THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:23

Ngôi nhà “Ánh Dương”: Địa chỉ tin cậy cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực

Nhân viên công tác xã hội tư vấn hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Nhân viên công tác xã hội tư vấn hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực được thực hiện, Bạo lực trên cơ sở giới (Bạo lực giới) vẫn xảy ra hàng ngày ở các quốc gia trong đó có Việt Nam, đây vẫn được xem là một trong những vấn đề vi phạm nhân quyền phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Theo ước tính cứ 3 phụ nữ trên thế giới, có 1 người đã từng bị bao lực trong đời. Với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 hiện nay, vấn đề này có thể trở nên trầm trọng hơn.

Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Theo số liệu thống kê tỉnh Quảng Ninh, 555 vụ bạo lực trên cơ sở giới đã được ghi nhận trên toàn tỉnh trong 3 năm từ 2016 đến 2018, trong đó nạn nhân nữ chiếm 81%. Cụ thể, số ca bạo lực tinh thần chiếm 65,2%, bạo lực thân thể chiếm 29%; bạo lực tình dục chiếm 2,3% và bạo lực kinh tế chiếm 9,5%. Phần lớn nạn nhân 76,3% là người trong độ tuổi 16-59 tuổi.

Trong các thời điểm khủng hoảng như thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực cao hơn, bao gồm bạo lực do chồng/bạn tình và các thành viên trong gia đình gây ra với nhiều hình thức khác nhau do hạn chế đi lại, môi trường khép kín trong nhà trong một thời gian dài và căng thẳng gia đình leo thang. Bên cạnh đó, các dạng bạo lực giới khác như bị bóc lột và lạm dụng tình dục trong các tình huống này cũng có thể lan rộng. Tại một số quốc gia, số lượng phụ nữ gọi đến đường dây nóng tìm kiếm sự giúp đỡ đã tăng gấp đôi trong thời kỳ khủng hoảng này. Tại Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ chọ nạn nhân bị bạo lực giới đã ghi nhận sự gia tăng về số lượng cuộc gọi yêu cầu trợ giúp trong thời gian qua.

 

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước được lựa chọn triển khai thí điểm dự án Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thông qua xây dựng mô hình Trung tâm Can thiệp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (còn gọi là Ngôi nhà Ánh Dương) do chính phủ Hàn Quốc tài trợ với tổng kinh phí hơn 8,4 tỷ đồng. Ngôi nhà Ánh Dương trực thuộc Trung tâm Công tác xã hội - Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, được hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 4/2020.

Tại đây, các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới được cung cấp các dịch vụ thiết yếu hoàn toàn miễn phí 24/7, bao gồm hỗ trợ tư vấn, tham vấn qua đường dây nóng và tại văn phòng, xây dựng kế hoạch trợ giúp, cung cấp nơi tạm lánh an toàn trong trường hợp khẩn cấp, chăm sóc và hỗ trợ y tế, chuyển tuyến và kết nối hỗ trợ tư pháp. Bên cạnh đó, Ngôi nhà Ánh Dương cũng hỗ trợ trang bị kỹ năng sống, kết nối dạy nghề và tạo việc làm, kết nối chuyển gửi để hòa nhập cộng đồng… cho các nạn nhân.

Nhân viên công tác xã hội trực làm việc 24/7 tại Ngôi nhà Ánh Dương.

Nhân viên công tác xã hội trực làm việc 24/7 tại Ngôi nhà Ánh Dương.

Từ khi đi vào hoạt động đến tháng 12/2020, qua tổng đài 1800.1769, Ngôi nhà Ánh Dương đã tiếp nhận 137 cuộc gọi liên quan đến bình đẳng giới; cung cấp dịch vụ cho 47 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp tạm lánh khẩn cấp. Trong 7 tháng đầu năm 2021, Ngôi nhà Ánh Dương tiếp nhận, tư vấn và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho 12 nạn nhân, trong số đó có 9 nạn nhân tạm lánh; kết nối, tạo việc làm cho 02 đối tượng là nạn nhân bị bạo lực giới sau thời gian tạm lánh.

 Ông Nguyễn Phúc Phong, Giám đốc Trung tâm Công tác Xã hội cho biết: Các dịch vụ được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh Dương đều dựa trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, nạn nhân được đối xử tôn trọng, bình đẳng và đảm bảo yếu tố bảo mật về thông tin. Bất kỳ nạn nhân bị bạo lực giới nào khi có nhu cầu, đều được tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để giải quyết vấn đề bạo lực.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh