THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:51

Ngọc Tuyết vượt qua rào cản giới trong lĩnh vực STEM

Ngày 22/6/2021, chuỗi video khắc họa những người anh hùng đời thường trong Chương trình Quan hệ đối tác Mekong – Hoa Kỳ (MUSP) đã giới thiệu câu chuyện đầu tiên của Vương Thị Ngọc Tuyết, một nữ sinh trên hành trình lựa chọn con đường học tập trong lĩnh vực kỹ thuật, ngành mà phần lớn người theo học là nam giới. Tuyết là thế hệ sinh viên đầu tiên học kỹ thuật tại Đại học Cần Thơ và tại đây, cô đã tham gia vào chương trình kỹ thuật do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Đại học Bang Arizona tài trợ, nhằm ủng hộ Chương trình Quan hệ đối tác Mekong – Hoa Kỳ.

Ngọc Tuyết vượt qua rào cản giới trong lĩnh vực STEM - Ảnh 1.

Kỹ sư Vương Thị Ngọc Tuyết say mê lĩnh vực STEM

Câu chuyện của cô kỹ sư Ngọc Tuyết với  lĩnh vực  nghiên cứu Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) là video đầu tiên trong chuỗi bốn video đã nhận được nhiều sự quan tâm trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội.

Lớn lên trong một gia đình lao động, Ngọc Tuyết khao khát theo đuổi sự nghiệp với STEM. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tuyết đăng ký theo học ngành kỹ thuật hóa học tại Đại học Cần Thơ. Tuyết chia sẻ trong video rằng: "Trong gia đình mình, người phụ nữ không có cơ hội được tiếp cận nền giáo dục đại học, phải làm những công việc nội trợ trong gia đình. Nhưng mình muốn làm một điều gì đó khác biệt. Mình chọn theo đuổi con đường học vấn để có thể thay đổi quan điểm của mọi người về những việc mà phụ nữ có thể làm. Và đây cũng chính là lý do mà mình đã thuyết phục ba mẹ cho mình đi học đại học".

Tuyết chia sẻ về những thử thách khi là một trong 4 nữ sinh duy nhất trong số 120 sinh viên cùng lớp khiến Tuyết nhiều lúc cảm thấy lo sợ. "Khi mới vào đại học, mình còn nhút nhát và thụ động. Mình thậm chí không dám nói lên ý kiến của mình. Ngay cả khi mình muốn làm điều gì đó, cũng không biết phải bắt đầu từ đâu", Tuyết nhớ lại.

Tuyết đã sớm tham gia Dự án Kỹ thuật phục vụ Cộng đồng (EPICS), một cuộc thi khởi nghiệp xã hội dành cho sinh viên Việt Nam được tài trợ bởi USAID và Đại học Bang Arizona. Trong video, Tuyết nhớ lại, EPICS nhiệt tình hỗ trợ các bạn nữ tham gia chương trình và khuyến khích sinh viên hợp tác để đổi mới các giải pháp thiết thực nhằm mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng.

Trong quá trình tham gia EPICS, Tuyết đã gặp được thêm nhiều bạn nữ trẻ tuổi, tài năng và cùng chí hướng. Cô làm việc nhóm cùng với các bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau để cùng nhau thiết kế, xây dựng và triển khai các giải pháp, giải quyết các vấn đề trong cộng đồng. Trong năm đầu tiên tham gia chương trình EPICS, Tuyết và hai bạn nữ khác đã phát minh ra một loại kẹo làm từ cám gạo, giúp bệnh nhân tiểu đường quản lý chế độ ăn – một dự án được thiết kế nhằm giúp những người bị bệnh tiểu đường như mẹ cô.

Năm ngoái, cô đảm nhận vai trò đội trưởng của một nhóm chế tạo ra máy phun thuốc trừ sâu an toàn, sức chứa lớn và có con lăn dễ sử dụng cho nông dân dùng tại vườn cây ăn quả thay vì mang theo những bình thuốc trừ sâu nặng trên lưng. Phát minh này đã giúp nhóm của Tuyết đạt giải nhất trong cuộc thi EPICS toàn quốc và tạo cho Tuyết động lực to lớn để tiếp tục sự nghiệp của mình với STEM.

Tuyết đã có thêm nhiều kinh nghiệm cho trong việc phát triển những ý tưởng đổi mới của mình, cô giải thích: "Theo đuổi lĩnh vực mà mọi người vốn nghĩ chỉ thích hợp với nam giới, mình lấy nó làm cảm hứng cho bản thân. Mình đặt suy nghĩ vào những vấn đề mà người phụ nữ phải đối mặt mỗi ngày. Năm trước, nhóm mình đã phát minh ra máy sấy quần áo dành riêng cho mùa mưa. Chúng mình muốn tạo những thay đổi tích cực và đóng góp vào sự phát triển bền vững của môi trường cho người dân ở khu vực sông Mekong".

Hành trình theo đuổi ước mơ của Tuyết đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn gái khác trong khu vực và những người phụ nữ yếu thế khác trong xã hội, bao gồm cả em gái Tuyết, để các bạn nỗ lực theo đuổi ước mơ trong tương lai bằng cách tiếp tục con đường học vấn dựa trên STEM. "Em không học giỏi như chị em vì vậy em rất lo lắng về việc đăng ký khóa học STEM. Nhưng chị gái chính là người động viên và hướng dẫn em rất nhiều. Chị là người mà em ngưỡng mộ. Chị cũng đã khuyên em tham dự khóa học EPICS vào năm sau." – em gái Tuyết chia sẻ.

Tuyết muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực nhiên liệu tái tạo, cô chia sẻ: "Định hướng công việc tương lai của mình mong muốn liên quan đến năng lượng tái tạo, tại một công ty dầu khí, nhưng thường họ chỉ tuyển dụng nữ cho các công việc văn phòng. Song mình vẫn muốn thử. Mình muốn cho mọi người thấy được mình có thể làm được những việc tương tự như những người nam giới khác".

Quan hệ đối tác Mekong – Hoa kỳ đã chắp cánh cho ước mơ của Tuyết và rất nhiều người dân tại khu vực sông Mekong, thông qua những khóa học đào tạo về chuyên môn, và kết nối những bạn trẻ cùng chí hướng. Với hơn 150 triệu đôla đầu tiên được phân bổ để hỗ trợ cho những sáng kiến khu vực đã được triển khai, MUSP còn mở rộng phạm vi hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với khu vực sông Mekong đến toàn bộ các nỗ lực về an ninh kinh tế, quản trị, sức khỏe và môi trường, hướng tới giải quyết những thách thức chung trong khu vực.

Câu chuyện của cô kỹ sư Ngọc Tuyết là câu chuyện đầu tiên trong chuỗi bốn video ghi lại cuộc sống của những anh hùng đời thường  tại khu vực sông Mekong. Các video được các Đại sứ quán và Lãnh sự quán Hoa Kỳ trong khu vực phát hành nhằm tôn vinh những tác động tích cực của sự  hợp tác trong khuôn khổ Đối tác Mekong – Hoa Kỳ và Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong.

Việt Cường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh