Ngoài trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được hưởng rất nhiều quyền lợi khác khi tham gia BHTN
- Bài thuốc hay
- 11:20 - 01/04/2023
Bảo hiểm thất nghiệp có vai trò rất lớn không chỉ đối với cá nhân người lao động và doanh nghiệp. là một trong những công cụ để thực hiện chính sách an sinh xã hội Tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được thụ hưởng nhiều quyền lợi.
Trước hết, tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trợ cấp thất nghiệp được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động đủ điều kiện hưởng. Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, người lao động muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Trừ trường hợp: Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm. Trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, ra nước ngoài định cư, chết,…
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2023 được quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013 như sau: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cũng được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm. Cụ thể, theo quy định tại Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Bên cạnh đó, người lao động cũng được hỗ trợ học nghề. Hỗ trợ học nghề bảo hiểm thất nghiệp được xác định là một trong những biện pháp giúp cho người lao động được đào tạo nghề, tạo ra cơ hội để họ chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay lại tham gia vào thị trường lao động, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm. Khác với các quyền lợi trên, quyền lợi về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm được chi trả cho người sử dụng lao động.
Theo các quy định hiện hành, việc giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện tại các trung tâm dịch vụ việc làm. Khi đến đây, những lao động có nhu cầu sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề… Với người có nhu cầu học nghề, các trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu cho họ những ngành, nghề phù hợp tại cơ sở dạy nghề uy tín, để họ chủ động lựa chọn.
Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết trong đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) sắp tới, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ là một trong những nhóm chính sách trọng tâm. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.