Ngỡ ngàng với những nghề khốn khó của sao Việt thuở hàn vi
- Văn hóa - Giải trí
- 20:58 - 03/03/2017
Bình Minh từng làm cửu vạn từ năm 16 tuổi
Bình Minh là con cả trong gia đình có 2 anh em trai ở Lạng Sơn. Bố anh làm lái xe khách đường dài, mẹ làm việc cho trạm y tế của xã và mở thêm quán nước nhỏ trước nhà để đủ tiền trang trải cuộc sống.
Tuổi thơ của Bình Minh là những sáng thức dậy từ lúc 3 giờ để phụ mẹ bán sữa đậu nành. Không có nhiều đồ chơi như bạn bè đồng trang lứa, cũng không có những ngày nghỉ cuối tuần, thậm chí chưa từng biết công viên trò chơi là gì.
Niềm vui của hai anh em Bình Minh là những hôm ngồi nghe bố kể về những nơi ông từng chạy xe qua, hay đơn giản hơn chỉ là được thức trắng đêm vừa nhìn mẹ nấu sữa vừa nghe bà kể chuyện... ma.
Anh nhớ lại: “2 anh em chia nhau thức dậy sớm vào các ngày xen kẽ nhau. Tôi là anh cả nên sẽ thức sớm Hai, Tư, Sáu, Chủ Nhật. Còn em trai thì thức Ba, Năm, Bảy. Cứ thấy sáng hôm sau không phải dậy sớm thì tối hôm trước tôi sẽ thức thật khuya nghe mẹ kể chuyện ma”.
Cái nghèo khổ vẫn cứ bám lấy gia đình anh, cho đến năm Bình Minh 15 tuổi, anh cùng em trai theo bố đi làm lơ xe lên cửa khẩu hoặc các vùng lân cận. Những tháng ngày rong ruổi đường dài, nhìn cảnh bố mình chỉ được ăn cơm trắng với muối mè, cái quyết tâm phải thành công, phải làm giàu chính đáng cứ cháy âm ỉ trong lòng anh.
Khi lớn hơn, đã có sức vóc trai tráng, Bình Minh phụ giúp bố khiêng vác hàng cho khách. Khi thành công trong sự nghiệp nghệ thuật, Bình Minh vẫn không quên được cảm giác ra bến xếp hàng hóa cho khách giữa cái lạnh giá thấu xương của núi rừng miền Bắc. Công việc hoàn thành cũng là lúc môi anh tím tái, răng va vào nhau lập cập, hai tay cứng đơ vì giá rét.
Đinh Thành Lê từng đi bán chó dạo
Nữ ca sĩ gốc Hà Tĩnh kể rằng, thuở hàn vi, vì nhà có tới 4 anh chị em, bố mẹ lại làm công chức, lương “ba cọc, ba đồng” nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Dù là con thứ nhưng hàng ngày chị vẫn phải đi vớt rau mang ra chợ bán. Lên lớp 8, lớp 9, chị còn kinh qua nghề buôn bán chó và bán trứng gà. Mỗi ngày, chị phải đạp xe mấy chục km qua làng bên tìm mối hàng sau đó lại cho vào rọ về mang đi các làng bên cạnh để bán. Ngoài ra, bản thân Đinh Thành Lê cũng thừa nhận chị lớn lên từ công việc hát tiệc đám cưới, đám sinh nhật, mừng thọ, thôi nôi...
“Tôi ra Hà Nội đi hát rất chăm chỉ. Trong bàn tiệc đủ các thể loại, tử tế có, vớ vẩn có. Quan trọng với tâm thế của người đi hát kiếm tiền mưu sinh thì mình luôn tự tin, tự hào. Nhờ những bàn tiệc mà có được tôi như thế này, rất bản lĩnh và rõ ràng. Kể cả bây giờ tôi có điều kiện hơn thì cũng không bao giờ quên xuất thân của mình thực sự khó khăn. Có được hôm nay, chứng tỏ con đường ca hát với tôi là lựa chọn đúng đắn”, Thành Lê nói.
Nữ ca sĩ kể, năm 2001, khi ra Hà Nội làm được những đồng tiền đầu tiên, chị đã gom góp được 15 triệu để gửi về cho bố mẹ trả nợ ngân hàng lấy sổ lương ra. Từng bước một chị đã làm thay đổi cuộc đời của cả gia đình vì chứng kiến cái khổ chị sợ.
Hoài Linh từng làm nghề chặt thịt lợn
Sinh ra tại Cam Ranh (Khánh Hoà) nhưng từ bé Hoài Linh cùng gia đình chuyển vào Nam sinh sống tại Đồng Nai. Để có tiền phụ giúp cha mẹ, sáng sớm mỗi ngày anh đều đặt đã ra chợ mua mía, kéo về nhà róc vỏ, chặt khúc và đem bán. Tiền lời bán mía giúp anh đủ đi chợ và mua tập sách đến trường.
Năm 1993, gia đình anh được người cậu ruột bảo lãnh sang Mỹ. Để có tiền trang trải cuộc sống, Hoài Linh làm thuê trong một chợ của người Việt với công việc chặt thịt lợn và phân từng kilogam để các siêu thị bày bán. Một năm sau, anh vào làm hãng thịt lợn của người Mỹ, hằng ngày phải giam mình trong phòng lạnh dưới 0 độ C. Sau một sự cố giao thông, anh lâm vào cảnh thất nghiệp.
Tại Mỹ, do có khả năng ăn nói cộng thêm kinh nghiệm trình diễn nhờ những lần tham gia các cuộc thi nhỏ tại Việt Nam, anh thỉnh thoảng được mời làm MC đám cưới. Được ca sĩ Thanh Tuyền và Trizzie Phương Trinh phát hiện, Hoài Linh được đã mời sang California tham gia các chương trình đại nhạc hội.
Từ đó, với khả năng và thêm một chút may mắn, Hoài Linh trở thành cái tên đắt show trong các chương trình hài tại hải ngoại. Về Việt Nam, Hoài Linh tiếp tục giữ vững vị thế của mình. Những bộ phim, chương trình truyền hình có anh tham gia luôn thu hút người xem. Chính vì thế, thu nhập của Hoài Linh luôn thuộc hàng top của showbiz. Giàu có và thành công, song Hoài Linh rất giản dị và luôn xuất hiện mộc mạc, chân chất như những vai diễn của anh.
Chiến Thắng từng làm thợ khắc mộ chí
Danh hài Chiến Thắng sinh ra trong một gia đình nghèo, có nghề đóng gạch thuê. Từ năm lớp 10, anh đã bắt đầu phải nếm trải công việc tay chân này. Chiến Thắng kể, mỗi buổi đi học về, anh đánh 10 gánh gạch, khoảng 200 viên thì mới về ăn cơm. Anh gánh suốt 3 năm phổ thông, kể cả mỗi dịp nghỉ hè đại học. Đó là nguyên nhân khiến dáng người anh bao giờ cũng cong cong… hơn so với những người khác.
Chiến Thắng kể thêm rằng, thuở đi học rất khó khăn vì nhà quá nghèo. Anh may mắn thừa hưởng chút năng khiếu vẽ từ bố nên đã thử làm nghề khắc bia mộ.
“Có lần tôi hỏi thằng bạn thân rằng: “Nhà mày có ai mất không?”. Bạn tôi nghĩ tôi trù ẻo nên giận dữ chửi: "Mày dở hơi à?". Lúc đó tôi biết mình "hố" đành chữa lại câu hỏi rằng: "Các cụ già ấy, nếu mất tao làm cho cái bia mộ, lấy rẻ rẻ thôi, thu nhập thêm để trang trải cuộc sống sinh viên. Nghe đến đây, bạn tôi phá lên cười, thôi không giận nữa", Chiến Thắng hài hước nhớ lại.
Năm 2001, một lần đi đưa người em xuống Hà Nội học, khi đi qua đoạn đường Nguyễn Chí Thanh anh bất ngờ nhìn thấy Đài THVN. Bỗng dưng anh chợt có ý nghĩ táo bạo là vào gặp "cha đẻ" của chương trình này. Lúc đó NSND Khải Hưng cho anh diễn thử một vài tiểu phẩm, không ngờ anh nhận được cái gật đầu đồng ý của vị đạo diễn khó tính và anh bước vào nghề diễn hài từ đấy.