THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:20

Nghiên cứu phát triển cây Mắc ca, tạo sinh kế cho người dân Thừa Thừa Thiên Huế

Cây Mắc ca được trồng thử nghiệm tại huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế phát triển tốt và đã ra quả

Cây Mắc ca được trồng thử nghiệm tại huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế phát triển tốt và đã ra quả

Đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về nghiên cứu phát triển cây Mắc ca, tạo sinh kế cho người dân.

Theo GS. Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cây Mắc ca là loại cây trồng có giá trị dinh dưỡng cao, nhu cầu sử dụng trên thế giới rất lớn, sản phẩm được chế biến đa dạng. Tai Việt Nam hiện nay có 29 tỉnh trồng loại cây này, với khoảng 19.000ha, trong đó đã có 6.853 ha cho quả, sản lượng ước đạt 8.840 tấn năm 2021. 

Qua khảo sát điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu một số địa phương tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nhận định, cây Mắc ca có thể trồng và phát triển tốt tại Huế, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, Hiệp hội mong muốn tỉnh Thừa Thiên Huế tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp tìm hiểu, đầu tư phát triển một số diện tích cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh. Hiệp hội sẽ hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến. 

Ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân theo hướng phát triển bền vững cùng chuỗi liên kết giá trị. Ông Minh cũng nhận định cây Mắc ca khá phù hợp khi được triển khai trồng tại tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nghiên cứu trồng thí điểmcây Mắc ca tại huyện A Lưới hoặc một số địa bàn thuộc các huyện Phong Điền, Nam Đông, hướng đến mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị hiệp hội tiến hành tổ chức các hội thảo đầu bờ, thông tin cho người dân đầy đủ thông tin kết hợp với việc tiến hành trồng thử nghiệm mô hình tại một số hộ dân; đảm bảo cung cấp nguồn giống hợp pháp, đúng chuẩn và có cam kết với người sản xuất; hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc bài bản, qua đó đánh giá mức độ phù hợp của cây Mắc ca tại Thừa Thiên Huế để có cơ sở triển khai sau này. 

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ đồng hành và tạo mọi điều kiện để Hiệp hội Mắc ca khảo sát và phát triển cây Mắc ca trên địa bàn, giúp người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Được biết, tại Thừa Thiên Huế, cây Mắc ca đã được trồng thử nghiệm từ năm 2017 trong diện tích đất của hộ dân ở thôn A Hưa pa E, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới. Theo đó, từ nguồn cung ứng cây giống và hỗ trợ kỹ thuật của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, anh A Kiêng Viên đã trồng thử nghiệm khoảng 200 gốc cây Mắc ca trên diện tích 0,8ha của gia đình. Đến nay, cây tỏ ra phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, sinh trưởng tốt và đã cho thu hoạch lứa quả bói đầu tiên.

Theo đánh giá của chuyên gia, A Lưới là vùng đất có khí hậu tương đồng như các khu vực ở Tây Nguyên và tránh được các cơn bão ở miền Trung nên rất thích hợp để phát triển cây mắc ca. Do đó, huyện miền núi này cũng đang nghiên cứu kế hoạch hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình, tạo sinh kế bền vững qua đó vươn lên thoát nghèo.

CT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh