ thì trở về. Vì vậy, đối với Ủy ban nhân dân tỉnh khi ký kết theo điều ước hợp tác về lao động thì phải có một cơ quan để đứng ra giúp cho Ủy ban nhân dân tỉnh, đó chính là đơn vị sự nghiệp công lập. "Đơn vị sự nghiệp này là ai? Là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đơn vị này chỉ giúp cho Ủy ban nhân dân thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước và đưa người lao động sang, không phải là một pháp nhân mới, nó tương đương như một đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành mà chúng ta đã cho phép ở Luật số 72".

Bộ trưởng nhấn mạnh: Ngoài 5 loại hình này thì tất cả các hình thức khác không do Luật này chi phối. "Ở đây, chúng ta phải nhớ một nguyên tắc: đó là lao động theo hợp đồng. Nếu lao động mà không theo hợp đồng thì không chi phối bởi Luật này. Ví dụ, lao động đi theo con đường bất hợp pháp như vụ 39 người ở Anh vừa qua, hay lao động đi theo con đường không có hợp đồng lao động, di cư tự do, lao động đường biên, du lịch hay thăm thân sau đó tìm cách ở lại lao động… đều không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này...

Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, theo Bộ trưởng, tuy còn hạn chế, nhưng thời gian vừa qua Quỹ cũng đã có đóng góp rất quan trọng trong hình thành và phát triển thị trường lao động cũng như bảo vệ người lao động, nhất là những trường hợp tai nạn rủi ro ở nước ngoài. Vừa qua, riêng vụ giải cứu lao động ở Lybia là phải đầu tư vào 200 tỷ, vụ kiện vệ sĩ ở A Rập Xê Út cũng phải sử dụng quỹ này, vụ kiện người lao động của chúng ta ở Hoa Kỳ phải dùng Quỹ này bởi không được sử dụng ngân sách mà phải dùng quỹ ngoài ngân sách để hỗ trợ.

"Đây không phải là Quỹ mới mà Quỹ này đã được quy định trong luật hiện hành. Chúng tôi xin đề nghị là cho phép duy trì Quỹ này, đồng thời mở rộng hơn phạm vi, đối tượng được sử dụng và Quỹ này chỉ thành lập ở trung ương, không tăng bộ máy biên chế", Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH khẳng định và cho biết: Đối với các vấn đề mà đại biểu nêu ra tại buổi thảo luận như: 6 nhóm chính sách, đặc biệt là chính sách đối với người lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước; thời hạn giấy phép đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tiêu chuẩn, điều kiện thành lập doanh nghiệp… Ban soạn thảo sẽ  tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và sẽ tiếp tục nghiên cứu để trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.  

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh