CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:05

Nghiên cứu, bổ sung các chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Nghiên cứu, bổ sung các chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam - Ảnh 1.

Tỷ lệ nội địa hoá công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn ở mức thấp

Theo thời báo Tài chính Việt Nam, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời kiến nghị về chính sách ưu đãi để phát triển dòng xe chiến lược dung tích nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường.

Về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), theo Bộ Tài chính, để khuyến khích phát triển dòng xe chiến lược dung tích nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường, Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016) đã quy định giảm thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô dưới 9 chỗ có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống và tăng thuế suất thuế TTĐB ở mức cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3.

Cụ thể, giảm thuế suất thuế TTĐB đối với dòng xe ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 và chia thành các nhóm nhỏ: loại có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống, từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 35% (giảm 10% so với quy định); loại trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3, từ ngày 1/1/2018 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5%).

Bên cạnh đó, chính sách đã thực hiện giảm thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô điện, như: loại chở người từ 9 chỗ trở xuống: 15% (giảm 10%); loại chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ: 10% (giảm 5%); loại chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ: 5% (giảm 5%). Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với xe có dung tích xi lanh lớn để khuyến khích sử dụng xe ô tô tiết kiệm nhiên liệu nhằm bảo vệ môi trường: mức thuế suất thuế TTĐB lên đến 150% áp dụng đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3.

Đồng thời, tại Luật thuế TTĐB đã có quy định đối với xe ô tô thân thiện với môi trường như sau: Xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng mức thuế suất thuế TTĐB bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe có dung tích cùng loại. Xe ô tô chạy bằng năng lượng sinh học mức thuế suất thuế TTĐB bằng 50% mức thuế suất áp dụng cho xe có dung tích cùng loại.

Do vậy, theo Bộ Tài chính, chính sách thuế TTĐB đã được sửa đổi, bổ sung để ưu đãi, phát triển dòng xe chiến lược dung tích nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường.

Về chính sách thuế nhập khẩu, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển, tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã bổ sung các chủng loại xe ô tô chạy điện, xe ô tô sử dụng pin nhiên liệu, xe ô tô hybrid, xe ô tô sử dụng nhiên liệu sinh học hoàn toàn, xe ô tô sử dụng khí thiên nhiên vào đối tượng áp dụng ưu đãi của chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu. Đồng thời sửa đổi quy định về mẫu xe và quy định về thủ tục, hồ sơ thực hiện chương trình ưu đãi thuế để giảm thủ tục hành chính nhằm góp phần khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Nghiên cứu, bổ sung các chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam - Ảnh 2.

Linh kiện, phụ tùng ô tô là những thành phần quan trọng để cấu thành nên một chiếc xe hơi - Ảnh minh họa

Về kiến nghị miễn thuế TTĐB đối với linh kiện sản xuất trong nước, Bộ Tài chính cho biết, theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, từ 10/7/2020, Chính phủ cho phép bỏ thuế nhập khẩu linh kiện đối với doanh nghiệp sản xuất, gia công ô tô trong nước. Do đó, linh kiện, phụ tùng ô tô không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.

Về đề xuất sửa đổi quy định giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước (là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước), hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Tài chính, Bộ Công thương nghiên cứu trình Chính phủ các chính sách, biện pháp hỗ trợ, khuyến khích đối với sản xuất, lắp ráp ô tô, nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước.

Đáng chú ý, mặc dù những đề xuất yêu cầu giảm thuế, tăng ưu đãi của Doanh nghiệp đã được các Bộ ngành và Chính phủ thống nhất cũng như ban hành nhiều chính sách ưu đãi góp phần thúc đẩy nền công nghiệp ô tô trong nước phát triển. Tuy nhiên, những ưu đãi này dường như chưa đủ để tác động đến việc giảm giá bán.

Như Báo Dân trí đã đưa tin trước đó, giá bình quân các mẫu xe, dòng xe tại Việt Nam sau 10 tháng được hưởng ưu đãi từ Nhà nước, hầu hết vẫn không giảm là bao, thậm chí nhiều mẫu xe ''hàng hot", doanh số tốt trên 1.000 chiếc bán ra/tháng vẫn neo mức rất cao.

Nhiều mẫu xe như Toyota Vios, Honda City, Mazda 3, Hyundai Accent... được lắp ráp trong nước có doanh số đều trên 1.000 chiếc/tháng, song đều là các mẫu xe có giá thành tương đối cao, mẫu thấp nhất cũng trên 450 triệu đồng/chiếc, cao lên đến 700 triệu đồng/chiếc.

Nghiên cứu, bổ sung các chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam - Ảnh 3.

Ô tô điện hạn chế xả thải ra môi trường nhưng mức giá chưa phù hợp với khả năng thanh toán của nhiều người tiêu dùng Việt Nam.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về đề xuất của Vinfast liên quan chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ đối với xe ô tô điện.

Trong công văn lấy ý kiến, Bộ Tài chính nêu rõ, hiện nay tốc độ tăng trưởng xe ô tô điện hiện rất nhanh, mặc dù hàng năm, xe ô tô điện chỉ chiếm 2,6%/tổng lượng xe bán trên toàn cầu nhưng mức tăng trưởng được ghi nhận tăng 50%.

Trên thế giới, các quốc gia đang có xu hướng hạn chế hoặc bỏ dần phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang khuyến khích các phương tiện nhiên liệu sạch

Nhất trí với quan điểm trên, Bộ Công Thương cho rằng, việc xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để khuyến khích sản xuất và kích thích người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường, góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường là cần thiết và phù hợp với định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Do đó, Bộ Công Thương nêu quan điểm: "Việc áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi không thu thuế TTĐB và LPTB áp dụng trong thời gian 5 năm để khuyến khích sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường là có thể xem xét".

Bên cạnh quyết tâm của doanh nghiệp cùng với việc đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa, Chính phủ cần sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước một cách toàn diện và dài hạn. Điều này giúp cho các doanh nghiệp cung ứng, lắp ráp ô tô trong nước sự phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với các ngành sản xuất ô tô trong khu vực và trên thế giới. Mang lại hy vọng được sử dụng ô tô với mức giá phù hợp với khả năng thanh toán của nhiều người tiêu dùng Việt Nam.



Xuân Quang (TH)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh