Nghiên cứu khắc phục bất cập về biển báo giao thông
- Dược liệu
- 16:33 - 08/08/2018
Theo báo Giao Thông đưa tin, từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Vĩnh Phúc đã nhận 11 đơn khiếu nại của người vi phạm giao thông. Hiện, 1 trường hợp đã rút đơn, 8 trường hợp đã giải quyết xong và 2 trường hợp đang xác minh, làm rõ.
CSGT Bắc Giang xử lý vi phạm tốc độ qua khu vực đông dân cư - Ảnh: báo Giao Thông
Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Văn Chức, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, có một số bất hợp lý trong tổ chức giao thông trên địa bàn có liên quan đến Quy chuẩn 41. Theo đó, trên tuyến QL1 cần phải cắm biển Biển số R420 tại Km 105+500 cả hai chiều đường theo hướng Lạng Sơn đi Hà Nội và chiều ngược lại thuộc địa phận thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang. Lý do vì đây là ngã tư giao cắt giữa QL1 với ĐT295, cắm biển nhắc lại R420 để các phương tiện di chuyển từ ĐT295 ra QL1 chủ động đi đúng tốc độ quy định trong khu vực đông dân cư.
Tại Hải Phòng, hệ thống biển báo trên QL5 đoạn đi qua thành phố sai với Quy chuẩn 41 rất phổ biến, như hệ thống biển báo hiệu được gắn ở thành các cây cầu vượt như: Quán Toan, Quán Nam, chợ Hàng, Đông Hải… (Quy chuẩn 41 quy định phải gắn ở giá long môn). Tại các tuyến đường này, biển báo phân chia làn đường vẫn dùng biển R403 là biển làn đường dành cho ô tô chứ không phải biển làn đường dành riêng cho xe ô tô, hơn nữa biển này không đúng quy chuẩn, vạch kẻ đường cũng không phải vạch 2.3. Vì vậy, tại các tuyến đường huyết mạch như: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn xảy ra tình trạng bát nháo, xe container, xe khách tràn sang làn đường dành cho xe mô tô, xe thô sơ mà CSGT không thể xử lý với lỗi đi sai làn đường được.
Ông Hoàng Triệu Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cho biết: Chúng tôi kiến nghị Tổng cục Đường bộ VN điều chỉnh hệ thống biển báo, vạch sơn kẻ đường thống nhất trên toàn tuyến QL5 theo Quy chuẩn 41. Hệ thống biển báo không thống nhất theo Quy chuẩn 41 là một tác nhân gây nên nhiều vụ TNGT trên tuyến đồng thời khiến công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Đại diện Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, Bộ Công an cho biết, những vướng mắc phổ biến mà lực lượng CSGT đang gặp phải trong quá trình thực hiện Quy chuẩn 41 là tại mục 10.3.2, Điều 10 Quy chuẩn 41 quy định ý nghĩa của tín hiệu đèn vàng “Báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau”. Tuy nhiên, tại Mục c, Điểm 3, Điều 10 Luật GTĐB 2008 quy định “Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì phải được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”.
“Thực tế hiện nay, trên một số tuyến phố, tuyến đường tình trạng “Vạch dừng xe” bị mờ, chưa được kẻ lại, gây khó khăn cho người tham gia giao thông và lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT”, đại diện Cục CSGT chia sẻ.
Việc xử lý vi phạm tốc độ qua khu vực đông dân cư dễ gây tranh cãi. Ảnh: báo Giao Thông
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, Tổng cục Đường bộ VN đang tiếp thu ý kiến đóng góp, đồng thời rà soát những bất cập trong Quy chuẩn 41 về báo hiệu đường bộ theo đúng lộ trình mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo đến cuối năm nay phải khắc phục hết các bất cập trong quy chuẩn.
Trước đó theo TTXVN đưa tin, vào Chiều 29/6, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị xem xét điều chỉnh những tồn tại, bất cập của Quy chuẩn 41:2016 (QC41:2016) về báo hiệu đường bộ và Thông tư 91/2015/TT- BGTVT về tốc độ xe cơ giới đường bộ.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, khắc phục ngay những bất cập về biển báo hiệu đường bộ và tốc độ được quy định tại quy chuẩn và thông tư trên để phù hợp với thực tiễn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, sau thời gian thực hiện Quy chế 41: 2016 và Thông tư 91 có nhiều tích cực, được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, một số quy định còn bất cập, chưa có sự thống nhất, đồng thuận cao. Trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét sửa đổi cho phù hợp.