THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:56

Nghìn Việt kiều sống khốn khó ven hồ Dầu Tiếng

 

Cuối con đường đất đỏ lầy lội mùa mưa, hàng trăm nóc nhà dựng bằng thân cây, mái thuyền, hiện ra trong cảnh ọp ẹp, rách nát ven hồ Dầu Tiếng (ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, Tây Ninh). Đây là làng tạm cư của những Việt kiều từ vùng Biển Hồ (Campuchia) dạt về sinh sống. Có hộ trở về đã 7 năm, cũng có người mới về vài tháng, song tất cả đều không có giấy tờ tùy thân, quốc tịch, nhà cửa, tiền bạc...

Bãi đất trống ven hồ trông xộc xệch bởi những căn chòi rách nát rộng 4-12 m2 làm từ cừ tràm, tre, ván, phủ bạt. Rất nhiều hộ không mua được vật liệu đã kéo con thuyền (giúp họ vượt hàng nghìn km về Việt Nam) lên cạn rồi xem đó là nhà. Ở những gia đình đông con, họ chế giường hoặc sạp tre chừng 3-8 m2 cho 4-5 người ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt.

Đưa đại gia đình gần 10 người về đây được 3 tháng, ông Huỳnh Công Đài (70 tuổi) cho biết theo cha mẹ sang khu Biển Hồ của Campuhia mưu sinh hồi còn rất nhỏ. Sau này có gia đình, con cháu, tất cả đều theo nghiệp đánh cá. Ở đó có rất đông người Việt như gia đình ông. Những năm gần đây chính quyền nước bạn siết chặt lệnh đánh bắt khiến đời sống mọi nhà bấp bênh.

 

Xóm Việt kiều ven lòng hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh. Ảnh: Duy Trần

 

"Có người vi phạm lệnh này nên bị giam giữ, không có tiền nộp phạt phải ở tù luôn. Không kiếm được tiền lại sống kiểu ăn nhờ ở đậu, già nói con cháu quay về Việt Nam", ông Đài nói, rít hơi thuốc thật dài.

Hành trình từ Biển Hồ về của gia đình ông lão kéo dài 15 ngày nhờ xuôi dòng Vàm Cỏ. Sở dĩ ông Đài và những Việt kiều Campuchia chọn hồ Dầu Tiếng làm chốn nương thân vì nó rộng, nhiều cá giống khu vực bên nước bạn.

"Không có tiền mua đất nên già cập nhà sát mé nước để tiện sinh hoạt. Khi nước dâng thì cả gia đình nhổ cọc, khiêng chạy lên vùng đất cao hơn. Nhà có 10 người, đóng 2 cái giường bằng ván và tre nên cũng nhẹ", ông Đài thở dài, nhìn mặt nước đang mấp mé cột giường.

Cuộc sống không điện, nước sạch, tiền bạc... của nghìn người đang bám vào lòng hồ Dầu Tiếng. Hàng ngày, đàn ông dong thuyền ra hồ đánh cá, kiếm được 70-80 nghìn đồng. Còn trẻ em, phụ nữ vào khu dân cư bán vé số, lo chăm đàn vịt, con gà. Mọi sinh hoạt từ ăn uống, tắm rửa, đến đi vệ sinh đều lấy nước từ hồ.

Một chiếc thuyền được kéo lên cạn làm nơi ở của 3-4 người. Ảnh: Duy Trần

 

Những đứa trẻ ở xóm Việt kiều này đều hao hao nhau với làn da đen nhẻm, đầu vàng ruộm vì suốt ngày phơi nắng và hoàn toàn không đi học. Mỗi gia đình ở đây ít thì 3-4 con, nhiều thì 7-8 đứa. Chúng kết nhóm chơi với nhau vì trẻ bên ngoài dường như bị gia đình cấm tiếp xúc.

Tiền, Đô và La là 3 anh em ruột. Đứa lớn nhất 9 tuổi, nhỏ 5 tuổi và tất cả đều ở nhà phụ việc. Cha chúng, anh Ấm, nói rằng rất muốn các con có giấy khai sinh để đi học, sau này có cơ hội kiếm được việc làm ở công ty, thoát cảnh đời như cha mẹ. "Hồi ở Campuchia, chúng tôi cũng cho đi học mỗi buổi mấy đồng để biết mặt chữ nhưng tốn kém quá nên thôi. Giờ muốn con đi học thật đấy nhưng cũng lo nhà đông miệng ăn, không ai phụ việc", anh Ấm nói.

Cả xóm Việt kiều hơn 1.000 người ngụ ven lòng hồ Dầu Tiếng hiện không có quốc tịch. Họ không có bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh mình sinh ra, cư trú tại Việt Nam, ngoài giọng nói. Sống tại Campuchia hàng chục năm nhưng ở sông nước biền biệt, không giao lưu với bên ngoài nên các loại giấy tờ hay các con chữ đều xa lạ với họ.

Trở về Việt Nam 2 năm nay, bà Lê Thị Hương (43 tuổi) nói rằng, chính quyền địa phương cũng không thể cấp giấy tờ cho bà vì không xác định được bà sinh ở đâu, cư ngụ thế nào. "Chúng tôi ở đây không còn biết quê mình ở đâu, lang bạt lâu quá rồi. Bên Biển Hồ chúng tôi cũng được sinh ra, lớn lên theo cha mẹ đi đánh cá rồi có chồng con chứ đâu biết giấy tờ gì. Giờ sống đâu thì đấy là quê của mình thôi", bà Hương nói, giọng ngậm ngùi.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành Dương Thị Vất, ban đầu chỉ khoảng 3-4 hộ từ Campuchia về, địa phương chưa kịp tiếp xúc thì vài đêm sau xuất hiện cả trăm hộ, họ dựng chòi ở ngay trong đêm. Thống kê hiện có 352 hộ với hơn 1.000 người.

"Bên Campuchia sinh sống quá khó khăn nên họ dong thuyền về Việt Nam ngày một nhiều lên. Chính quyền có phát gạo cứu đói, tổ chức đưa các cháu đến trường, nhưng học vài buổi các cháu lại bỏ vì gia đình bắt đi làm dù xã, trường có xuống vận động", bà Vất nói.

Chủ tịch UBND xã Tân Thành Trần Quang Ghi cho biết địa phương đã hướng dẫn các hộ quay về Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia chứng thực giấy tờ để làm thủ tục hợp thức hóa các giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, chưa hộ nào làm được vì không có tiền đi lại và không biết chữ. Sở Tư pháp Tây Ninh vừa phối hợp với chính quyền địa phương thống kê, xác minh để hoàn thiện hồ sơ, xem xét cấp giấy tờ cho họ.

"Kế hoạch huyện, xã đã làm xong và trình lên tỉnh để duyệt chờ triển khai. Với những người trở về không giấy tờ mới khó khăn chứ trẻ sinh ra ở xóm Việt kiều thì mặc nhiên được làm giấy khai sinh", ông Ghi nói.

Trong kế hoạch về khu dân cư cho Việt kiều Campuchia vừa hoàn tất, chính quyền sẽ lấy đất công xây hơn 100 căn nhà cho những hộ ở ấp Tà Dơ. Khu vực này sẽ có đầy đủ điện nước, gần lòng hồ Dầu Tiếng để họ đánh bắt cá. Tuy nhiên, ông Ghi không giấu e ngại "chỉ sợ xây nhà cho họ thì người Việt ở Biển Hồ nghe tin sẽ trở về, là áp lực rất lớn".

"Hơn trăm căn nhà có thể giải quyết được chứ hàng chục nghìn người về thì vỡ kế hoạch ngay. Tình hình an ninh trật tự ở xóm Việt kiều hiện đã phức tạp, nếu đông hơn sẽ không kiểm soát nổi", ông Ghi phân tích.

Trước tình trạng người Việt ở Biển Hồ đang kéo về nước và phải sống khốn khó, hồi giữa tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công văn yêu cầu các địa phương phải gấp rút giải quyết các vướng mắc để họ hòa nhập, sinh sống. Hiện, họ sống tập trung ở thượng nguồn sông Sài Gòn thuộc địa phận các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và vùng Tân Hưng của Long An.

 


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh